Trong ngành sản khoa, 5 loại tai biến có nguy cơ tử vong và để lại di chứng hàng đầu mà ngay cả các bác sĩ (BS) chuyên khoa giàu kinh nghiệm nhất cũng lo ngại là băng huyết sau sinh, vỡ tử cung, uốn ván rốn, nhiễm trùng và sản giật.
Nguy cho cả mẹ lẫn con
Theo BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải - Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM - tiền sản giật được xác định thông qua chỉ số huyết áp tăng cao, đồng thời xuất hiện protein niệu (khi xét nghiệm nước tiểu), ở tuần thai thứ 20 trở đi. Bệnh lý này đưa tới nguy cơ xuất hiện cơn sản giật và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể người mẹ cũng như em bé.
“Tiền sản giật và sản giật có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như não, mắt, tim, gan, phổi, thận… Nó có thể gây cơn phù phổi; làm căng bao gan gây đau tức vùng thượng vị - nặng hơn là gây vỡ gan, xuất huyết; ảnh hưởng quá trình tạo máu, làm thay đổi một số chỉ số, rối loạn đông máu; gây tổn thương màng thận, tăng uric acid… Nguy hiểm nhất là lên cơn sản giật khiến sản phụ hôn mê” - ông Hải cảnh báo.
BS Hải cho biết bệnh lý này còn ảnh hưởng đến thai nhi. Thai có nguy cơ chậm phát triển, nhẹ cân do vấn đề tuần hoàn giữa mẹ và con không tốt, bởi cao huyết áp sẽ khiến khối lượng, tốc độ tuần hoàn mẹ - con giảm và sự trao đổi chất không được bảo đảm. Ngoài ra, cao huyết áp thai kỳ còn có thể dẫn đến hiện tượng nhau bong non, làm cản trở tuần hoàn mẹ - con, vốn là một tình huống cấp cứu sản khoa.
Mối lo lớn nhất vẫn là thai phụ, sản phụ có thể lên cơn sản giật. Cơn sản giật chia làm nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên (kéo dài 30 giây đến 1 phút), sản phụ bắt đầu có cơn kích thích ở mặt, cổ, nét mặt nhăn nhúm…. Tiếp theo là giai đoạn giật cứng (khoảng 30 giây), các cơ toàn thân co cứng, co giật, bệnh nhân thở rít và có thể ngạt thở dẫn đến toàn thân tím tái, nhãn cầu đảo, lưỡi liên tục thè ra thụt vào, tay co giật mạnh…
Sau đó, bệnh nhân có thể đi vào giai đoạn giãn cách và các triệu chứng dường như thuyên giảm, thở được và tình trạng thiếu ôxy tạm thời chấm dứt. Tuy nhiên, tiếp đó, các cơn co giật có thể trở lại mạnh và bệnh nhân dần rơi vào hôn mê… Đây là một tai biến rất nguy hiểm, sản phụ có thể tử vong do cắn phải lưỡi hoặc suy gan, suy thận, phù phổi cấp... do cơn sản giật đưa đến.
BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cảnh báo một hội chứng nguy hiểm khác mà thai phụ bị tiền sản giật có thể gặp là hội chứng HELLP - tăng men gan, giảm tiểu cầu. Theo ông, đã từng có sản phụ tử vong vì hội chứng này tại TP HCM.
Ai cũng có thể gặp
Theo BS Thông, bệnh lý cao huyết áp thai kỳ thường không chừa bất kỳ ai. Tuy nhiên, theo dịch tễ học, các thai phụ ở khu vực châu Á và phụ nữ mang thai trong mùa lạnh có tỉ lệ mắc cao hơn.
BS Hải khuyến cáo một số nhóm phụ nữ nên cẩn trọng với tiền sản giật và sản giật: Người bị cao huyết áp trước đó, người có BMI cao, mang thai lần đầu, mang thai khi đã lớn tuổi, người đã có tiền căn cao huyết áp thai kỳ trong những lần mang thai trước…
Để dự phòng, các BS khuyên thai phụ nên có chế độ thăm thai hợp lý. Đo huyết áp cũng là một trong những bước cơ bản và bắt buộc trong quá trình khám thai nên bệnh lý về huyết áp trong thai kỳ có thể sớm được phát hiện. “Nếu đã phát hiện bị tiền sản giật, thai phụ cần tuân thủ chặt chẽ việc khám thai và có sự chuẩn bị cho cuộc sinh tại một bệnh viện tuyến trên đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết, vì đó đã là thai kỳ nguy cơ” - BS Thông khuyến cáo.
Sau sinh vẫn bị sản giật BS Nguyễn Ngọc Thông cảnh báo cơn sản giật có thể đến với thai phụ bị tiền sản giật bất cứ lúc nào. Lo ngại nhất vẫn là cơn sản giật đến trong lúc sinh, gây những biến chứng nguy hiểm. Cơn sản giật vẫn có thể đến trước khi sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ lẫn bé. Thậm chí, một số sản phụ vẫn có thể lên cơn sản giật sau sinh vài ngày. Vì thế, người bị tiền sản giật cần được theo dõi sát trong những ngày đầu sau sinh. |
Bình luận (0)