Với chi phí 500 triệu đồng tiền thuốc mỗi năm, nếu bệnh nhân lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (một thể ung thư máu ác tính) phải dùng thuốc suốt đời thì quả là một gánh nặng.
Hỗ trợ 100% chi phí thuốc
Cách đây 4 năm, bà Đỗ Thị Mai - 46 tuổi, quê Phú Thọ - bị phát hiện mắc bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt. Suốt 2 năm sau đó, bà Mai thường xuyên nhập viện nhưng sức khỏe vẫn rất yếu. Bà hầu như phải nằm một chỗ, muốn đi lại phải có sự hỗ trợ của người thân.
Năm 2012, bà Mai được chỉ định phương pháp điều trị nhắm đích, bệnh nhân được hỗ trợ 100% chi phí thuốc từ chương trình Hỗ trợ thuốc Gilevec của Bộ Y tế. Chỉ sau một thời gian ngắn, sức khỏe của bà dần bình phục, các chỉ số xét nghiệm trở lại bình thường.
Theo GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, không chỉ bà Mai, gần 1.000 bệnh nhân ung thư máu khác đang được áp dụng phương pháp điều trị nhắm đích tại các bệnh viện Truyền máu - Huyết học
TP HCM, Ung Bướu TP HCM và Bệnh viện K trung ương cũng cho kết quả rất khả quan. GS Trí cho biết điều trị nhắm đích, còn gọi là phương pháp dùng thuốc sửa chữa đột biến gien di truyền, là phương pháp được lựa chọn đầu tiên với căn bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt.
“Điều trị nhắm đích hiệu quả rất cao với tỉ lệ bệnh nhân sống khỏe mạnh bình thường trên 8 năm lên tới 80%. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí rất cao, tới khoảng 500 triệu đồng/năm và điều trị kéo dài nhiều năm. Vì vậy, bệnh nhân hầu như không có khả năng tiếp cận dù có BHYT” - GS Trí nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết tại Việt Nam, năm 2009, Bộ Y tế, BHXH và Công ty Norvatis đã phối hợp chia sẻ gánh nặng tài chính để giúp bệnh nhân tiếp cận được phương pháp điều trị nhắm đích. Theo đó, các bệnh nhân có trên 36 tháng tham gia BHYT sẽ được chi trả 100% chi phí thuốc điều trị. Trong đó, BHYT chi trả 40% chi phí điều trị, công ty hỗ trợ 60% bằng thuốc. Với sự phối hợp như vậy, những năm qua, bệnh nhân lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt đã giảm gánh nặng chi phí thuốc điều trị hàng tỉ đồng.
Tỉ lệ thành công cao
Bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, cho biết hầu hết bệnh nhân sau 2-3 năm điều trị không còn bất thường nhiễm sắc thể, loại trừ được nguyên nhân gây bệnh, sức khỏe phục hồi và trở về cuộc sống bình thường. “Bệnh nhân không được điều trị nhắm đích chỉ có thể sống khoảng 3 năm và thường xuyên phải nhập viện” - bác sĩ Khánh khẳng định.
Theo bác sĩ Khánh, trước đây, bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt rất hiếm gặp nhưng nay đã trở nên phổ biến. Những bệnh nhân điều trị nhắm đích thất bại sẽ được chỉ định ghép tế bào gốc. Đến nay, tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, đã có 9 bệnh nhân được ghép tế bào gốc trị bệnh, trong đó vài người đã trở lại cuộc sống bình thường.
GS Nguyễn Anh Trí cho biết chi phí ghép tế bào gốc tạo máu khoảng 600-800 triệu đồng/ca, trong đó quỹ BHYT chi trả 65%. Do những yêu cầu khắt khe đối với kỹ thuật này, nhất là nguồn tế bào gốc phù hợp, nên rất ít bệnh nhân đạt yêu cầu ghép. “Vì tỉ lệ thành công cao nên không chỉ Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng coi điều trị nhắm đích là phương pháp điều trị tiên tiến, mở ra cơ hội sống khỏe mạnh cho bệnh nhân” - GS Trí lạc quan.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ đánh giá hiệu quả của chương trình hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân ung thư này. Tuy nhiên, với những bệnh mạn tính, có chi phí lớn và điều trị lâu dài, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, quỹ BHYT để giảm gánh nặng chi trả cho người bệnh.
Bình luận (0)