Các buổi chiều trong tuần, Ngân hàng Máu thuộc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM vẫn thực hiện lấy máu ở những người đến hiến máu. Nghe có vẻ lạ vì hiến máu thường phải được thực hiện vào buổi sáng. Thật ra, việc lấy máu vào buổi chiều ở Ngân hàng Máu không phải là lấy máu toàn phần thông thường mà là chiết tách tiểu cầu từ cơ thể.
Tiểu cầu “cao giá” hơn máu toàn phần
Gần 16 giờ, bác sĩ Trần Trung Dũng, Khoa Dự trữ Ngân hàng Máu tiếp nhận hồ sơ của những người đến hiến tiểu cầu để bắt đầu quy trình chiết tách tiểu cầu. Sau khi đọc tên, 6 người đàn ông được đưa vào ngồi bên 6 cái máy chiết tách tiểu cầu. Thường những người hiến tiểu cầu đến Ngân hàng Máu từ sáng sớm để thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Sau đó, họ trải qua hơn một giờ ngồi bên máy chiết tách tiểu cầu. Gọi là “hiến” nhưng thực sự họ là những người đến đây để... bán tiểu cầu, cũng giống như bán máu nhưng được nhiều tiền hơn. Nếu bán máu, mỗi đơn vị được 140.000 đồng thì bán tiểu cầu được 450.000 đồng/đơn vị tiểu cầu đậm đặc. Để đủ điều kiện bán tiểu cầu, bên cạnh các test sàng lọc đạt tiêu chuẩn, cơ thể người bán phải có số lượng tiểu cầu đạt hơn 200.000 trong mỗi mm3 máu. Và mỗi lần lấy tiểu cầu phải cách nhau ít nhất 2 tháng, ngoài ra không cần phải nhịn ăn trước khi tách tiểu cầu. Chỉ sau 5 ngày, lượng tiểu cầu sẽ được tái tạo đầy đủ.
Ngân hàng máu cũng thiếu tiểu cầu
Theo bác sĩ Trương Thị Kim Dung, Phó Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học, hiện nay nhu cầu truyền tiểu cầu cho bệnh nhân ở các BV ngày càng tăng trong khi lượng tiểu cầu rất khan hiếm. Cách đây một năm, mỗi ngày các BV chỉ cần khoảng 4 - 5 đơn vị tiểu cầu nhưng hiện nay “đơn đặt hàng” cho Ngân hàng Máu dao động khoảng 180 đơn vị tiểu cầu đậm đặc.
Trong khi đó, Ngân hàng Máu chỉ lấy được khoảng 120 – 150 đơn vị từ những người đến bán (khoảng 15 - 20 người). Đối với những trường hợp cấp cứu, Ngân hàng Máu phải liên lạc với những người đến bán tiểu cầu quen thuộc có cùng nhóm máu với bệnh nhân. Hầu hết mọi người đều chưa quen với chuyện tách tiểu cầu trực tiếp từ cơ thể nên rất ít người tham gia.
Còn phía Hội Chữ Thập Đỏ TPHCM, đến nay cũng chỉ dừng lại ở chuyện vận động hiến máu toàn phần chứ chưa ai tham gia hiến tiểu cầu. Bác sĩ Võ Thị Minh Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Hiến máu Nhân đạo TPHCM, cho biết do việc xét nghiệm và chiết tách tiểu cầu trải qua nhiều khâu, phải mất cả ngày nên chưa có ai tham gia. Đặc biệt là việc chiết tách tiểu cầu trực tiếp từ cơ thể làm mọi người lầm tưởng rất nguy hiểm. Ngay cả trong giới bán máu chuyên nghiệp, có người còn nghĩ lấy tiểu cầu là “lấy tủy” nên số người tham gia rất hạn chế.
Bên cạnh đó, do đời sống của tiểu cầu rất ngắn, chỉ trong vòng 5 ngày nên không thể lưu trữ số lượng lớn trong thời gian dài. Bác sĩ Trung Dũng cho rằng nếu tiểu cầu chỉ được lấy từ một nguồn duy nhất là những người bán máu chuyên nghiệp trong thời gian dài sẽ làm giảm chất lượng tiểu cầu.
Thiếu tiểu cầu dẫn đến rối loạn đông máu Người bình thường có khoảng 150.000 – 300.000 tiểu cầu trong mỗi mm3 máu. Ngoài tiểu cầu, trong máu còn có nhiều thành phần khác như hồng cầu, bạch cầu, các hoóc-môn, chất đạm, đường, béo... Tiểu cầu cần thiết cho quá trình đông máu, vì vậy những bệnh nhân thiếu tiểu cầu sẽ bị rối loạn đông máu. Triệu chứng này thường gặp ở những bệnh nhân bị ung thư máu, suy tủy xương, suy giảm tiểu cầu vô căn, sốt xuất huyết hoặc bệnh nhân ung thư điều trị xạ trị và hóa trị kéo dài. Để chiết tách tiểu cầu, các bác sĩ ở Ngân hàng Máu cũng đưa kim tiêm vào động mạch ở cánh tay giống như lấy máu toàn phần. Sau đó, máy chiết tách tiểu cầu sẽ bơm máu ra, lọc lấy tiểu cầu và giữ lại, còn tất cả những thành phần khác trong máu được trả về cơ thể. Quy trình này được thực hiện 6 lần trong thời gian gần 90 phút để tách được 6 đơn vị tiểu cầu đậm đặc, tương đương 250 ml. N.P (Nguồn: Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM) |
Bình luận (0)