xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm lại giới tính cho con

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Việc phẫu thuật trả lại giới tính cho trẻ không may mắc các chứng lỗ tiểu thấp, tinh hoàn ẩn, tăng sinh tuyến thượng thận… là việc làm mang tính nhân văn, bảo đảm mỗi người được sống đúng với giới tính của mình

Những khiếm khuyết bẩm sinh như lỗ tiểu thấp, tinh hoàn ẩn… là các bệnh lý thường gây nhầm lẫn giới tính ngay khi trẻ vừa chào đời. Nhiều trường hợp trẻ lớn lên có bộ phận sinh dục giống với nữ nhưng thực chất lại là nam hoặc ngược lại, chỉ khi đưa con đến bệnh viện thăm khám, xét nghiệm, phụ huynh mới phát hiện con sống lạc với giới tính thật của mình.

Nhiều trẻ sống nhầm với giới tính

Chăm sóc con trên giường bệnh, chị L.T.H (38 tuổi, ngụ Đồng Nai) cho biết con chị hiện 12 tuổi nhưng đây là lần thứ 4 phải thực hiện phẫu thuật. "Lúc mới sinh, bé được chẩn đoán lỗ tiểu thấp nên được các bác sĩ phẫu thuật lỗ tiểu. Lần thứ 2, bé bị dò lỗ tiểu phải phẫu thuật lại, lần thứ 3 vá dò. Lần thứ 4, vô tình cho con đi thăm khám thì phát hiện bé bị hẹp niệu đạo, nước tiểu tồn dư trong bàng quang phải phẫu thuật" - chị H. kể.

Theo chị H., bé may mắn được các bác sĩ phát hiện có sự bất thường ở bộ phận sinh dục nên kịp thời can thiệp, điều trị. Điều này cũng giúp con chị lớn lên đúng với giới tính thật và không ảnh hưởng quá nhiều đến tâm sinh lý của con.

Tìm lại giới tính cho con - Ảnh 1.

Xác định và tìm lại giới tính thật cho trẻ là việc làm nhân văn

Còn với trường hợp con của anh T.C.T (36 tuổi) thì không may mắn khi sống nhầm lẫn giới tính nhiều năm mới phát hiện. Anh T. cho biết bé sinh ra có hình thái sinh dục nam nên gia đình định hướng cho bé từ ăn mặc, giao tiếp, sinh hoạt giống với bé nam. Tuy nhiên, khi lớn lên, bé tự cảm nhận không phù hợp nên gia đình cho đi thăm khám và phát hiện con không có tinh hoàn mà có buồng trứng, tử cung, âm đạo.

TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết bệnh viện phát hiện nhiều trường hợp đến khám, chẩn đoán và can thiệp cho trẻ sống đúng với giới tính thật của mình. Đây cũng là đơn vị duy nhất ở phía Nam có thực hiện cấp lại giấy xác định giới tính thật cho trẻ.

"Bệnh viện Nhi Đồng 2 là một trong 3 cơ sở tại Việt Nam được Bộ Y tế chấp nhận là nơi có thể xác nhận lại giới tính và can thiệp phẫu thuật khiếm khuyết bẩm sinh về giới tính cho trẻ. Tỉ lệ trẻ bị rối loạn phát triển giới tính khi có bộ phận sinh dục ngoài không xác định được là nam hay nữ chiếm khoảng 1/5.000 trẻ. Thời gian qua, bệnh viện đã can thiệp trả lại giới tính thật cho 53 trẻ có khuyết tật bẩm sinh, trong đó 34 trường hợp xác định giới tính là nam và 19 là nữ" - bác sĩ Thạch thông tin.

Thời gian vàng: 8 đến 18 tháng

Theo bác sĩ Thạch, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng nhầm lẫn giới tính là do lỗ tiểu thấp, tinh hoàn ẩn, loạn sản tuyến sinh dục hỗn hợp, tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh… Trong đó, 2 nhóm bệnh thường gặp là lỗ tiểu thấp (kèm hoặc không kèm tinh hoàn ẩn) và tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh.

"Nếu không được can thiệp kịp thời tình trạng nhầm lẫn giới tính thì khi lớn lên, trẻ có thể gặp vấn đề tâm lý vì mặc cảm với bạn bè hoặc bị trêu chọc. Đặc biệt, một số trường hợp tìm lại được giới tính thật khi đã qua tuổi trưởng thành khiến cuộc sống bị ảnh hưởng. Do đó, nếu thấy một chút nghi ngờ về giới tính của trẻ, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện tầm soát nhằm có hướng xử trí kịp thời. Bởi thời gian vàng can thiệp dị tật bẩm sinh tốt nhất là 8 - 18 tháng" - bác sĩ Thạch nhấn mạnh.

Để xác định giới tính của một bệnh nhân bị mơ hồ giới tính, cần có chẩn đoán và can thiệp phẫu thuật nếu cần thiết. Việc đưa ra chẩn đoán bao gồm khám lâm sàng và làm tất cả xét nghiệm cần thiết như: xét nghiệm nhiễm sắc thể giới tính, siêu âm, CT scan, đánh giá mức độ dị tật bộ phận sinh dục ngoài thiên về nam hay nữ, sinh thiết các tuyến sinh dục, đánh giá tâm lý trẻ…

Việc điều trị cho trẻ cần có sự phối kết hợp của nhiều chuyên khoa như nội tiết, ngoại niệu, tâm lý để trẻ được chăm sóc tốt nhất. Hội đồng y khoa sẽ căn cứ trên kết quả lâm sàng, cận lâm sàng, xét nghiệm hoặc sau điều trị phẫu thuật khiếm khuyết để cấp giấy chứng nhận giới tính thật cho trẻ.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng dễ dàng xác định và can thiệp, đặc biệt với các trường hợp lưỡng tính - những trẻ mang trong người cả cơ quan sinh dục nam và nữ. Với những trẻ này, phải chờ đợi lớn hơn và tự lựa chọn giới tính thật của bản thân. Quá trình điều trị trả lại giới tính thật, quan trọng nhất là bảo đảm tối đa chức năng sinh sản của trẻ sau này.

"Đối với trẻ phẫu thuật tìm lại giới tính thật, các bác sĩ sẽ tái tạo bộ phận sinh dục ngoài sao cho phù hợp, như nếu trẻ có lỗ tiểu thấp thì đưa lỗ tiểu lên cao, dương vật cong thì làm thẳng… Sau phẫu thuật, bác sĩ tâm lý sẽ tham vấn với trẻ cũng như gia đình để trẻ dần định hướng sang giới tính phù hợp sau này" - bác sĩ Thạch nói.

Bác sĩ Thạch cũng chỉ rõ nếu cha mẹ có sự băn khoăn về bất thường bộ phận sinh dục của con thì nên đưa đi khám. Một số đặc điểm nhận biết thường gặp như: với trẻ nữ, hình thái âm vật lộ quá, môi lớn môi bé bất thường (to quá, nhỏ quá)…; với trẻ nam, bộ phận sinh dục nhỏ hơn so với trẻ khác, vị trí dương vật nằm thấp dưới 2 bìu, hình thái của bìu hòa lại giống môi lớn của nữ, không có tinh hoàn…

"Xác định lại giới tính cho trẻ cần dựa trên rất nhiều tiêu chuẩn về mặt y khoa (nhiễm sắc thể, tuyến sinh dục, nội tiết tố, khả năng sinh sản, phẫu thuật...) cũng như tâm lý, nhận thức của chính bệnh nhân và cha mẹ. Đây là một việc làm mang tính nhân văn, bảo đảm mỗi người được sống đúng với giới tính của mình" - bác sĩ Thạch chia sẻ. 

Hiện nay, chuyển đổi giới tính dù đã được công nhận nhưng phẫu thuật chuyển giới vẫn chưa được phép thực hiện tại Việt Nam.

Lý giải thêm điều này, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), cho biết tại bệnh viện có thiết lập phòng khám về giới tính cho cộng đồng những người thuộc giới tính thứ 3 (LGBT) và nhận thấy nhu cầu chuyển giới rất nhiều. Tuy nhiên, nếu luật chuyển giới ra đời sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, Luật Hôn nhân gia đình, thừa kế, nghĩa vụ quân sự... Do đó, Bộ Y tế chỉ cho phép chuyển giới với những bệnh nhân bất thường về cơ quan sinh dục nhưng trên hệ nhiễm sắc thể phù hợp giới tính. Ví dụ, bộ phận sinh dục ngoài là nữ nhưng nhiễm sắc thể của bệnh nhân là nam. "Do đó, cần xác định lại nhu cầu và mong muốn của gia đình lẫn bệnh nhân. Khi thực hiện phải thông qua hội đồng giám định về giới tính" - bác sĩ Dũng lưu ý.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo