Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature, dẫn đầu bởi từ Đại học Yale (Mỹ), đã phát hiện ra SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào miễn dịch của con người, chứ không chỉ các tế bào biểu mô lót phổi như các phát hiện trước đây.
Virus SARS-CoV-2 - Ảnh: MEDICAL XPRESS
Chính điều này đã khiến các thể viêm của cơ thể, khi nhận thấy các tế bào bị bệnh này, đã sản xuất và giải phóng ồ ạt các cytokine. Cytokine khiến tế bào miễn dịch mang SARS-CoV-2 nhanh chóng "tự sát" trong nỗ lực loại bỏ nhiễm trùng, nhưng đồng thời cũng thu hút nhiều tế bào viêm phổi hơn từ máu, tạo ra một vòng lẩn quẩn khiến bệnh nhân bị viêm phổi nặng.
"Nó như một hệ thống phát sóng, nhưng trong trường hợp này, thông điệp có thể gây chết người" - giáo sư miễn dịch học Richard Flavell từ Viện Y khoa Howard Hughes, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo Medical Xpress, bước nghiên cứu trên chuột đã tìm ra một cách giải quyết: chặn một con đường lây nhiễm gọi là NLPR3. Điều này không giúp các tế bào miễn dịch không bị nhiễm bệnh, nhưng khiến chúng không còn gây viêm được nữa, từ đó giảm bớt tác hại của cơn nổi loạn hệ miễn dịch.
Quá trình chặn NLPR3 có thể khiến giải phóng nhiều virus hơn bởi "trói" phần nào hệ miễn dịch, tuy nhiên điều này có thể được giải quyết bằng cách phối hợp với các thuốc kháng virus sẵn có. Theo giáo sư Flavell, dù chưa có thuốc được chấp thuận nào dùng để chặn NLPR3 trên thị trường, nhưng một số công ty dược phẩm và công nghệ sinh học đang phát triển chúng.
Những nghiên cứu giúp chỉ ra hướng giải quyết cho những ca bệnh nặng như thế này hiện đang được chú trọng ở nhiều quốc gia, bởi trận chiến chống Covid-19 của thế giới đang có xu hướng chuyển dịch từ phòng bệnh cho cộng đồng sang tập trung ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong ở một số đối tượng nhất định, trong bối cảnh chủng Omicron và các dòng phụ ngày một xuất hiện: thoát miễn dịch, lây nhanh nhưng độc lực thấp, chủ yếu nguy hiểm ở đối tượng nguy cơ.
Bình luận (0)