Chương trình với sự tham gia của các diễn giả là bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long và hàng trăm bác sĩ ở ĐBSCL.
Trong chương trình, ê-kíp của Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long truyền hình trực tiếp một trường hợp bướu tuyến giáp được điều trị thành công bằng phương pháp đốt sóng cao tần (RFA) tại bệnh viện.
Hàng trăm bác sĩ ở ĐBSCL về TP Cần Thơ tham gia chương trình
Bướu giáp nhân là một trong những bệnh phổ biến trong dân số với tỉ lệ khoảng 4-7%, phụ nữ nhiều gấp 5 lần nam giới, đa phần là bướu lành tính. Người bệnh thường đến khám vì có khối u ở vùng cổ hoặc nuốt vướng, khàn tiếng.
Điều trị bướu giáp nhân lành tính gồm 3 phương pháp: Điều trị nội khoa thường kéo dài 6-12 tháng, nhưng ít có hiệu quả và nhiều tác dụng phụ như gây rối loạn nhịp tim, loãng xương, giảm bạch cầu. Một bất lợi nữa là bướu sẽ to ra lại khi ngừng thuốc. Điều trị bằng Iod phóng xạ có hiệu quả hơn điều trị nội khoa đơn thuần, nhưng nguy cơ suy giáp sẽ tăng dần theo thời gian. Chính vì vậy đối với những bướu giáp nhân lành tính không có triệu chứng thì chỉ cần theo dõi định kỳ mỗi 6-12 tháng. Điều trị ngoại khoa chỉ định khi bướu to nhanh, chèn ép làm bệnh nhân khó chịu như nuốt vướng, khàn tiếng, có nguy cơ ung thư hoặc mất thẩm mỹ.
Các diễn giả cập nhật các phương pháp mới điều trị bướu tuyến giáp
Trước đây, phương pháp điều trị ngoại khoa kinh điển là mổ hở. Phương pháp này đem lại hiệu quả tốt, tuy nhiên vẫn có một số nguy cơ như chảy máu, khàn tiếng và suy giáp sau mổ, đặc biệt là có vết mổ ở cổ nên mất thẩm mỹ.
Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã ứng dụng sóng cao tần vào điều trị bướu tuyến giáp. Nguyên lý của phương pháp này là dùng sóng cao tần tạo ra nhiệt để hủy tế bào khối u. Đốt sóng cao tần trong điều trị bướu giáp có những ưu điểm như: Ít xâm lấn, không sẹo, không gây mê, không nằm viện, không khàn giọng…
Bình luận (0)