xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tình cảnh những người ăn Tết ở bệnh viện

P.Sơn - N.Phương

Đã thành thói quen, dù đi đâu, ở đâu, nhưng vào những ngày đầu năm âm lịch người Việt nào cũng phải trở về nhà, sum họp gia đình, quây quần bên bàn thờ tổ tiên, quanh mâm cơm đón Tết. Tuy nhiên, do bệnh tật và gia cảnh, không ít người phải ở lại bệnh viện.

Bán nhà chữa bệnh

Những ngày cuối năm tại Khoa Nhi của Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM, ngày nào cũng có vài ba tổ chức hoặc cá nhân hảo tâm đến tặng quà Tết cho các bệnh nhi. Những gói quà hoặc tiền được trao tận tay từng em bé. Chúng thật vô tư, có quà là vui ngay mà không hề biết mình đang mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Xe quà đẩy đến phòng số 1, cô điều dưỡng xướng tên P.T.T.N. Em không tự mình đến nhận như bao đứa trẻ khác mà ngồi ở một góc phòng vì không đi được. Sau cuộc phẫu thuật hồi tháng 10 năm qua, N. bị cắt đi một đoạn xương đùi trái vì ung thư. Đó là một cô bé 13 tuổi, đầu nhẵn bóng, gương mặt nhợt nhạt và đầy mụn nhỏ, hậu quả của những đợt hóa trị. N. kể nhà em ở Kiên Giang, đang học lớp 8 thì phải nghỉ để lên TPHCM chữa bệnh. Bảy tháng qua, BV Ung Bướu trở thành chỗ ở của em và mẹ. Tôi hỏi: “Mẹ sẽ đưa em về quê ăn Tết chứ?”, N. trả lời: “Đâu còn nhà nữa mà về. Từ khi em bệnh, nhà bán cho người ta rồi”. Tôi quay sang chị L.T.D, mẹ em, ngầm hỏi có phải vậy không. Chị khẽ gật đầu và bật khóc. Chị D. kể hai vợ chồng chị có 7 đứa con, N. là đứa thứ 3. Sau khi bán nhà được 20 triệu đồng để lấy tiền chữa bệnh cho N., chồng chị phải ra tận Nha Trang làm thuê, những đứa con khác thì được chia ra gởi nuôi ở nhà bà con. Từ khi lên thành phố, để có thêm tiền lo thuốc thang cho con, mỗi chiều chị phải đi rửa chén mướn cho các quán ăn ở chợ Nancy. Những lúc này, chị gửi con lại cho những người cùng phòng trông hộ.

Nỗi nhớ con da diết

Chị N.T.T., 24 tuổi, nhà ở Đông Thuận, Trảng Bàng (Tây Ninh). Cách đây 3 tháng, khi mới sinh đứa con thứ hai thì chị phát bệnh tràn dịch màng phổi. Sau khi các bác sĩ BV Chợ Rẫy cắt bỏ một phần xương sườn và xác định nguyên nhân bệnh do vi trùng lao, từ cuối tháng 11 năm qua, chị được chuyển sang BV Phạm Ngọc Thạch và nằm từ đó đến nay. Hầu hết những bệnh nhân trong khoa đều nghèo, nhưng có lẽ chị T. là người nghèo nhất. Cả hai vợ chồng đều làm mướn, dành dụm được chút ít xây căn nhà ngói nhưng rồi phải bán đi để lấy tiền chạy chữa cho chị. Cần tiền bán gấp, người mua ép giá chỉ trả được 1 triệu đồng! “Anh ấy có vào thăm chị không?”, tôi hỏi. “Không, ảnh phải đi làm và trông đứa lớn. Vả lại có muốn thăm cũng không được vì nghèo quá không có tiền đi xe”. Trông nom chị là bà mẹ chồng, 47 tuổi, tâm trí không bình thường, hậu quả của việc hai đứa con mất sớm và bị chồng bỏ. “Em nhớ con quá, mấy tháng rồi không được gặp mặt chúng”, chị T. nói nghẹn ngào. Chị kể về cái Tết năm trước của gia đình: Cả nhà vui mừng trong căn nhà mới xây, đứa con trai 5 tuổi thì chạy lăng xăng trong bộ đồ mới, vậy mà một năm sau tất cả gần như không còn... “Nếu BV cho về thì chị ở đâu?”, tôi hỏi. “Có lẽ sang ở nhờ nhà bà ngoại, nhưng nhà bà cũng nghèo và đông con cháu lắm”. Nhưng làm sao về được, vì tổng trạng của chị quá yếu và vết mổ vẫn để lại một lỗ thủng to bằng chiếc chén ở ngực phải! Ở lại BV, nghĩa là trong giờ phút thiêng liêng nhất, tiễn năm cũ đón năm mới, chị không gặp được chồng con, đặc biệt là đứa con nhỏ mới 3 tháng tuổi! Gần 16 giờ chiều, các hộ lý đẩy xe phát cơm miễn phí cho những người nghèo trong khoa, chị T. được một phần. Mỗi phần gồm một ít món mặn, canh và non 3 chén cơm. Nhưng, phần ăn này chị còn phải chia bớt cho mẹ chồng!

 Ấm áp vòng tay chia sẻ

Tuần qua, tại BV Phạm Ngọc Thạch, còn được gọi là BV tình thương, không ngớt có những tổ chức hoặc cá nhân đến thăm hỏi và tặng quà, trong đó có đại diện của Hội đồng Nhân dân TP và Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa gia đình. Theo trưởng phòng điều dưỡng võ thị Lình, đến cận Tết thì đại diện lãnh đạo và Hội Chữ thập đỏ BV sẽ đến từng khoa tặng quà cho những người còn ở lại. Bữa ăn miễn phí từ ngày 29 đến mùng ba Tết sẽ được bổ sung thêm thịt cá và do chính tay nhân viên căng tin chế biến (bình thường do các tổ chức từ thiện ngoài BV phục vụ). Đối với những bệnh nhân nặng hoàn cảnh khó khăn phải ăn qua đường ống, BV cũng tăng cường súp, sữa với khẩu phần cao hơn ngày thường. Đặc biệt năm nay BV còn trang bị cho mỗi khoa một tivi mới để bệnh nhân và người thân ở lại có điều kiện giải trí. Tại BV Chợ Rẫy, chị Nguyễn Thị Bé Sáu, Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại thần kinh, cho biết trong hai ngày 29 và mùng một Tết, khẩu phần ăn của bệnh nhân nghèo cũng được tăng chất lượng và số lượng, ngoài ra BV còn tặng suất ăn miễn phí cho thân nhân nuôi bệnh.

Còn lắm cảnh đời bất hạnh

Khoa Ngoại thần kinh BV Chợ Rẫy nằm ở tầng ba, và nếu theo như truyện ngắn “Bảy tầng” của tác giả Dino Buzzati (Ý) (NLĐ cuối tuần ngày 13 đến 14-7), những tầng thấp của những BV cao tầng thường dành cho bệnh nặng thì các bệnh nhân của khoa này đều thuộc diện như thế. Bước vào phòng số 10, ngay giường đầu tiên bên phải, người ta bắt gặp trường hợp N.T.H, 20 tuổi, nhà ở Tây Ninh bị áp-xe não sau một vụ đụng xe hồi tháng 9 năm qua. Được mổ hai lần, nhưng tình trạng hiện tại của H. vẫn không mấy khả quan. Ông N.V.L, ba H., làm nghề thợ hồ cho biết ông đã vay mượn hơn 60 triệu đồng để chạy chữa cho con nhưng tình hình vẫn chưa đâu vào đâu. Sát giường H. là trường hợp còn nặng hơn: T.T.A, 22 tuổi, bị đụng xe trong khi chạy xe ôm dẫn đến chấn thương sọ não, vỡ gan, bị hôn mê từ hai tháng nay. Nhà tận Kiên Giang, cả cha mẹ A. phải lên thành phố thay phiên chăm sóc con. Bà N.T.X, mẹ A., nói trong nước mắt ràn rụa: “Gia đình đã tốn hơn 70 triệu đồng và không biết phải còn tốn bao nhiêu nữa”.

Ở khu nhi của khoa này, tôi cũng gặp không ít hoàn cảnh đau lòng. Chị Vinh, điều dưỡng trưởng chỉ cho tôi em M.H.L, 6 tuổi, bị chứng bệnh tim bẩm sinh. Cuối năm qua, H.L. bị áp-xe não và nhập viện Chợ Rẫy từ đó đến nay. Đến ngày 28 Tết khoa mới có danh sách bệnh nhân nào cần phải ở lại, nhưng khi tôi có mặt hôm 21 Tết (23-1), thì H.L. chắc chắn có mặt trong danh sách. “Sắp Tết rồi con có quần áo mới chưa?”, tôi hỏi. H.L. không đáp, chỉ ngồi yên, mắt nhìn xa xăm. Bà N.T.S, bà nội H.L. giải thích: “Cháu khó thở, nên không muốn nói chuyện với ai. Chỉ trừ ban đêm đi ngủ, suốt ngày nó cứ ngồi bất động như thế”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo