Thấy con là Trần Văn S. (3 tuổi) bỗng dưng bị sốt, nổi hồng ban, chị Nguyễn Mỹ N. (quận 8 - TPHCM) vội lấy dầu xoa cho con và kiêng tắm, kiêng gió suốt 2 ngày liền theo kinh nghiệm dân gian.
Đến chiều ngày thứ 2, S. sốt cao hơn, hồng ban lan khắp người và xuất hiện thêm cả bóng nước, chị N. mới đưa con vào Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 khám. Các bác sĩ chẩn đoán bé S. bị tay chân miệng, cũng không quên dặn chị N. đừng bôi dầu và kiêng tắm cho bé nữa, bởi như vậy chỉ làm ảnh hưởng xấu đến các tổn thương trên da của bé.
Đủ kiểu sai lầm
Bé N.T.M.L (4 tuổi) thì nhập viện với vài vết bầm, trầy trên cơ thể. Mấy ngày trước, bé từng đi khám và xác định bị sốt xuất huyết nhưng bệnh nhẹ nên được điều trị ngoại trú. Qua mấy ngày trị bệnh, thấy các vết xuất huyết dưới da nhiều thêm, bà ngoại của L. đã cạo gió để bé mau hết bệnh, hậu quả là vùng cạo gió xuất hiện những mảng bầm nên gia đình phải đưa bé vào viện.
Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 1, sang thương da do bệnh nhiễm siêu vi ở trẻ thường có hai dạng chính là dạng ban (sởi, Rubella…) và dạng bóng nước (thủy đậu, tay chân miệng…). Tùy theo loại bệnh và mức độ nặng nhẹ, sang thương này có thể gây ngứa, đau hoặc không, có khả năng bội nhiễm hay không…
Trẻ đang điều trị bệnh tay chân miệng tại Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM)
Một trong những dạng rất đáng lưu ý là bóng nước ở trẻ bị bệnh tay chân miệng hay thủy đậu. Theo các BS, họ đã gặp nhiều trường hợp phụ huynh tự ý bôi dầu, đắp lá, cố làm vỡ các bóng nước… với hy vọng tổn thương da mau khỏi, bệnh mau hết. “Ở bệnh tay chân miệng, nếu trẻ bị nổi nhiều, quá ngứa hay vỡ bóng nước thì mới nên bôi Xanh Methylene (Milian), một loại thuốc thông dụng; không tự ý bôi dầu hay các hóa chất chưa rõ tác dụng khác, bởi không giải ngứa được, thậm chí còn làm vùng da đó bị ẩm, bóng nước dễ vỡ và nguy cơ bội nhiễm tăng cao. Nếu trẻ chỉ bị nổi ít, không ngứa thì đừng bôi gì cả vì không có tác dụng, thuốc bôi còn có thể che mất các vết sang thương, khiến BS khó quan sát và chẩn đoán bệnh” - BS Khanh cho biết.
BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết - BV Nhi Đồng 1, cũng cho biết ông từng gặp nhiều phụ huynh có cách xử trí sai lầm với các tổn thương trên da khi trẻ mắc sốt xuất huyết. “Một số bệnh nhi bị nổi rash (một dạng mẩn đỏ), các chấm đỏ hay mảng bầm. Ngoài bôi dầu, đắp thuốc, nhiều người còn sử dụng cả biện pháp cạo gió, cắt lể, giác hút với hy vọng các tổn thương đó biến mất.
Tuy nhiên, các biện pháp này không những không giúp bệnh nhi khỏi bệnh mà còn kích thích hệ thống đông máu ngoại sinh gây rối loạn đông máu; riêng cạo gió sẽ làm tình trạng xuất huyết dưới da nhiều hơn, cắt lể và giác hút sẽ gây tổn thương làm chảy máu nhiều hơn. Đồng thời, các biện pháp này sẽ gây ra vết thương hở hay các vết trầy, tạo “đường vào” cho vi khuẩn ở môi trường ngoài, dễ dẫn đến nhiễm trùng”.
Không nên kiêng tắm
Theo BS Khanh, quan niệm kiêng nước, kiêng gió khi da trẻ xuất hiện ban, bóng nước… là hoàn toàn sai lầm. Ông khẳng định: “Người ta chỉ tránh gió khi bị nổi ban vì dị ứng, chứ ban hay bóng nước do bệnh nhiễm siêu vi thì gió không ảnh hưởng gì cả. Kiêng tắm càng không nên, mà ngược lại nên tắm rửa cho trẻ thường xuyên, tắm bằng xà phòng như bình thường để cơ thể trẻ được sạch sẽ.
Chỉ cần lưu ý khi tắm không chà xát mạnh để tránh làm vỡ các bóng nước vì trong bóng nước chứa rất nhiều mầm bệnh, vỡ ra sẽ dễ lây cho trẻ khác. Đồng thời, trẻ khi ngứa hay tìm cách gãi khiến tổn thương trên da có thể nặng hơn, bóng nước dễ vỡ nên cần dặn dò trẻ cẩn thận và cắt ngắn móng tay cho trẻ”.
Lời khuyên của bác sĩ: Đối với bệnh nhi sốt xuất huyết, tay chân miệng…, không nên bôi thêm gì cả vì các vết ban đỏ, xuất huyết dưới da sẽ tự khỏi khi trẻ hết bệnh. |
Bình luận (0)