Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, thành viên nhóm nghiên cứu, mẫu từ bệnh nhân 4583 (ngụ Tân Kiểng - quận 7, là đồng nghiệp của bệnh nhân 4514, ghi nhận hôm 18-5) mang biến chủng B.1.617.2 của Ấn Độ, trong khi mẫu từ bệnh nhân 4780 (trong chùm ca ở hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, ghi nhận hôm 20-5) mang biến chủng B.1.1.7 của Anh.
Nhân viên y tế đang làm việc trong khu vực phong tỏa hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, nơi 3 người mắc Covid-19 (bao gồm bệnh nhân 4780) sinh sống (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng mẫu RNA được tách chiết từ mẫu dịch phết hầu họng của 2 bệnh nhân, thực hiện giải mã gene bằng kỹ thuật Illumina MiSeq và MinION, dùng phần mềm lắp ghép bộ gene Genious, định danh biến chủng bằng phần mềm Pangolin và tìm đột biến bằng phần mềm COV-GLUE.
Kết quả xác định đột biến bằng COV-GLUE cho thấy các bộ gene thu nhận chứa các đột biến tiêu biểu của biến chủng B.1.1.7 và biến chủng B.1.617.2 tương ứng.
Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu kết hợp với thông tin dịch tễ và kết luận rằng 2 bệnh nhân bệnh nhân 4583 (quận 7) và bệnh nhân 4514 (quận Thủ Đức - đã báo cáo kết quả giải mã ngày 19-5) có cùng một nguồn lây do biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ).
Bệnh nhân 4780 (quận 3) nhiễm biến chủng B.1.1.7. Biến chủng B.1.1.7 (biến chủng Anh) đang lưu hành tại Đà Nẵng và Hà Nam, hiện nay đã lây lan ra các tỉnh khu vực miền Trung; cũng đã phát hiện được trên BN1660 (từ Hải Dương, xác định 29-1) và BN2910 (từ Hà Nam, 29-4) được cách ly điều trị tại BV Dã Chiến Củ Chi trước đây.
Như vậy, đây là lần đầu tiên TPHCM ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh (biến chủng Án Độ và biến chủng Anh) ở các ca bệnh trong cộng đồng.
Bình luận (0)