xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM dốc sức điều trị tay chân miệng

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Ca mắc tay chân miệng ở các bệnh viện tại TP HCM đang tăng nhanh. Các bác sĩ khuyên phụ huynh nên đưa con đi khám và điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh; hạn chế đưa con đến TP HCM, tránh làm dịch bệnh lây lan

Theo thống kê của ngành y tế TP HCM, số ca mắc bệnh tay chân miệng hiện tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước. Tại các bệnh viện (BV) nhi trên địa bàn thành phố, các bác sĩ tập trung sức lực để điều trị bệnh.

Tăng giường điều trị

BS chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết hằng ngày khu ngoại trú tại BV có 7-8 phòng khám tay chân miệng và tiếp nhận 200-300 ca/ngày. Nếu trẻ có dấu hiệu chuyển độ nặng thì cho nhập viện. BV đang điều trị 138 ca tay chân miệng, trong đó 22 ca nặng.

Theo BS Quy, dự báo tình hình ca mắc tay chân miệng tăng, khoa đã mở rộng thêm 1 lầu ngay từ đầu tháng 6-2023. Hiện có 2 lầu điều trị với công suất 300 giường. Bệnh nhi ngày càng tăng nên 17 bác sĩ, 42 điều dưỡng phải tăng ca liên tục.

TP HCM dốc sức điều trị tay chân miệng - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám trẻ mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)

PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Khoa Hồi sức Nhiễm BV Nhi Đồng 1 - nơi điều trị trẻ mắc tay chân miệng nặng, cho biết khoa có 15 giường bệnh hồi sức, hiện có 8 trẻ mắc tay chân miệng nặng (7 ca thở máy, 1 ca lọc máu). "Trẻ mắc tay chân miệng nặng phải can thiệp vì tổn thương thần kinh khiến không thở đều, thậm chí ngưng thở. Nếu để lâu hơn sẽ rơi vào sốc khiến trẻ nặng hơn" - BS Nguyên giải thích.

Theo BS Nguyên, BV Nhi Đồng 1 có khoảng 30-60 ca tay chân miệng nhập viện mỗi ngày. Đáng chú ý, số ca chuyển nặng từ độ 2 sang độ 3 trung bình khoảng 5 bệnh nhi/ngày. "Hiện chưa quá tải nhưng bệnh nhi mỗi ngày nhập viện vẫn đông nên những ngày tới sẽ khá căng. Đặc biệt, trẻ thở máy thường kích thích nhiều, chỉ cần trẻ động đậy thì có nguy cơ ống thở sẽ tuột nên nhân viên y tế rất vất vả khi chăm sóc" - BS Nguyên cho biết.

Không chỉ tại Khoa Hồi sức Nhiễm mà Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của BV Nhi Đồng 1 cũng tập trung sức lực điều trị trẻ mắc tay chân miệng. PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, trưởng khoa, cho biết khoa có 20 giường bệnh hồi sức thì nay đang có 11 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó 5 bé thở máy.

Tương tự, tại BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), các y - bác sĩ cũng đang từng ngày căng mình chống bệnh tay chân miệng. BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố, cho biết để có thể tiếp nhận nhiều bệnh nhi, BV đã điều động Khoa Nhiễm, Khoa Nội tổng hợp và Khoa Tiêu hóa cùng điều trị bệnh tay chân miệng. "Trẻ nhập viện đa phần nặng độ 2-3" - BS Tiến thông tin.

Nguồn thuốc chưa ổn định

Sở Y tế TP HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Y tế về việc cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng. Theo cơ quan này, tuy đã có chuẩn bị nhưng cơ số thuốc dự trữ của thành phố dự kiến không đủ đáp ứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh. Bởi thành phố luôn tiếp nhận người bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến (chiếm 80%).

Cụ thể, số lượng thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) điều trị tay chân miệng thông thường sử dụng từ 80-150 lọ/ngày, nay tăng xấp xỉ 200 lọ/ngày. Trong khi đó, lượng tồn IVIG tại các BV hiện khoảng 2.400 lọ. Dự kiến đến cuối tháng 8-2023 mới có thuốc IVIG nhập khẩu (số lượng hạn chế).

BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cho biết khi điều trị tay chân miệng sẽ dựa vào từng bệnh cảnh mỗi trẻ để điều chỉnh thuốc phù hợp. Đối với Phenobarbital có 2 dạng tiêm tĩnh mạch và uống. Trong đó, dạng uống hấp thu sẽ lâu hơn. Mục tiêu của thuốc này giúp trẻ không phải thở máy, ức chế thần kinh giúp trẻ không quấy, co giật. Còn Immunoglobulin sử dụng cho trẻ mắc tay chân miệng nặng.

Hiện BV Nhi Đồng 1 chưa có thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch nên sử dụng dạng uống. "Phenobarbital dạng uống tại BV vẫn còn nhưng dạng tĩnh mạch đã hết từ lâu. Còn Immunoglobulin hiện tại có đủ để dùng. Dự báo cuối tháng 7-2023, cơ số thuốc dự trù hết nhưng BV cố gắng tìm nguồn mua phù hợp. Hiện nay, bác sĩ cũng rất thận trọng trong chỉ định. Ví dụ những cháu đang diễn tiến nặng sẽ chỉ định 2 liều, đa phần trẻ nhẹ hơn thì chỉ định 1 liều, sau đó theo dõi chặt nếu có chuyển biến nặng hơn thì cân nhắc liều 2" - BS Nguyên cho hay.

Khám vượt tuyến dễ làm bệnh lây lan

Theo BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, mùa dịch tay chân miệng năm nay dự đoán đỉnh dịch trong những ngày đầu hơi khó nhưng sau đó có 4 ca tử vong thì phát hiện có sự xuất hiện của chủng EV71 (độc lực cao). "Đặc biệt, năm nay có nhiều bệnh nhi không sốt cao nhưng diễn tiến nặng. Năm nay cũng xuất hiện trường hợp rối loạn trung tâm hô hấp, ngưng thở phải đặt nội khí quản nhiều hơn so với đợt dịch cũng liên quan đến chủng EV71 hồi năm 2011" - BS Nguyên nói.

Tuy nhiên, BS Nguyên cũng cho rằng phụ huynh cũng không nên quá lo vì không phải ca tay chân miệng nào cũng diễn tiến xấu. "Quan trọng là không chủ quan. Bởi khi theo dõi tốt, có dấu hiệu, đưa vào viện sớm điều trị kịp thời thì sẽ an toàn" - BS Nguyên nói.

BS Dư Tuấn Quy cũng lưu ý hiện nhiều phụ huynh có tâm lý khi con có biểu hiện tay chân miệng là đưa thẳng lên BV nhi tuyến cuối khám. Điều này khiến BV luôn quá tải trong khi BV tuyến tỉnh hoàn toàn có thể điều trị được. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh tuyến tỉnh đưa con lên TP HCM khám lại nhân tiện đưa trẻ đi chơi có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

"Trẻ mắc tay chân miệng cần cách ly 10 ngày để tránh lây nhiễm cho cộng đồng" - BS Quy nhấn mạnh. 

Cần dự trù được nhu cầu để đặt thuốc trị tay chân miệng

Liên quan đến việc thiếu thuốc điều trị tay chân miệng, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết hiện nay một số loại thuốc điều trị bệnh tay chân miệng phụ thuộc vào nguồn sinh phẩm, vùng nguyên liệu cũng như yêu cầu ngặt nghèo trong quá trình sản xuất nên phải dự tính được nhu cầu trước để có thể đặt hàng.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TP HCM và các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng, dự báo nhu cầu sử dụng các loại thuốc để phối hợp với các đơn vị cung ứng, sắp xếp nhập thuốc theo số lượng phù hợp.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu tất cả các Sở Y tế đề xuất dự kiến nhu cầu sử dụng thuốc. Việc dự kiến sẽ giúp các nhà sản xuất, các đơn vị nhập khẩu thuốc có cơ sở để nhập trước lượng thuốc phù hợp, tránh tình xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu.

Theo Bộ Y tế, với thuốc chứa Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG, một trong những thuốc điều trị hỗ trợ hiệu quả đối với những trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng) hiện có 13 loại được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Dự kiến giữa tháng 8, nhà sản xuất sẽ tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp thuốc Human Normal Immunoglobulin 100 mg/ml loại 250 ml thông qua đơn vị nhập khẩu là Công ty Zuellig Pharma Việt Nam. Với thuốc Immunoglobulin 5% do Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Duy Anh nhập khẩu, dự kiến, cuối tháng 7, nhà sản xuất sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 6.000 lọ.

D.Thu

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo