Sau khi đánh giá tình hình thực tế, Sở Y tế TP HCM đã tham mưu cho UBND TP cho phép F1 được đi học, đi làm khi đáp ứng điều kiện an toàn và có sự kiểm soát nhất định. Tuy nhiên, F0 vẫn phải được cách ly tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết thông tin trên tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM vào chiều 24-3.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, thông tin tại buổi họp báo
Bà Mai cho biết theo quy định của Bộ Y tế, F0 vẫn phải cách ly, điều trị tại nhà hoặc bệnh viện và hiện vẫn chưa có cập nhật mới.
Theo bà Mai, các nội dung tham mưu của Sở Y tế với Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP nhằm kiểm soát dịch thật tốt, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, phát triển kinh tế.
Bà Mai cũng cho biết qua theo dõi từng ca bệnh vào bệnh viện cũng như ca chuyển biến nặng thì TP HCM dù có số trường hợp tử vong đang giảm nhưng ca nặng thực sự chưa giảm bền vững. Cụ thể, hôm nay TP có 84 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị.
"Chắc chắn 1 điều, số ca nhiễm còn tăng sẽ kéo theo số ca nặng và tử vong tăng lên. Đó là kinh nghiệm rất rõ ràng qua các đợt dịch. Do đó, tất cả đề xuất của Sở Y tế đều phải xuất phát từ điều kiện thực tiễn của TP" – bà Mai nói.
Về tình hình điều trị Covid-19 trên địa bàn, bà Mai cho hay Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu (TP Thủ Đức) đã chính thức ngưng hoạt động 10 ngày qua. Công tác bàn giao đang được thực hiện và hoàn thành vào ngày 30-4.
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh và chưa bao giờ ngưng tiếp nhận bệnh nhân. Mỗi ngày có khoảng 1.200 đến 1.300 bệnh nhân ngoại trú đến khám, tầm soát bệnh tại đây.
Trả lời phóng viên tại cuộc họp báo về việc đã tới lúc coi Covid-19 như bệnh lưu hành chưa, bà Mai cho biết theo đánh giá của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh lưu hành.
Cụ thể, Bộ Y tế đã thảo luận với các chuyên gia trong nước, Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bộ Y tế đánh giá tỷ lệ mắc Covid-19 tại Việt Nam chưa ổn định, có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương. Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc vẫn cao và nhiều tỉnh, thành có số ca nhiễm tăng mạnh. Tỷ lệ tử vong trong ngày vẫn cao so với các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện biến thể mới và các biến thể phụ. Ví dụ, biến thể Omicron có các biến thế phụ BA.1, BA.2, BA.3 có khả năng né miễn dịch, gây tái nhiễm nên rất khó xác định tỷ lệ mắc.
Do đó, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi Covid-19 là bệnh lưu hành và tiếp tục phối hợp với WHO và các quốc gia khác để theo dõi thêm.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết TP đã cho phép người tiếp xúc gần (F1) được đi học, đi làm.
Các F1 này phải tiêm đủ mũi vắc-xin hoặc từng mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng. Song song đó, theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 5 hoặc khi có triệu chứng. F1 di chuyển từ nơi lưu trú đến nơi học tập, làm việc bằng phương tiện cá nhân, tránh tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ, đeo khẩu trang, khử khuẩn....
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), chia sẻ thông tin tại buổi họp báo
Tuy nhiên, TP HCM hiện vẫn chưa cho phép F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được đi học, đi làm như một số địa phương như Long An, Cà Mau.
Ông Tâm thông tin thêm, Bộ Y tế có đề xuất cho F0 đi làm nhưng chỉ trong 2 tình huống và kèm theo một số điều kiện đặc biệt. Cụ thể, trên tinh thần tự nguyện, F0 có thể làm việc trực tuyến hoặc làm việc ở khu điều trị F0, thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng chống lây nhiễm.
TP HCM hiện đang điều trị 4.274 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 275 trẻ em dưới 16 tuổi, 84 bệnh nhân nặng đang thở máy, 5 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 23-3, có 566 bệnh nhân nhập viện, 697 bệnh nhân xuất viện và 2 trường hợp tử vong.
Bình luận (0)