Tại buổi họp báo chiều 22-9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết tính đến 18 giờ ngày 21-9, TP có 348.758 trường hợp mắc bệnh phát hiện được Bộ Y tế công bố, bao gồm 348.279 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 479 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 40.970 bệnh nhân, trong đó có 3.731 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.174 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 21-9, có 3.435 bệnh nhân nhập viện, 2.726 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến nay là 176.953), 181 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1 đến nay là 13.807).
Tổng số mũi vắc-xin đã triển khai tiêm đến ngày 21-9 là 8.927.763, trong đó tổng số mũi 1 là 6.781.748, mũi 2 là 2.146.015, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.041.621.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, thông tin tại buổi họp báo
Thông tin tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết TP có 90 cơ sở thu dung điều trị Covid-19 gồm 3 tầng.
Tầng 1 có 12 cơ sở bao gồm các khu cách ly, thu dung điều trị Covid-19 của các quận huyện.
Tầng 2 có 68 bệnh viện gồm các bệnh viện của TP hạng 1, 2, 3.
Tầng 3 có 10 cơ sở điều trị, trong đó có 5 trung tâm hồi sức trực thuộc của các bệnh viện tuyến trung ương.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, chia sẻ thông tin tại buổi họp báo
Theo thống kê, TP có 3.826 giường hồi sức có tính năng gắn những thiết bị hiện đại để cấp cứu bệnh nhân. "Với số giường hiện nay, theo đánh giá của ngành y tế có thể kịp thời cứu chữa bệnh nhân nặng. Ngoài ra, sự điều chuyển bệnh nhân giữa các tầng đã có sự phối hợp nhịp ngành hơn" - bà Mai nói.
Về việc tiêm vắc-xin cho phụ nữ mang thai, bà Mai cho biết trước đây việc tiêm vắc-xin cho phụ nữ mang thai rất thận trọng. Do đó, khi TP triển khai tiêm vắc-xin đợt 4, những đối tượng này không được chích ngừa.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn tiêm phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên có thể tiêm ngừa. Đến nay, Sở Y tế đã phân bổ 100.000 liều vắc-xin cho các bệnh viện trên địa bàn có khoa sản.
Thông tin thêm về việc phân bổ kinh phí cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch, bà Mai cho biết ngày 3-9, Sở Y tế đã có đợt phân bổ kinh phí cuối cùng cho các đơn vị trực thuộc sở. Do đó, trạm y tế trực sẽ do trung tâm y tế địa phương phân bổ. Sở Y tế sẽ đốc thúc các trung tâm y tế để hỗ trợ những đơn vị chưa nhận được.
Liên quan đến các bệnh viện sắp tới sẽ chuyển đổi công năng về trạng thái bình thường, theo bà Mai, khi chuyển đổi công năng, Sở Y tế đều có kế hoạch và lộ trình cụ thể. Hiện Sở Y tế đã làm việc và có kế hoạch thống nhất với các đơn vị sẽ chuyển đổi công năng để làm sao an toàn nhất cho bệnh nhân.
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời về việc các trường hợp F0 được xét duyệt cho cách ly tại nhà trở nặng, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết đây là chuyện bình thường. Bởi ban đầu khi mắc bệnh, F0 có thể không có triệu chứng, tuy nhiên sau đó mới chuyển nặng. Ngành y tế cũng đã dự trù những trường hợp này và có phương án xử lý thích hợp.
Theo ông Tâm, việc cách ly F0 tại nhà có nhiều ưu điểm so với các chiến lược cũ. Một trong số đó là giảm tải áp lực cho ngành y tế, giúp F0 có điều kiện phục hồi tốt hơn. Tuy nhiên, việc cách ly F0 tại nhà có 2 lưu ý là bảo đảm F0 không lây lan ra cộng đồng; bảo đảm F0 được cấp cứu, chuyển viện kịp thời khi có tình huống xấu.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết ngày 21-9, đơn vị đã phối hợp với Sở Y tế để tổ chức tập huấn cho 34 doanh nghiệp giao hàng công nghệ do HCDC hướng dẫn.
Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông cũng hướng dẫn các doanh nghiệp này cập nhật dữ liệu lên phần mềm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, thông tin tại buổi họp báo
Theo ông Phương, đơn vị đã nhận 63.000 kit test từ HCDC. Sáng 23-9, sở sẽ chuyển giao cho doanh nghiệp và ngày 26-9 sẽ tổ chức xét nghiệm.
Về một số khó khăn của doanh nghiệp, ông Phương cho biết ngày 23-9, khi thực hiện thực tế, sở có thể có đánh giá chính thức. Tuy nhiên, việc để doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm là xu hướng bắt buộc phải thực hiện khi tới đây từng bước mở cửa nền kinh tế. Việc này vừa nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo an toàn. Còn việc tổ chức xét nghiệm thông qua đơn vị y tế rất khó khăn và không đảm bảo an toàn theo yêu cầu.
Thông tin về việc kiểm soát người lưu thông trong thời gian tới, tại buổi họp báo, thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết Công an TP đã chỉ đạo công an quận, huyện chủ động bố trí các chốt trạm kiểm soát tại từng địa bàn, trên cơ sở kiểm soát nhưng vẫn bảo đảm hoạt động của các nhóm được phép ra đường và các công tác phòng, chống dịch.
Bình luận (0)