Năm nào cũng vậy, số người gặp các sự cố về sức khỏe trong dịp Tết đều tăng. Năm nay nghỉ Tết đến 9 ngày, vì thế các phương án ứng trực Tết của các bệnh viện (BV) cũng rõ ràng và chi tiết hơn.
Ứng phó thảm họa, dịch bệnh
Tết là thời điểm nhiều bệnh gia tăng như ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, tai nạn giao thông (TNGT), chưa kể các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… cũng tăng cao do thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống.
Chính vì điều này mà Bộ Y tế đã yêu cầu các BV trực thuộc, sở y tế các tỉnh, thành phố, bộ, ngành có kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và giữ gìn an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê yêu cầu các đơn vị chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra, như có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch…
Tại TP HCM, PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, cho hay kế hoạch cấp cứu dịp Tết cũng đã sẵn sàng, đặc biệt tại các điểm tập trung đông người, khu vui chơi giải trí, điểm bắn pháo hoa, hội chợ. Sở yêu cầu các BV công lập và ngoài công lập có kế hoạch đảm bảo nhân sự, phương tiện, thực hiện tốt công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Nhằm ứng cứu trong trường hợp xảy ra tai nạn, cháy nổ, thảm họa tại các địa điểm tập trung đông người, Sở Y tế đã giao cho BV Cấp cứu Trưng Vương làm đầu mối phối hợp cùng các đơn vị y tế khác bố trí xe cấp cứu tại các địa điểm 24/24 giờ. Đối với các điểm bắn pháo hoa, BV Cấp cứu Trưng Vương làm đầu mối phối hợp với các BV quận, huyện có địa điểm tổ chức bắn pháo hoa để ứng cứu, cấp cứu cho người dân khi cần.
Ngoài việc chỉ đạo các BV trực thuộc có kế hoạch cấp cứu ngày Tết, Sở còn yêu cầu các đơn vị phải chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, đặc biệt là bệnh do vi-rút Zika đang diễn biến phức táp trên thế giới, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Cứu người bị tai nạn giao thông
Tại các BV, kế hoạch cấp cứu dịp Tết cũng đã được xây dựng. TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 TP HCM, cho biết hiện BV đã triển khai công tác cấp cứu dịp Tết đến tất cả các phòng, ban, khoa. Các nội dung được nhấn mạnh như: trực tổng đài 24/24, kiểm tra đường dây liên lạc toàn BV; lập danh sách bác sĩ trực; chuẩn bị dự phòng đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền; lên phương án triển khai cấp cứu thảm họa, các ê kíp cấp cứu ngoại viện luôn trong tư thế sẵn sàng khi có lệnh điều động; chuẩn bị ứng phó trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, dịch bệnh…
Theo bác sĩ Phan Quang Trí, Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình, Tết năm nào BV cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp thương tích gãy xương, yai nạn giao thông (TNGT) khắp nơi đưa về. Năm nay, BV cũng tăng cường thêm nhân sự cho Khoa Cấp cứu với gần 30 bác sĩ thường trực và thêm nhiều bác sĩ khác hỗ trợ.
Trong khi đó, kế hoạch trực Tết của các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đã được lãnh đạo phân công cụ thể theo 4 cấp: Chuyên môn, hành chính, các khoa phòng đến an ninh trật tự, Theo lãnh hai BV này, vào dịp Tết, số trẻ cấp cứu nhiều nhất do ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp, bị hóc dị vật đường thở, hóc hạt dưa, hạt bí, đồng xu, chấn thương, phỏng. Vì vậy, BV sẵn sàng xử trí các tình huống. Ngoài việc tổ chức cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhi đến khám bệnh 24/24 giờ, hai BV còn có đội cơ động sẵn sàng tiếp nhận và phòng chống các dịch bệnh có thể xảy ra trong dịp tết và hai đội cấp cứu ngoại viện luôn sẵn sàng ứng phó các trường hợp thảm họa, tai nạn hoặc ngộ độc hàng loạt…
Trong khi đó, là nơi điều trị chuyên sâu tuyến cuối, BV Chợ Rẫy là nơi “đầu sóng ngọn gió”, nhất là trong dịp dịp Tết. PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết trong những ngày Tết, cấp cứu nhiều nhất vẫn là số trường hợp TNGT. Trong năm 2015, số nạn nhân bị TNGT được đưa vào BV có đến 26.000 người, trong đó hơn 17.000 trường hợp bị chấn thương sọ não. Để đảm bảo kịp thời ứng cứu cho bệnh nhân, BV Chợ Rẫy đã bố trí 165 người hoạt động 24/24 tại Khoa Cấp cứu. Trong đó có 43 bác sĩ, 100 điều dưỡng cùng một số nhân viên khác. Ngoài ra, để đáp ứng tình hình bệnh nhân có thể tăng đột biến dịp Tết, Trung tâm truyền máu BV Chợ Rẫy đảm bảo đủ cơ số dự trữ các loại máu và chế phẩm từ máu cung cấp cho BV Chợ Rẫy và các BV khác khi cần.
Tăng cường cấp cứu ngoại viện
Nếu trong nội thành, các BV lập kế hoạch cấp cứu trong những ngày vui Xuân thì tại các cửa ngõ TP, các cơ sở y tế không quên nhiệm vụ này. Do kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài nhiều ngày nên không loại trừ người bệnh do tai nạn sẽ đông hơn. Hiện ngoài quy trình thường quy, các BV như quận Thủ Đức, Đa khoa khu vực Thủ Đức, Củ Chi, Xuyên Á… cũng đã lên kế hoạch cấp cứu, trực BV vào ngày Tết.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Quận Thủ Đức, cho biết do nằm ở khu trung tâm cửa ngõ nên BV thường tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân ở quận 2, quận 9, Đồng Nai chuyển đến. Vào dịp Tết, số bệnh nhân do TNGT, do uống rượu bia thường tăng thêm 15%-20% nên BV đã tăng cường nhân vật lực để đáp ứng. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho hay công tác tăng cường thêm nhiều bác sĩ cấp cứu tại các khoa phòng dịp Tết hiện cũng được sẵn sàng. Với đội ngũ chuyên môn hiện có, BV có thể xử trí được nhiều ca chấn thương sọ não, giảm đáng kể số trường hợp chuyển lên tuyến trên.
Theo Sở Y tế, Trung tâm Cấp cứu 115 cũng tăng cường công tác cấp cứu ngoại viện. Trung tâm này kết nối với khoa cấp cứu của toàn bộ BV công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP để chuyển người bệnh khi có sự cố. Ngoài trạm cấp cứu tại khu vực trung tâm TP đặt tại BV Đa khoa Sài Gòn (số 125 Lê Lợi, P.Bến Thành, Q.1), 4 trạm còn lại đặt tại BV Đa khoa Khu vực Hóc Môn (65/2B Bà Triệu, thị trấn Hóc Môn); BV Q.Bình Tân (số 809 Hương Lộ 2, P.Bình Trị Đông A); Bệnh viện Q.Thủ Đức (số 29 Phú Châu, KP.5, P.Tam Phú) và tại BV Q.7 (số 101 Nguyễn Thị Thập, P.Tân Phú).
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Mười, Giám đốc BV Đa khoa Bình Tân, BV là nơi thường xuyên tiếp nhận những ca TNGT nghiêm trọng. Việc đặt trạm cấp cứu tại đây góp phần hoàn thiện hệ thống cấp cứu của TP, giúp bệnh nhân được đảm bảo thời gian vàng trong cấp cứu, đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân trên địa bàn quận Bình Tân và lân cận như quận 6, 12, Tân Phú, huyện Bình Chánh...
Không để thiếu thuốc, máu
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa thông báo đường dây nóng cung ứng thuốc trong dịp Tết Bính Thân. TS Trương Quốc Cường, Cục Quản lý dược, yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP các bệnh viện, Tổng Công ty Dược Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch dự trữ, cung ứng thuốc trong dịp Tết; đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh; đồng thời, chỉ đạo các địa điểm trực bán thuốc 24/24 giờ đáp ứng nhu cầu thuốc của người bệnh trong dịp Tết…
Trong khi đó, theo bà Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM, từ tháng 1 đến nay trung tâm đã tiếp nhận trên 17.000 đơn vị máu hiến tình nguyện, đủ để cung ứng cho các BV của TP HCM phục vụ công tác truyền máu trong cấp cứu và điều trị. Ngoài ra, hàng ngàn người hiến máu dự bị tình nguyện ở khắp các quận, huyện cũng sẵn sàng hiến máu khi có nhu cầu khẩn.
Bình luận (0)