TP HCM sử dụng phần mềm tiêm chủng quốc gia để theo dõi người tiêm vắc-xin, đã có 1,3 triệu lượt người đăng ký tiêm theo phần mềm tiêm chủng quốc gia. Đợt tiêm chủng vắc-xin lần này sẽ ưu tiên người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính, người nghèo…
Tại điểm tiêm Viện Y dược học dân tộc TP HCM có 2 bàn tiếp nhận giúp người dân khai báo y tế, đảm bảo giãn cách.
Sau 2 lần lỡ tiêm vì không qua được vòng khám sàng lọc do cao huyết áp, bà Hà Thị Thu Nguyệt (45 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cảm thấy vui mừng và an tâm khi lần này chị đã đủ sức khỏe và được tiêm vắc-xin Covid-19.
"Sau lần sinh con đầu tiên cách đây 18 năm, tôi bị cao huyết áp, đến nay phải uống thuốc hàng ngày và bệnh đã ổn định. Tuy nhiên, đợt tiêm lần 4 sau 2 lần khám sàng lọc huyết áp của tôi đều lên 180 nên bác sĩ khuyên tôi nên được chích và theo dõi ở bệnh viện. Lần tiêm này, tôi chuẩn bị tâm lý thật tốt và may mắn là huyết áp ổn định và đã được tiêm""- bà Nguyệt tâm sự.
Bà Hà Thị Thu Nguyệt (45 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cảm thấy vui mừng và an tâm khi lần này chị đã đủ sức khỏe để được tiêm vắc-xin Covid-19.
TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó Viện Y dược học Dân tộc TP HCM, cho biết trước đây, nhân viên y tế của Viện Y dược học dân tộc đã nhiều lần thực hành tiêm vắc-xin cho nhân viên của viện và cộng đồng nên không gặp trở ngại trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng tiếp theo.
Nhân viên y tế đo mạch, huyết áp và nhiệt độ cho người dân trước khi tiêm
Theo bác sĩ Lan, rút kinh nghiệm đợt tiêm trước, mỗi điểm tiêm bố trí đến 5 bàn tiêm nên có thời điểm chỗ tiêm chủng tập trung hơn 100 người kể cả khâu khám sàng lọc và nghỉ ngơi 30 phút sau tiêm, khó đảm bảo giãn cách. Do vậy, lần này, quận Phú Nhuận đã chia nhỏ điểm tiêm ra, mỗi phường chỉ bố trí 2 bàn tiêm, mỗi giờ tiêm 12 người, dù hoạt động chậm hơn nhưng đảm bảo việc theo dõi sau tiêm và an toàn.
"Lần này có sự thuận lợi hơn là nhờ vào việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp khâu trả giấy chứng nhận tiêm vắc-xin tại chỗ và cập nhật thông tin tiêm vắc-xin hoặc thông tin sức khỏe của người dân rõ ràng và nhanh chóng, ít sai sót hơn""- bác sĩ Lan chia sẻ.
Nhân viên y tế của Viện Y dược học dân tộc đã nhiều lần thực hành tiêm vắc-xin cho nhân viên của viện và cộng đồng nên không gặp trở ngại trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng tiếp theo.
Kiểm tra công tác tiêm chủng thử nghiệm tại Viện Y dược học dân tộc TP HCM, ông Đỗ Công Anh, Phó cục trưởng phụ trách Cục tin học hóa và Bộ Thông tin và truyền thông, cho biết để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi tiêm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho ra đời ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" để những người có nhu cầu tiêm đăng ký online, theo dõi phản ứng và quản lý sức khỏe sau tiêm. Đặc biệt, người dân cũng có thể truy cập cổng thông tin tiêm chủng: https://tiemchungcovid19.gov.vn để đăng ký tiêm chủng và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm. Đây cũng là nơi công khai và cập nhật thường xuyên thông tin vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách trên cổng thông tin của chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19. Sổ sức khỏe điện tử ra đời được 2 tuần nay hiện đã có 1,5 triệu lượt tải.
Trong ngày hôm nay, tại điểm tiêm Viện Y dược học dân tộc TP HCM sẽ tiêm cho 40 người.
Ngồi chờ theo dõi sau tiêm cũng đảm bảo giãn cách.
Cũng tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết trong chiều hôm nay, TP đã triển khai tiêm thí điểm tại 10 điểm trên toàn địa bàn TP để rút kinh nghiệm. Sau đó, sẽ tiến hành tiêm hàng loạt với khoảng 615 điểm, dự kiến tiêm từ 2-3 tuần, chậm hơn so với trước đây để đảm bảo giãn cách và không ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Trung bình mỗi điểm sẽ thực hiện tiêm cho tối đa 120 người/10 giờ làm việc/ngày.
Theo bác sĩ Hưng, tại các điểm tiêm đều bố trí các tổ cấp cứu túc trực để đảm bảo xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra. Tại nơi phong tỏa sẽ không tổ chức tiêm, nhưng ngay khi gỡ phong tỏa sẽ lập tức tổ chức tiêm cho người dân.
Đối tượng được tiêm vắc xin trong đợt này ưu tiên cho những người mắc các bệnh nền (bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường), người trên 65 tuổi;
Người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế, người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tình nguyện viên, phóng viên...).
Bình luận (0)