Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết nếu như trước đây, shipper phải xét nghiệm từ 5 đến 6 giờ sáng hằng ngày thì bắt đầu từ ngày mai (21-9), họ có thể xét nghiệm tại các trạm y tế cố định và lưu động từ 6 đến 21 giờ hằng ngày.
Ban đầu khi TP có chủ trương cho shipper hoạt động trở lại thì có khoảng 20.000 shipper đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, 2 ngày qua, số người đăng ký lên tới hơn 82.000 - tăng đột biến so với sự kiến ban đầu.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, thông tin tại buổi họp báo chiều 20-9
Từ khi TP HCM cho shipper hoạt động trở lại, mỗi ngày họ có thể vận chuyển khoảng 250.000 đơn hàng. Khi số người đăng ký tăng lên, số đơn hàng có thể lên tới 600.000-800.000. Điều này giúp hàng hóa được lưu thông tốt và đáp ứng nhu cầu mua, bán của người dân TP.
Trước đây, TP HCM yêu cầu shipper phải đảm bảo đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin và được test nhanh hằng ngày từ 5 đến 6 giờ sáng. Tuy nhiên, hiện nay, số shipper đăng ký nhiều, gây khó khăn cho công tác xét nghiệm. Do đó, Sở Công Thương, Sở Y tế cùng Công an TP đã họp và thống nhất cho 312 trạm y tế và hơn 500 trạm y tế lưu động trên địa bàn hoạt động từ 6 đến 21 giờ. Các shipper có thể đến bắt cứ trạm y tế nào để xét nghiệm, nếu thấy nơi đó vắng người.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thông tin tại buổi họp báo
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP vừa ban Văn bản khẩn số 3113 về việc tiếp tục xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, các địa phương sẽ triển khai lấy mẫu thần tốc để bóc tách nhanh nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Căn cứ kết quả đánh giá, TP phân loại lại vùng nguy cơ sau ngày 14-9.
Đối với "vùng đỏ", "vùng cam", thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân, trừ các trường hợp F0 đã được xác định trong 14 ngày gần nhất. Tần suất lấy mẫu lặp lại 2 ngày, liên tục 3 lần trong 7 ngày.
Các hộ gia đình đã có ca dương tính lần trước sẽ không xét nghiệm ở những lần giám sát xét nghiệm tiếp theo. Toàn bộ hộ gia đình của trường hợp có ca dương tính được quản lý, theo dõi theo quy định.
Nếu phát sinh trường hợp dương tính mới trong hộ gia đình thì tiếp tục cập nhật vào hệ thống giám sát, chăm sóc, điều trị. Các hộ gia đình có ca dương tính phải được căng dây phong tỏa và dán biển đỏ cảnh báo trước cửa theo quy định.
Ngành y tế có thể triển khai, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Người lấy mẫu tuân thủ 5K, đúng quy trình, quy định công tác vệ sinh khử khuẩn, đặc biệt lưu ý về quy trình thay đồ bảo hộ, thay găng hoặc sát khuẩn găng khi lấy mẫu để tránh lây nhiễm chéo.
Bình luận (0)