Tối 23-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay HCDC đã bàn giao 63.000 kit test cho Sở Công Thương để phân bổ cho các doanh nghiệp quản lý shipper; đồng thời tập huấn công tác lấy mẫu xét nghiệm để các đơn vị có thể tự thực hiện cho shipper.
Tính đến 12 giờ 30 ngày 23-9, 19/33 doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các thao tác sử dụng phần mềm khai báo điện tử của TP HCM để cập nhật kết quả xét nghiệm của shipper, trước khi triển khai cập nhật dữ liệu chính thức vào ngày mai (24-9).
Xét nghiệm tầm soát Covid-19 trong khu dân cư ở quận Bình Thạnh, TP HCM chiều 23-9. Ảnh: LÊ KIỆT
Trong khi đó, Sở Y tế TP HCM vừa có văn bản trình UBND TP xem xét cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19.
Theo đó, ngoài chi phí điều trị Covid-19, chi phí vật tư tiêu hao chưa được kết cấu vào giá dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị Covid-19 được ngân sách nhà nước thanh toán theo quy định phù hợp. Các chi phí phục vụ khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (tiền phòng, tiền ăn, dịch vụ tiện ích tăng thêm), bệnh viện được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế (nếu có).
TP HCM sẽ nới lỏng dần từng bước các hoạt động kinh tế theo lộ trình trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ bảo vệ của người dân căn cứ theo hai trụ cột - tiến độ tiêm vắc-xin và an toàn của hệ thống y tế theo từng giai đoạn, địa bàn cụ thể. Các lộ trình cũng được xác định, gồm giai đoạn từ ngày 1 đến 31-10-2021, từ 1-11-2021 đến 15-1-2022 và giai đoạn sau 15-1-2022.
Trong thời gian tới, TP HCM tiếp tục chiến dịch tiêm vắc-xin, bảo đảm tiêm mũi 1 cho tất cả người trên 18 tuổi, tiêm nhắc mũi 2 cho toàn bộ người tiêm mũi 1, ưu tiên tuyến đầu, người có nguy cơ cao. Cùng với đó, nghiên cứu phương án tiêm vắc-xin cho trẻ em, trẻ có nguy cơ cao (có bệnh nền, béo phì...).
Chiều 23-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết Sở Y tế TP vừa ban hành công văn khẩn về việc triển khai công tác xét nghiệm giám sát thường xuyên theo từng trường hợp.
Theo đó, toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ - công nhân viên tại trường học, nhân viên y tế và bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện và toàn bộ cán bộ - công nhân viên tại các đơn vị thường xuyên lưu trú đông người như: doanh trại quân đội, công an, trại giam… sẽ được thực hiện lấy mẫu bằng phương pháp Realtime PT-PCR mẫu gộp với tần suất 7 ngày/lần.
Tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi: Lấy mẫu toàn bộ nhân viên, tiểu thương bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu gộp (nếu có thể) với tần suất 3 ngày/lần. Đối với tài xế, phụ xe hàng: Thực hiện phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu gộp cho toàn bộ người theo xe mỗi ngày.
Tại sân bay, bến xe, bến tàu, ga, đường sắt: Test nhanh kháng nguyên mẫu gộp (nếu có thể) cho nhân viên, người phục vụ với tần suất 3 ngày/lần.
Tại bệnh viện: Bệnh nhân đến khám lần đầu sẽ được thực hiện 1 lần xét nghiệm trước khi vào khám bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu đơn.
Các lực lượng thường trực tại các chốt giao thông, lực lượng shipper giao hàng: Thực hiện test nhanh kháng nguyên mẫu gộp (nếu có thể) từ 1 đến 3 ngày/lần tùy theo đặc điểm dịch tễ khu vực.
Khối cơ quan hành chính sự nghiệp, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất - kinh doanh: Lấy mẫu toàn bộ công nhân viên bằng bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu gộp (nếu có thể).
Hướng dẫn thực hiện việc xét nghiệm giám sát thường xuyên theo từng trường hợp
Bình luận (0)