Theo đó, báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Châu cho biết mới đây, Tổ chức Y tế thế giới vẫn xem đại dịch COVID-19 còn là mối quan ngại toàn cầu dù trước đây hy vọng năm 2023 không còn là mối đe dọa. Trong 8 tuần qua, trên toàn thế giới có 170.000 ca tử vong vì COVID-19, bên cạnh đó, một số nơi trên toàn thế giới số ca tử vong tăng. Như vậy, với diễn tiến này trên toàn cầu, COVID-19 còn đáng lo ngại, đặc biệt liên tục xuất hiện biến thể mới của SAR-CoV-2. Do đó, chúng ta tiếp tục sẵn sàng đối phó với COVID-19.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, báo cáo tại buổi làm việc
Theo bác sĩ Châu, ngành y tế TP HCM có những giải pháp phòng chống dịch. Cụ thể, tiếp tục bảo đảm công tác tiêm chủng các mũi nhắc vắc-xin ngừa COVID-19. Khi vắc-xin tiêm đủ sẽ bảo vệ người nhiễm không mắc nặng và hạn chế tử vong. "Sau thời gian đáp ứng kháng thể trong cơ thể suy giảm nên cần phải tiêm mũi nhắc. Nhất là những đối tượng nguy cơ như người lớn tuổi, mắc bệnh nền" – bác sĩ Châu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục giám sát các biến thể có thể xuất hiện trong thời gian tới, đặc biệt là các chùm ca bệnh nặng. Các bệnh viện và HCDC tiếp tục theo dõi để báo cáo và có giải pháp ứng phó nếu như xuất hiện biến thể mới. Với tình hình trên, không được chủ quan, tiếp tục sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, thuốc, các phương tiện để không bất ngờ khi số ca tăng. Cùng với đó, tiếp tục củng cố y tế cơ sở về chẩn đoán, điều trị. Đây cũng là lý do Sở Y tế TP HCM khởi động lại Bệnh viện Dã chiến số 13 với quy mô 100 giường hồi sức. “Sau khi diễn tập, chúng ta cũng đã có những bài học kinh nghiệm, bảo đảm 24 giờ có thể mở ra để tiếp nhận bệnh nhân trong tình huống xấu. Vì vậy, Sở Y tế kiến nghị UBND TP tiếp tục duy trì bệnh viện này trong thời gian tới" – bác sĩ Châu thông tin.
Liên quan đến vấn đề giám sát biến thể COVID-19, đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường ĐH OXFORD tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng cùng Viện Pasteur TP HCM giải trình tự gene nhằm kịp thời có giải pháp ứng phó dịch bệnh.
Ngoài ra, bác sĩ Châu cũng kiến nghị Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiến hành nuôi cấy virus SAR-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. "Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường ĐH OXFORD tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM có 1 phòng an toàn sinh học cấp 3. Phòng này đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học quốc tế. Hàng năm, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đều kiểm tra xác nhận tính an toàn vận hành của phòng này. Tại phòng an toàn sinh học cấp 3 nuôi cấy các loại virus như nuôi cấy vi trùng lao đa kháng, virus cúm… Hiện virus SAR-CoV-2 đã có trong cộng đồng, do đó xin phép Bộ Y tế cho bệnh viện được thực hiện kỹ thuật này" – bác sĩ Châu kiến nghị.
Giải thích về kiến nghị này, bác sĩ Châu cho rằng khi nuôi cấy virus SAR-CoV-2 thì việc đánh giá miễn dịch sẽ tốt hơn. "Vừa rồi, nghiên cứu đánh giá miễn dịch cộng đồng tại TP HCM chủ yếu dựa vào nồng độ kháng thể và sử dụng 1 số kỹ thuật thay thế phản ứng trung hòa. Trong khi đó, phản ứng trung hòa là phản ứng chính xác nhất để đánh giá kháng thể bảo vệ. Để đảm bảo phản ứng trung hòa phải có virus sống trộn với huyết thanh. Nếu như kháng thể trong huyết thanh đủ bảo vệ thì sẽ ức chế virus" – bác sĩ Châu lý giải.
Bình luận (0)