Bệnh xuất hiện nhiều ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt nhiều nhất ở trẻ dưới 1 tuổi. Nhiều trẻ mắc bệnh “chân, tay, miệng” ở thể nhẹ nên tự khỏi, hoặc phụ huynh đưa trẻ đến điều trị tại phòng mạch tư cũng hết bệnh.
Theo bác sĩ Thọ, năm 2003 trên địa bàn TPHCM đã xảy ra đợt dịch bệnh “chân, tay, miệng” với trên 20 trẻ tử vong và cả ngàn trẻ nhiễm bệnh. Năm 2006 rất có thể chu kỳ dịch sẽ quay trở lại sau 3 năm. Do đó, những trẻ sinh ra dưới 3 tuổi ít miễn dịch với bệnh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bệnh “chân, tay, miệng” lây do tiếp xúc gần, siêu vi trùng hiện diện trong dịch tiết, phân của trẻ bệnh và lây sang trẻ khác. Trong các trường học, đặc biệt trường mầm non, việc thay tã lót hằng ngày, vệ sinh cho trẻ, bồng bế trẻ này đến trẻ khác cũng tạo điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan rộng.
Một khi bệnh “chân, tay, miệng” gây biến chứng lên não thì nguy cơ tử vong chỉ được tính bằng giờ. Vì thế, việc giữ gìn vệ sinh môi trường, cá nhân và trong ăn uống là điều kiện tốt nhất để không bị lây bệnh.
Cũng theo bác sĩ Thọ, trong điều kiện bệnh “chân, tay, miệng” đang xuất hiện ở khắp các quận huyện, Trung tâm Y tế dự phòng TP sẽ cung cấp miễn phí hóa chất cloramin B để khử khuẩn môi trường.
Cùng ngày, Đội Y tế dự phòng quận Thủ Đức đã cung cấp hóa chất cloramin B, khẩu trang, găng tay cho các giáo viên Trường Sen Hồng và những phụ huynh có con bệnh để khử khuẩn trong lớp học và tại nhà. Do bệnh không có dấu hiệu lan rộng nên nhiều phụ huynh đã đưa trẻ đi học trở lại (trước đó gần 1/2 trẻ trong lớp chồi 1 đã nghỉ học).
Bình luận (0)