Dịp Tết nguyên đán, nhiều người dân có nhu cầu về quê, sum họp gia đình. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều tỉnh, thành phố đã đưa ra những quy định trong phòng chống dịch Covid-19 đối với người dân trở về quê với các tiêu chí khác nhau.
Nhiều quy định phòng chống dịch
Theo đó, phần lớn chính sách phòng chống dịch của các tỉnh phụ thuộc vào hai yếu tố: cấp độ vùng dịch nơi sinh sống và tình trạng tiêm vắc-xin Covid-19 của người dân. Tuy nhiên, ngoài tiêu chí về tiêm đủ liều vắc-xin, một số địa phương yêu cầu người dân về từ vùng dịch có phải cách ly, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe tại nhà…
Trước đó, nhiều hộ dân ở xã Thiệu Phú (Thanh Hóa) bị chính quyền khóa cổng khi có người về quê ăn Tết- Ảnh: Internet.
Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu người dân xét nghiệm âm tính trước khi về địa phương. Những người về từ vùng xanh, vàng, cam khai báo y tế. Riêng người về từ vùng đỏ, tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cách ly tại nhà 7 ngày và thêm 7 ngày theo dõi sức khỏe, xét nghiệm 2 lần.
Người chưa tiêm đủ liều vắc-xin cách ly tại nhà 14 ngày; đi cách ly tập trung nếu nơi lưu trú không đủ điều kiện. Người dân từ Hà Nội và các địa phương khác trở về phải khai báo y tế với chính quyền nơi cư trú. Xã, phường vận động người dân tự xét nghiệm trước khi trở về.
Tỉnh Phú Thọ yêu cầu người về từ vùng xanh, vàng tự theo dõi sức khỏe 7 ngày; khuyến khích tự test nhanh Covid-19. Người từ vùng cam, đỏ phải xét nghiệm âm tính trong 72 giờ bằng RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên.
Người tiêm đủ liều vắc-xin sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần. Người chưa tiêm đủ liều cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần và tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo. Người tỉnh ngoài không lưu trú, đi về trong ngày khai báo y tế tại các điểm đến.
Tỉnh Quảng Ninh không yêu cầu giấy xét nghiệm với người vào địa bàn, tuy nhiên người từ vùng đỏ, cam sẽ phải cách ly tập trung. Theo đó, người đã tiêm đủ hai liều vắc-xin cách ly tập trung 7 ngày, xét nghiệm 2 lần, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày; người chưa tiêm đủ hoặc đã tiêm đủ liều vắc-xin, trong đó liều cuối cùng chưa qua 14 ngày phải cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm 3 lần.
TP Hải Phòng quy định người về từ vùng đỏ, đã tiêm đủ hai liều vắc-xin phải cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần và tự theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày. Riêng người chưa tiêm đủ liều vắc-xin hoặc mũi hai chưa qua 14 ngày, người già, bệnh nặng, trẻ nhỏ cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần.
Người từ vùng cam cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm một lần. Người chưa tiêm đủ liều vắc-xin hoặc mũi hai chưa qua 14 ngày, người già, bệnh nặng, trẻ nhỏ cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Người từ vùng vàng đã tiêm đủ liều tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày; người chưa tiêm đủ liều vắc-xin hoặc mũi hai chưa qua 14 ngày thì tự theo dõi sức khỏe 14 ngày.
Người từ vùng xanh, mới khỏi Covid-19, người tiêm đủ hai mũi vắc-xin tự theo dõi sức khỏe 7 ngày và thời gian 14 ngày áp dụng với người chưa tiêm đủ mũi.
TP Thái Nguyên vận động người dân hạn chế ra khỏi tỉnh lẫn tiếp xúc với người từ vùng dịch; vận động người thân trong gia đình đang học tập, làm việc ngoài tỉnh không đi, về thành phố Thái Nguyên từ ngày 4-1 đến Tết Nguyên đán.
Trong trường hợp về tỉnh, người dân khai báo y tế, báo với chính quyền địa phương và test nhanh hoặc RT-PCR, âm tính mới được vào địa bàn. Nếu không có giấy xét nghiệm phải test nhanh ngay tại điểm chốt vào ra thành phố.
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu người từ vùng xanh khai báo y tế, thực hiện 5K; người về từ vùng vàng, F3 thì tự theo dõi sức khỏe 7 ngày; người từ vùng cam, F2 nếu đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng, tự cách ly tại nhà 7 ngày.
Người tiêm chưa đủ liều vắc- xin thì cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm một lần. Người chưa tiêm vắc-xin, F2 thì cách ly 14 ngày. Y tế địa phương ưu tiên xét nghiệm các trường hợp kể trên. Nếu người dân không đủ cơ sở vật chất cách ly tại nhà và đồng ý thì có thể cách ly tập trung.
Người từ vùng đỏ, F1, nếu tiêm đủ liều vắc-xin hoặc khỏi Covid-19 trong 6 tháng thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm hai lần và tiếp tục theo dõi sức khỏe tiếp 7 ngày.
Tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang... yêu cầu người dân có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi về địa phương...
Đáng chú ý, cách đây ít ngày một số thôn, xã ở Thanh Hóa và Thái Bình còn khóa trái cổng người về từ vùng cam, đỏ gây bức xúc cho người dân.
Các chuyên gia cho rằng một số địa phương đưa ra quy định người từ nơi khác về phải cách ly tại nhà 7-14 ngày là làm khó người dân.
Tuy vậy, trong bối cảnh dịch hiện nay, trước khi di chuyển về quê, chuyên gia cũng khuyến cáo mỗi người cần biết được các quy định của địa phương và nắm rõ mình đang sinh sống ở vùng dịch nào để tránh bị động, cũng như thực hiện biện pháp cách ly đúng quy định.
Tra cứu cấp độ dịch
Để biết được nơi mình đang sống thuộc nguy cơ nào, người dân truy cập vào bản đồ Covid-19 https://capdodich.yte.gov.vn/map. Đây là trang web do Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) quản lý.
Cấp độ dịch toàn quốc được cập nhật tại https://capdodich.yte.gov.vn/map- Ảnh chụp màn hình
Tại đây, người dân tìm kiếm địa phương bạn đang sinh sống, làm việc bằng cách chọn trong danh sách ở góc trên của màn hình. Tiếp đến, chọn cấp độ hành chính quận/huyện/thành phố/thị xã và theo dõi chi tiết bên bảng thống kê cấp độ dịch theo từng xã/phường/thị trấn phía bên trái.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tinh thần hiện nay là quản lý rủi ro, không cấm đoán như trước nữa. Các địa phương cần đánh giá nguy cơ nhỏ nhất cấp xã phường, đảm bảo việc phòng chống dịch.
PGS Phu cho rằng các tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định này, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ảnh hưởng tới kinh tế cũng như an sinh xã hội. Ngoài ra, việc địa phương vận động hay ra quy định "làm khó" người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm khác khuyến cáo về phòng chống dịch.
"Việc đi lại nhiều không chỉ gây nhiễm bệnh cho những người trong cùng một địa phương mà có thể lây nhiễm cho người ở các địa phương khác. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh thì rất dễ bùng phát dịch trong cộng đồng, đặc biệt là lây lan sang những người chưa tiêm vaccine, người già, người mắc bệnh nền"- PGS Phu lưu ý.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân khi di chuyển bằng phương tiện di chuyển trong dịp Tết được ưu tiên theo thứ tự: Xe riêng (ôtô, xe máy), máy bay, tàu hỏa, xe khách.
Bản đồ cấp độ dịch của TP HCM - Ảnh chụp màn hình
Trong trường hợp di chuyển bằng phương tiện công cộng, cần mở cửa kính xe khách, taxi thoáng khí hoặc có khoang riêng (tàu). Người dân ăn uống dọc đường cần đảm bảo 5K - Khai báo hành trình trên ứng dụng PC-Covid.
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, khuyến cáo trong dịp Tết khi di chuyển mỗi người cần chuẩn bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay (nên loại nhỏ để trong người). Mỗi người nên chuẩn bị sẵn 1 test nhanh kháng nguyên Covid-19. Nếu có điều kiện nên thực hiện test nhanh trước khi về quê. Người dân nên đeo khẩu trang trong suốt hành trình di chuyển, chỉ mở khi không có tiếp xúc người khác, bỏ khẩu trang khi về đến nhà.
Bình luận (0)