Bác sĩ Tôn Thất Minh, một trong hai bác sĩ của Bệnh viện (BV) Thống Nhất được đào tạo ở nước ngoài về phương pháp cắt đốt trong buồng tim (radiofrequency ablation) chữa loạn nhịp tim nói: “Khi triển khai điều trị, nhiều người nghi ngờ cho rằng phương pháp chỉ gây tốn kém cho bệnh nhân vì các bác sĩ Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Ngay cả các thầy dạy của tôi cũng cho rằng khó thực hiện vì nước ta không đủ trang thiết bị”. Tuy nhiên, với quyết tâm của lãnh đạo BV Thống Nhất, phương pháp được triển khai vào tháng 3-2000 và đến nay đã thực hiện được 152 ca với tỉ lệ thành công 100% cho chứng nhịp nhanh nút nhĩ thất và 96% cho hội chứng WPW (Wolff-Parkingson-White- loạn nhịp bẩm sinh), một tỉ lệ tương đương như nước ngoài!
Một phương pháp điều trị triệt để
Trong 152 ca bệnh, bệnh nhân lớn nhất 80 tuổi, người nhỏ nhất 14 tuổi, tất cả đều đau khổ hàng chục năm trời vì chứng loạn nhịp. Theo bác sĩ Minh, chứng bệnh này thật rắc rối, bởi nó xảy ra bất chợt khiến bệnh nhân không lường trước được. Chỉ cần một xúc cảm nhỏ cũng đủ kích hoạt tim đập nhanh lên, ở người bình thường là 80 lần/phút, nhưng trong cơn có thể tăng đến 150 lần/phút, thậm chí hơn 200 lần/phút. Do điều này, người bệnh khó chủ động được công việc và đáng lo nhất là phải uống thuốc thường xuyên, thật tốn kém mà không sao giải quyết triệt để. Đối với hai loại loạn nhịp nhanh trên thất bẩm sinh thường xuất hiện ở người trẻ tuổi, nên nếu không điều trị dứt sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Bệnh nhân không thể làm được một số ngành nghề mà mình yêu thích như phi công, diễn viên, vận động viên...
Trong phương pháp cắt đốt, bác sĩ sẽ đưa vào tim bệnh nhân một ống thông (catheter) qua tĩnh mạch bẹn phải, từ đó đưa vào một điện cực để ghi điện tâm đồ trong buồng tim. Khi phát hiện đường dẫn truyền bất thường trong tim, bác sĩ lại đưa tiếp một ống thông khác để tiến hành cắt đốt. Một ca điều trị kéo dài trung bình 2-4 giờ, thực hiện bằng kỹ thuật gây tê, trong suốt thời gian này bệnh nhân và bác sĩ vẫn có thể trò chuyện với nhau! Phương pháp ít đau, ít mất máu (vì không phải mổ tim hở), không để lại sẹo dài, chỉ có 1-4% biến chứng (tổn thương mạch máu, tràn dịch màng tim) và tỉ lệ tử vong dưới 1%. Chỉ 48 giờ sau khi chữa trị, bệnh nhân có thể xuất viện! Bác sĩ Minh cho biết phương pháp thực hiện cho mọi bệnh nhân, không hạn chế tuổi, chống chỉ định rất ít (suy gan, thận nặng, rối loạn đông máu), nếu giải quyết càng sớm thì hiệu quả càng tốt (có thể tiến hành từ 5-6 tuổi). Tỉ lệ tái phát trên thế giới là 3-5%, nhưng cho đến nay qua theo dõi, BV Thống Nhất chưa phát hiện ca tái phát nào.
Niềm vui tràn đầy
Trưa 21-12, tôi có mặt tại nhà em Trần Thị Ngọc Huệ ở Bến Bình Đông, phường 15, quận 8 - TPHCM. Mẹ em, chị Hứa Ngọc Hà, kể về đứa con từng một thời đau khổ vì chứng loạn nhịp nhanh: “Năm 8 tuổi, gia đình phát hiện cháu mắc chứng này. Lần đầu tiên cháu lên cơn là từ trường về nhà, lúc đó cháu ói mửa, mặt tím tái, tim đập nhanh. Chúng tôi đã chạy chữa cho cháu khắp nơi nhưng không khỏi. Gia đình tốn kém rất nhiều, mà lại luôn sống trong tình trạng lo âu cực độ. Cháu lên cơn bất chợt, không biết đâu mà lường. Mỗi lần như thế, lại đưa đi cấp cứu. Trong hai năm trở lại đây, cháu lên cơn ngày càng nhiều và có lần bác sĩ phải cấp cứu bằng sốc điện. May thay trong một lần đi cấp cứu ở BV Nguyễn Tri Phương, một bác sĩ mách cho tôi biết BV Thống Nhất chữa được bệnh này, thế là tôi đưa cháu đi chữa và thành công”. Năm nay 16 tuổi, cao 1,60 m, nặng 55 kg, nhìn bên ngoài không ai biết Ngọc Huệ từng một thời bị trái tim yếu đuối dằn vặt thật đau khổ. Mổ đến nay được 4 tháng, em vừa xin được một chân bán hàng để kiếm tiền phụ giúp gia đình. “Em còn lên cơn nữa không?” - tôi hỏi. “Không, em khỏe rồi” - Huệ cười tươi đáp. Vì chứng bệnh tim, trước đây Huệ phải nghỉ học giữa chừng. Tôi động viên em học lại, em hứa sẽ cố gắng.
Nhưng không chỉ có em Ngọc Huệ, mà hơn 150 ca bệnh được điều trị thành công ở BV Thống Nhất đều tìm lại được niềm vui tưởng chừng đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Bác Vũ Thị Nhật, 80 tuổi, nhà ở Tiền Giang, bị bệnh hơn 30 năm, nay được chữa khỏi có thể đi thăm con cháu khắp nơi mà không còn sợ lên cơn tim nhanh bất chợt. Một bệnh nhân khác 60 tuổi thì lần đầu tiên trong đời có thể đi chơi Đà Lạt. Nhìn chung, chất lượng sống của mọi bệnh nhân được chữa khỏi đã cải thiện rõ rệt.
PHAN SƠN
GS-TS Nguyễn Mạnh Phan, Giám đốc BV Thống Nhất - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Quốc gia: Chấp nhận đầu tư vì lợi ích của bệnh nhân . Phóng viên: Thưa GS, do đâu mà BV không ngại tốn kém, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị với giá 160.000 USD để thực hiện phương pháp cắt đốt trong buồng tim? - GS-TS Nguyễn Mạnh Phan: Từ thực tế nhiều bệnh nhân không đáp ứng với thuốc, khổ sở khi phải lên cơn nhịp nhanh, có thể đến 2 cơn/tuần. Phương pháp cắt đốt có thể chữa trị tuyệt căn bằng cách giải quyết ổ loạn nhịp. Do đó, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng trong ban giám đốc, chúng tôi nhận thấy phải chấp nhận đầu tư, tất cả vì lợi ích của bệnh nhân. . Thưa GS, về lĩnh vực tim mạch, dường như BV có sự hợp tác chặt chẽ với nước ngoài? - Vâng, BV có quan hệ đặc biệt với Pháp, quốc gia có ngành tim mạch rất phát triển. Chúng tôi đã cử 10 bác sĩ đi học những kỹ thuật tiên tiến như chụp, nong động mạch vành, siêu âm gắng sức... Ngoài ra, BV còn quan hệ với Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... trong lĩnh vực tim mạch. . Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, GS nghĩ gì về việc áp dụng thành công phương pháp cắt đốt trong buồng tim? - Về lý thuyết chúng ta không có cách biệt nào lớn so với nước ngoài, nhưng điều chúng ta thiếu là kỹ thuật và trang thiết bị tiên tiến. Nếu tranh thủ có được điều này qua hợp tác và giúp đỡ của nước ngoài, ngành tim mạch VN sẽ còn phát triển hơn nữa. Điều đáng mừng là những năm qua xuất hiện nhiều bác sĩ tim mạch trẻ, ham học hỏi, ngoại ngữ tốt, trên cơ sở này tôi hy vọng trong tương lai gần chúng ta sẽ bắt kịp trình độ của nhiều nước trong khu vực. Ph.Sơn thực hiện
Bình luận (0)