Chị Tr.T.Tr (32 tuổi, ngụ TP HCM) bắt đầu gặp những cơn đau âm ỉ kéo dài ở phần bụng từ hơn 1 năm trước. Chị đi khám vài lần, được chẩn đoán là viêm loét dạ dày nhưng trị hoài không hết.
Nhìn đâu cũng thấy bệnh
"Tôi đau đến mất ngủ, hay cáu gắt, công việc vì thế cũng không thuận lợi. Giờ tôi chán lắm!" - chị Tr. chia sẻ trên một diễn đàn kèm theo nỗi lo lắng đau vậy chắc là... ung thư dạ dày. Dù bác sĩ (BS) của 3 bệnh viện (BV) đều khẳng định không sao, chị vẫn bay ra Hà Nội để tìm BV khác, "hy vọng có người giỏi tìm ra bệnh".
BS chuyên khoa II Trần Minh Khuyên - chuyên khoa tâm thần kinh, Phòng khám BV Đại học Y Dược 1 - kể lại một ca điển hình gần đây. Một bệnh nhân cao tuổi đến gặp ông với xấp hồ sơ khám chữa bệnh dày cộp.
"Ông ấy đã 3 năm đi khám khắp nơi vì đủ thứ bệnh: tim đập nhanh thì đi BS tim mạch, đau đầu nên phải đến chuyên khoa tai - mũi - họng, đau dạ dày khám ở khoa tiêu hóa... Cuối cùng có người bảo đến gặp BS tâm thần. Dù ban đầu từ chối nhưng rồi ông ấy cũng đi" - BS Khuyên kể.
Thật khó tin, sau vài tuần điều trị chuyên khoa tâm thần, các triệu chứng như tim đập nhanh, đau đầu, đau dạ dày của ông cũng dần biến mất và khỏi hẳn 1 tháng sau đó!
Theo BS Khuyên, cơn đau dạ dày (đau bao tử) như bệnh nhân kể trên thường có nguyên nhân sâu xa từ stress dẫn đến hội chứng rối loạn lo âu. Trong hội chứng này có nhiều vấn đề: gây rối loạn giấc ngủ, đau đầu, đau cổ - gáy, tim đập nhanh, bệnh hô hấp... và cả các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đau dạ dày. Bị cơn đau liên tục quấy nhiễu, chữa hoài không hết bệnh vì chỉ chữa mỗi phần "ngọn" là các cơn đau, bệnh thực thể đó lại tác động ngược lại tâm trí bệnh nhân, làm trầm trọng thêm stress, khiến bệnh nhân suy sụp, thậm chí trầm cảm từ nhẹ đến nặng.
Khi đau dạ dày kèm theo cảm giác đau đầu, lo âu..., bạn nên tìm đến bác sĩ để được điều trị cả tâm lýẢnh: HOÀNG TRIỀU
Vòng luẩn quẩn
BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất (TP HCM), cho biết ông cũng từng gặp nhiều bệnh nhân đau dạ dày do nguyên nhân tâm lý. "Căng thẳng gây nên nhiều rối loạn trong cơ thể, trong đó có tăng tiết dịch vị (với thành phần chủ yếu là axít clohydric). Axít tăng dẫn đến viêm loét dạ dày" - BS Vũ giải thích.
Ngược lại, không ít người vì đau dạ dày kéo dài không chữa khỏi mà dẫn đến căng thẳng. Cơn đau dạ dày thường rất khó chịu, kéo dài âm ỉ, có người đau khi bụng đói, có người đau khi bụng no. Đau mãi sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến công việc, học tập, giảm khả năng tập trung khiến người bệnh dễ cáu gắt, nóng giận... Nếu để lâu sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý.
Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cũng chứng minh mối quan hệ 2 chiều giữa trí não và đường tiêu hóa. Trong khi tác động của stress lên dây thần kinh số 10 (dây thần kinh phế vị) làm ảnh hưởng hoạt động nhiều cơ quan mà nó điều khiển, trong đó có hệ tiêu hóa - bao gồm dạ dày - đã được biết đến khá nhiều thì vào năm 2017, một nghiên cứu từ Đại học California tại Los Angeles (UCLA - Mỹ) lần đầu phân tích rõ con đường ngược lại. Theo đó, vi khuẩn đường ruột không chỉ có thể gây ra cơn đau dạ dày mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi và cảm xúc của con người. Các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng vững chắc về một liên kết bất thường khác giữa dạ dày và não của bạn.
BS Trần Minh Khuyên nhấn mạnh khi thấy đau dạ dày kèm theo các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, lo âu quá đáng hoặc đang sống trong giai đoạn nhiều căng thẳng thì nên nghĩ tới đau dạ dày do nguyên nhân tâm lý. Khi đó, muốn hết "cái ngọn" là bệnh thực thể, phải trị "cái gốc" trước. Đừng tự định bệnh cho mình và cố cầm cự chỉ bằng thuốc trị các triệu chứng bệnh thực thể.
BS Trương Quang Anh Vũ cho rằng việc điều trị song song bệnh thực thể - tâm lý là cần thiết cho nhiều bệnh, không riêng đau dạ dày, nhất là những bệnh mạn tính, kéo dài. Ví dụ người đau dạ dày do stress, cần được uống thuốc chống cơn co thắt, viêm loét dạ dày lẫn điều trị tâm lý, giảm căng thẳng. Ngoài ra, mỗi người trong chúng ta để giữ sức khỏe, ngoài tập luyện về thể chất, chú ý dinh dưỡng, cần tập luyện cả về tinh thần, sống lạc quan, tập kiểm soát cảm xúc...
Chữa "cái gốc"
Một nghiên cứu mới công bố tháng 5-2019 của Đại học Hồng Kông và Đại học Y khoa Shantou (Trung Quốc) thực hiện thí nghiệm trên 1.689 người (độ tuổi trung bình là 69) bị viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
Các nhà khoa học phát hiện những người đau dạ dày kéo dài kèm mất ngủ (ngủ không ngon, ngủ ít, hay dở giấc...) cần được điều trị rối loạn giấc ngủ. Họ chứng minh rằng mất ngủ liên quan chặt chẽ đến việc đau dạ dày tái phát nhiều lần.
Bình luận (0)