Sau nhiều nỗ lực hồi sức cho người mẹ, cuối tuần qua, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã diễn ra cuộc gặp gỡ có "một không hai" giữa người mẹ đang trải qua những ngày điều trị căn bệnh ung thư giai đoạn cuối và cậu con trai mà chị sẵn sàng đánh đổi sự sống để con được chào đời.
Video clip lần đầu tiên chị Nguyễn Thị Liên được gặp con sau cuộc mổ bắt con ngày 22-5-2019
Sau bao khát khao cháy bỏng, ngày 13-6, người mẹ bị ung thư vú Nguyễn Thị Liên (28 tuổi, ở Hà Nam) cũng đã được lần đầu tiên ôm đứa con bé bỏng Đỗ Bình An (23 ngày tuổi) vào lòng vỗ về. Hình ảnh người mẹ trọng bệnh run run đeo cho con chiếc vòng bạc khiến tất cả những người có mặt trong phòng bệnh và những y, bác sĩ theo dõi qua màn hình được phát trực tiếp tại Bệnh viện K (cơ sở 3 - nơi bệnh nhân đang điều trị ) đều không thể cầm lòng.
Những giọt nước mắt đã rơi khi chứng kiến cảnh lần đầu tiên cậu bé Bình An "bé hạt tiêu" nhưng rắn rỏi nằm trọn trong lòng người mẹ đang phải ngồi xe lăn, chằng chịt dây nhợ đang mân mê đôi tay bé nhỏ của con trai.
Vợ chồng chị Liên và bé Bình An
Có mặt trên suốt hành trình cùng chị Liên đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương, GS-TS Trần Văn Thuấn cũng không kìm được xúc động: "Hai mẹ con bé Bình An gặp nhau là khoảnh khắc, giây phút tất cả chúng ta đều mong chờ".
Giây phút ấy, chị Liên và tất cả mọi người đều hiểu và đếm từng ngày để chứng kiến, khoảnh khắc hằng ngày ôm con quá đỗi bình thường với những người mẹ khác nhưng với bà mẹ bị ung thư vú này là cả sự nỗ lực, gắng sức đến phi thường để vượt qua những cơn mê man đến với hiện thực tưởng đương nhiên là được ôm đứa con - bé Bình An do mình dứt ruột đẻ ra.
Cháu bé đang được chăm sóc tại tại Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Chưa có cuộc gặp gỡ nào tại Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương mà mọi người xúc động, ai ai cũng rơi nhiều nước mắt nhiều đến thế. Bình An còn đỏ hỏn được các bác sĩ đưa đến nằm gọn trong tay mẹ Liên. Nụ cười của hạnh phúc, nụ cười của sự mãn nguyện trong nước mắt tuôn trào của mẹ Liên, bố Hùng và cả gia đình bé Bình An.
Giọng nói còn chưa rõ hẳn tiếng, Liên vẫn gửi lời cảm ơn đến bộ trưởng Bộ Y tế, giám đốc Bệnh viện K, giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương và tập thể các y, bác sĩ hai bệnh viện.
Giây phút ôm con ngắn ngủi chưa đầy 10 phút vì bé Bình An cần đưa vào lồng kính để đảm bảo sức khỏe. Trước khi quay trở về Bệnh viện K, mẹ Liên tự đứng dậy và lần đầu được cho con ăn sữa, vuốt ve đôi tay bé xíu của Bình An, bé như biết sắp chia tay để mẹ về nên cũng nắm chặt tay mẹ. Mẹ Liên vừa khóc, vừa cười: "Bình An nắm tay mẹ à".
Chia sẻ bằng giọng nói yếu ớt, người mẹ trẻ cho biết rất vui vì được gặp con. Trước khi rời phòng bệnh - nơi đang nuôi dưỡng con trai, người mẹ dặn dò con với những câu ngắt quãng nhưng gửi gắm tràn đầy yêu thương, hy vọng: "Ở đây... ngoan... khi nào mẹ khoẻ... mẹ sang".
Gia đình chị Liên - anh Hùng và các con
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động sáng nay 15-6, anh Đỗ Văn Hùng, chồng sản phụ Nguyễn Thị Liên, cho biết cuộc gặp gỡ giữa hai mẹ con hoàn toàn không được báo trước. "Trước khi đi, bác sĩ chỉ thông báo đưa cô ấy sang Bệnh viện K cơ sở 1 để kiểm tra sức khoẻ. Bản thân tôi cũng không biết trước cuộc gặp này. Cho đến khi tới Bệnh viện Phụ sản Trung ương, được vào buồng bệnh gặp con, hai vợ chồng tôi đều bất ngờ... Cô ấy đã có món quà bất ngờ mà có lẽ tất cả những người ấp ủ thực hiện đem món quà ấy dành tặng vợ tôi đều bồi hồi, xúc động. Những giọt nước mắt lăn dài trên má vợ vì hạnh phúc sau hàng chục ngày nỗ lực và chờ đợi vợ tôi đã được ôm con trai bé bỏng"- anh Hùng nghẹn ngào.
Theo anh Hùng, sau buổi gặp con ngày hôm ấy, sức khoẻ, tinh thần của vợ anh đã tốt hơn rất nhiều. "Cô ấy đã cố gắng ăn uống, điều trị với mong muốn sẽ được gặp con nhiều hơn, gia đình sẽ được đoàn tụ. Bác sĩ cũng vui mừng thông báo con trai tôi đã lên được 2 lạng, hiện cháu nặng 1,7 kg sau hơn 3 tuần được điều trị và chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương"- anh Hùng hồ hởi.
Lần đầu tiên chị Nguyễn Thị Liên được ôm con vào lòng
Nhiều tuần qua anh Hùng thường xuyên chạy qua, chạy lại giữa hai bệnh viện cách nhau cả chục km để thăm con và chăm vợ. Cô con gái đầu lòng mới 2,5 tuổi vợ chồng anh đành phải gửi ông bà họ hàng chăm sóc. "Tuy còn nhỏ nhưng khi biết mẹ và em ốm phải nằm viện, bé Đỗ Khánh Vy (chị gái bé Đỗ Bình An) rất hay hỏi han em trai và mong được gặp em, chơi cùng em... " - anh Hùng kể.
Để có cuộc gặp gỡ của hai mẹ con bé Bình An, những ngày qua, nhiều y, bác sĩ của Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nỗ lực hết sức để chị Nguyễn Thị Liên có thể đủ sức khoẻ để sớm được gặp con trai.
"Con thế nào anh?", "Chồng em đâu chị?"… là những dòng chữ nguệch ngoạc mà sản phụ Nguyễn Thị Liên trao đổi với y, bác sĩ trong phòng chăm sóc đặc biệt sau khi tỉnh lại. Những ngày qua, người mẹ trẻ ấy được xem những clip mà các bác sĩ quay bé Đỗ Bình An hằng ngày nhằm tiếp thêm sức lực cho chị Liên để sống, để được gặp con trai ít nhất một lần trong đời.
Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến và Giám đốc Bệnh viện K, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương là những người trực tiếp động viên, đưa chị Liên đến nơi con trai Bình An đang nằm
Trước đó, chị Liên bất ngờ phát hiện vú có u cục khi mang thai được 8 tuần nhưng nghĩ đó là dấu hiệu của viêm tuyến sữa thông thường nên chị chủ quan, không thăm khám. Đến khi xuất hiện ho nhiều, ho cả ngày, cơ thể mệt mỏi, tức ngực nhiều hơn, hạch xuất hiện ở vai, 2 chân phù, đau nhức, chị Liên mới đến Bệnh viện K để khám. Lúc này thai đã được gần 4 tháng. Với vợ chồng chị Liên, ngày 20-3 đó là một ngày định mệnh. Người mẹ trẻ có kết quả khẳng định ung thư vú giai đoạn 4. Khi nghe bác sĩ thông báo, chị Liên suy sụp, đầu óc quay cuồng khi nghĩ đến cô con gái đầu mới được 2 tuổi rưỡi, rồi sinh linh nhỏ bé trong bụng mẹ.
Sau khi nghe bác sĩ sản cùng bác sĩ chuyên khoa ung bướu tư vấn giữ thai cả mẹ và con sẽ gặp nguy hiểm. Không đắn đo suy nghĩ, chị Liên quyết giữ lại thai nhi, khao khát sẽ được đón con chào đời và cố gắng cầm cự để giữ con được "thêm ngày nào hay ngày đó", hy vọng mình sẽ cầm cự đủ lâu để con có thể chào đời. Tháng 3-2019, chị Liên nhập viện điều trị 2 đợt hoá chất khi thai được 22 tuần với sự theo dõi sát sao của các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương và bác sĩ sản khoa. Bệnh nhân được khám thai định kỳ, đánh giá sự phát triển của thai nhi.
Người mẹ trẻ bị ung thư vú giai đoạn cuối trong ca mổ ngồi để bắt con
6 tuần sau hoá trị, chị Liên rơi vào tình trạng khó thở, do khối u di căn phổi, tràn dịch màng phổi tiến triển, nên lập tức được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu, thở ôxy, hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt, tiêm truyền. Cũng từ thời điểm này, tình trạng của chị Liên ngày càng khó thở, xuất hiện nhiều hạch. Sau hơn 2 tháng nằm viện, diễn biến bệnh nhân ngày càng nặng, xuất hiện hạch dày đặc, bệnh nhân mệt mỏi, đau đớn do ung thư đã di căn xương, phổi. Bệnh nhân không thể nằm thở mà phải ngồi 24/24 giờ, mỗi ngày ngủ chập chờn được 2 tiếng.
Mong được ôm con một lần trong đời
Ngày 22-5, khi thai nhi ở tuần thứ 31, nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên các bác sĩ Bệnh viện K đã phối hợp cùng các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Phụ sản Trung ương quyết định mổ bắt thai. Trước giờ mổ, dù giọng thều thào, yếu ớt, đôi khi chỉ có thể gật đầu, chị Liên giọng đứt quãng, chia sẻ mong muốn ca mổ sẽ diễn ra suôn sẻ, con trai được chào đời khoẻ mạnh. Chị sẽ dành sức lực ít ỏi cuối cùng để mong được gặp con. "Em chỉ cần được nhìn con 1 lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mong con một đời bình an". Câu nói của người mẹ sẵn sàng đánh đổi sự sống để sinh con ấy đã chạm vào trái tim của tất cả những y, bác sĩ có mặt tại buồng bệnh chuẩn bị thực hiện ca mổ bắt con cho người mẹ trẻ ấy.
15 giờ 30 chiều 22-5, ca mổ bắt con bắt đầu với sự tham gia của gần 20 bác sĩ, chia thành 2 êkíp gồm kíp mổ đẻ và sơ sinh từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và kíp bác sĩ bác sĩ Bệnh viện K. PGS-TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người trực tiếp thực hiện ca sinh hy hữu này, chia sẻ: "Nhìn sản phụ phải ngồi nghiêng, cúi người để thở, dường như sự sống rất mong manh, có thể "đi" bất cứ lúc nào nhưng vẫn cố gắng gượng sức lực ít ỏi cuối cùng để đón con chào đời. Tình mẫu tử thiêng liêng ấy khiến êkíp phẫu thuật ngày hôm nay không ai giấu được sự thương cảm, xót xa đến nghẹn ngào".
Bé Đỗ Bình An được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngay sau ca mổ
Do thai phụ khó thở, bác sĩ buộc phải để bệnh nhân ngồi nghiêng khi mổ. Theo các bác sĩ, đây là tư thế rất khó để thực hiện sinh mổ, hơn nữa sức khoẻ bệnh nhân rất yếu nên thao tác mổ phải nhanh, chính xác. "Quá trình mổ bắt con cho bệnh nhân Liên cũng không thể gây mê vì bệnh nhân có thể không tỉnh lại được. Do đó, chỉ có thể gây mê tuỷ sống, bệnh nhân gần như tỉnh táo trong suốt ca mổ. Ca mổ diễn ra hết sức căng thẳng, không loại trừ nguy cơ mất cả mẹ lẫn con. Nhưng với sự nỗ lực hết sức của êkíp bác sĩ, 16 giờ 10, bé trai Đỗ Bình An đã chào đời, cất tiếng khóc khiến cả chị Liên và cả êkíp vỡ oà hạnh phúc.
"Thấy tiếng con, sản phụ rớt nước mắt vì hạnh phúc. Giọng yếu ớt, cô chỉ kịp hỏi: "Em bé nặng mấy cân?". Lần đầu tiên sau ca mổ bắt con, khi sản phụ hỏi: "Con em nặng mấy cân?", tôi đã không trả lời được bởi vì ca mổ được thực hiện trong một tình huống đặc biệt, em bé cất tiếng khóc chào đời tại phòng bệnh của Bệnh viện K- nơi đang điều trị cho người mẹ trẻ bị ung thư vú giai đoạn cuối. Ngay sau ca mổ lấy thai, người mẹ bước vào giai đoạn hồi sức đặc biệt vì đã ung thư vú giai đoạn cuối, rất khó tiên lượng. Còn em bé được đưa ngay tới Bệnh viện Phụ sản Trung ương để đưa vào lồng ấp. Lúc này chúng tôi mới cân nặng cho bé và biết cậu bé chào đời với cân nặng 1,5 kg. Dường như cậu bé Đỗ Bình An đã đến với cuộc đời này bằng những hơi thở gần cuối của người mẹ trẻ Nguyễn Thị Liên" - PGS Cường chia sẻ.
Với các bác sĩ thì đây là một ca mổ bắt con nhiều cảm xúc
Sau ca mổ, những bước chân rầm rập của êkip mổ chạy dọc hành lang dài đưa em bé sinh non 31 tuần tuổi lên xe cấp cứu đưa thẳng đến BV Phụ sản Trung ương. Hai ngày sau mổ sức khoẻ người mẹ rơi vào tình trạng vô cùng nguy kịch, bệnh nhân suy hô hấp, kết quả chụp X-quang phổi không khả quan.
Liên tục những cuộc hội chẩn liên khoa, liên bệnh viện để đưa ra các phương án để người mẹ có thể gặp con một lần như mong muốn. Và rồi sự nỗ lực của các y, bác sĩ đã được đền đáp khi người mẹ tỉnh lại và có thể trao đổi với mọi người thông qua những dòng chữ nguệch ngoạc được viết trên tấm bảng.
Sản phụ Nguyễn Thị Liên trong những ngày giành giật sự sống với "thần chết"
Phép mầu cho cuộc hội ngộ
Những ngày sau đó, người mẹ trẻ được tiếp thêm "liều thuốc tinh thần" đó là những hình ảnh và clip mà các bác sĩ ghi lại cuộc sống trong lồng ấp của con trai Đỗ Bình An. Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện K, cho biết ngoài sự hỗ trợ hồi sức bởi các bác sĩ, một trong những động lực để sản phụ Nguyễn Thị Liên có được những tiến triển trong những ngày qua, chính là những clip mà các bác sĩ ghi lại cuộc sống trong lồng ấp của bé Đỗ Bình An. "Quay clip hình ảnh Đỗ Bình An là giải pháp tinh thần tốt nhất để mẹ cháu được xem và cảm nhận cháu hằng ngày, tạo động lực rất lớn cho mẹ cháu nỗ lực điều trị. Đây cũng là một cách cố gắng hồi sức cho mẹ. Mỗi ngày, chúng tôi và bạn Liên đều nỗ lực như thế"- BS Tĩnh nói.
Bé Bình An đã được 1,7 kg sau khi được điều trị, chăm sóc tại bệnh viện
Các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi ổn định, cơ thể cứng cáp hơn
Sau những buổi thăm con trai ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, anh Đỗ Văn Hùng trở về chăm vợ và anh đều mở ảnh của con ở trên báo và thì thầm với vợ: "Con vẫn khỏe, em phải cố gắng lên!". "Ngắm nhìn con trai qua những tấm hình nay qua những đoạn video ngắn cô ấy đã xem đi, xem lại clip và không ngăn được những giọt nước mắt thương con lăn trên gò má. Những lúc ấy tôi chỉ có thể cầu nguyện một phép mầu để cô ấy sớm bình phục, được gặp con và gia đình đoàn tụ. Trong suốt thời gian từ chối điều trị để giữ con nhiều lần vợ động viên tôi, chỉ cần con sinh ra khoẻ mạnh, được nhìn con một lần cô ấy cũng đã mãn nguyện" - anh Hùng nghẹn ngào.
Đó cũng là mong muốn của toàn các y, bác sĩ ở những cơ sở y tế đang nỗ lực chăm sóc sức khoẻ mẹ con chị Liên để hai mẹ con có thể đoàn tụ.
Hơn 3 tuần qua, bé Bình An điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, sức khỏe tiến triển tốt, ăn 8 bữa mỗi ngày với lượng sữa tăng lên. Bác sĩ cho biết các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi ổn định, cơ thể cứng cáp hơn, chờ được mẹ sang thăm.
Người mẹ được gặp con qua những hình ảnh được y, bác sĩ chụp và quay lại
Chuyến xe đưa mẹ Liên đến với con trai
Mẹ Liên dặn dò Bình An trước khi tạm biệt con
Người mẹ trẻ bị ung thư giai đoạn cuối trở về nơi điều trị với niềm hạnh phúc và tiếp tục hy vọng sẽ bình phục để được chăm sóc con trai (Ảnh chụp từ Điều ước thứ 7)
Bình luận (0)