xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trẻ bệnh tự kỷ tăng nhanh

Bài và ảnh: ANH THƯ

Bệnh tự kỷ thường biểu hiện qua các rối loạn về cảm xúc, hành vi..., cần được can thiệp đồng bộ bởi chuyên gia về y tế, giáo dục, tâm lý học, xã hội học

Với sự phát triển của y học, số trẻ tự kỷ được chẩn đoán xác định trên thế giới cũng như tại Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo một khảo sát hồi tháng 3-2014 của Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Hội Tự kỷ Mỹ, tỉ lệ trẻ tự kỷ ở nước này là 1,5%. Tại Việt Nam, theo một thống kê chưa đầy đủ, khoảng 160.000 trẻ mắc bệnh tự kỷ.

 

Các học sinh của Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí trong ngày khai giảng - ảnh Hoàng Triều

Các học sinh của Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí trong ngày khai giảng - ảnh Hoàng Triều

 

Nhiều trẻ tự kỷ được phát hiện chậm

Những thông tin nêu trên đã được bác sĩ (BS) Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, đưa ra tại hội thảo “Hoàn thiện dự án xây dựng cơ sở phòng và can thiệp sớm trẻ rối nhiễu tâm trí - trẻ tự kỷ” do BV này vừa tổ chức. Đây là một dự án thuộc đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020” của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

Theo BS Ánh, những khảo sát tại các BV nhi, phòng khám tâm thần nhi ở Việt Nam cho thấy số trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ đang tăng nhanh. Phát hiện này chủ yếu dựa vào sự phát triển của y học, cho phép việc chẩn đoán chính xác hơn. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra vấn đề số trẻ tự kỷ có nhu cầu được can thiệp trong xã hội là rất lớn.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta hiện có khoảng 5%-7% trẻ em có khuyết tật ở độ tuổi 15 trở xuống. Trong đó, trẻ tự kỷ và bại não chiếm 40%. BV Châm cứu trung ương thống kê hằng năm, khoảng 3.000 lượt trẻ có vấn đề về não và tự kỷ đến điều trị. Trong khi đó, theo ghi nhận của BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), năm 2012 có đến 2.563 lượt trẻ tự kỷ đến khám. Một vấn đề khá đau đầu với các chuyên gia là số trẻ tự kỷ được phát hiện muộn khá cao. Tại BV Nhi trung ương, số trẻ phát hiện muộn là 44%.

Bà Võ Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí, cho biết khá nhiều trẻ được phụ huynh đưa đến trường khi đã 5-6 tuổi. Khi đó, trẻ đã thua sút rất nhiều so với các bạn đồng lứa, thậm chí không nói được, khiến việc can thiệp rất khó khăn.

Ông Hoàng Văn Quyên - chuyên viên âm ngữ trị liệu, kỹ thuật viên trưởng Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng BV Nhi Đồng 1 - phân tích: “Trẻ em bắt đầu có sự phát triển về ngôn ngữ ngay từ trong bụng mẹ và phát triển mạnh nhất ở giai đoạn dưới 4 tuổi. Việc can thiệp càng trễ càng khó giúp trẻ rút ngắn khoảng cách với bạn bè”.

Theo ông Quyên, dù trẻ tự kỷ thường chỉ chẩn đoán xác định được khi khoảng 3 tuổi nhưng thực tế có nhiều dấu hiệu có thể nhận biết sớm. Ví dụ, nếu trẻ 6 tháng tuổi mà vẫn gặp khó khăn trong việc bú, không giao tiếp mắt; đến 1 tuổi mà người khác gọi vẫn không phản ứng hay có hành vi lặp đi lặp lại, không chú ý đến xung quanh, không thể hiện cảm xúc… thì nên đưa đến chuyên gia.

Giáo dục đặc biệt vẫn chưa đủ

BS Đỗ Trọng Ánh cho biết các trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ được mở khá nhiều. Song, các cơ sở này chỉ tập trung ở một số thành phố lớn và chưa có sự đồng bộ trong cách can thiệp, chỉ đáp ứng được một số lượng rất nhỏ nhu cầu của trẻ tự kỷ.

“Nói về tự kỷ, nhiều người nghĩ ngay đến các giáo viên giáo dục đặc biệt, thậm chí là giáo viên mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, can thiệp tự kỷ cần cả một đội ngũ gồm nhiều chuyên viên ở các lĩnh vực khác nhau, như bác sĩ tâm thần nhi, tâm lý lâm sàng, giáo dục đặc biệt, hoạt động trị liệu, âm ngữ trị liệu… cũng như chính cha mẹ bệnh nhi. Sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế - giáo dục - tâm lý học - xã hội học mới đủ để giúp trẻ vượt qua những rào cản do chứng tự kỷ gây ra” - BS Ánh nhấn mạnh.

Theo bà Lê Thị Thanh Xuân - chuyên viên âm ngữ trị liệu, Trưởng Phòng Âm ngữ trị liệu - Điều trị bán trú, thành viên tham gia soạn thảo đề án tại BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM - mấu chốt quan trọng trong quá trình can thiệp sớm là giúp trẻ cải thiện kỹ năng giao tiếp, tương tác, nhất là với các cháu còn quá nhỏ, khó tiếp thu bằng cách “học” nhưng sẽ tiếp thu dễ dàng bằng cách “chơi”. Trong chương trình của các lớp học thuộc dự án, cha mẹ sẽ phải dự cùng con suốt tuần đầu tiên, sau đó có thể giảm dần số tiết tham dự cho đến khi hoàn thiện kỹ năng chơi và tương tác với trẻ tự kỷ.

Các lớp học đầu tiên thuộc dự án của BV dự kiến sẽ khai giảng trong tháng 11 sắp tới với tổng số học sinh là 30, tiếp nhận trẻ tự kỷ ở độ tuổi 1-6. “Cha mẹ là người tiếp xúc với trẻ nhiều nhất, thương yêu trẻ nhất và cũng là người mà trẻ gắn bó nhất nên vai trò của họ cực kỳ quan trọng” - bà Xuân nhìn nhận. 

 

Tự kỷ thuộc dạng tâm thần, do yếu tố di truyền

Theo phân loại bệnh quốc tế ICD-10, tự kỷ ở trẻ em có mã số F84.0, là một dạng của “rối loạn phát triển lan tỏa” thuộc nhóm các bệnh tâm thần. Trẻ tự kỷ thường mắc nhiều rối loạn về cảm xúc, hành vi, khả năng giao tiếp và tương tác hạn hẹp. Đây là một căn bệnh kéo dài và thường do nguyên nhân di truyền. Việc can thiệp sớm nhằm mục đích giúp người tự kỷ có thể hòa nhập, học tập và lao động, bớt phụ thuộc vào gia đình và cộng đồng.

 

Chữa bệnh tự kỷ bằng bông cải xanh

Khảo sát của các nhà khoa học Mỹ tại ĐH Y khoa Johns Hopkins nêu khả năng chất sulforaphane có trong bông cải và bắp cải có thể giúp cải thiện những triệu chứng của bệnh tự kỷ.

Trong khảo sát được công bố trên tạp chí PNAS, các nhà khoa học đã thử nghiệm với 44 thanh thiếu niên từ 13 đến 27 tuổi mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ từ vừa đến nặng. Một nhóm 26 người được cho dùng hằng ngày chất sulforaphane chiết xuất từ mầm bông cải xanh, số còn lại được cho dùng giả dược để đối chiếu. Sau đó 18 tuần, nhóm nghiên cứu nhận thấy đa số bệnh nhân dùng sulforaphane có cải thiện rõ rệt về hành vi giao tiếp và tương tác xã hội so với những người dùng giả dược. Các nhà khoa học nhận thấy triệu chứng tự kỷ bắt đầu được cải thiện ở bệnh nhân ngay từ tuần thứ tư dùng sulforaphane. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng đây mới chỉ là khảo sát nhỏ ở bước đầu, cần có thêm nghiên cứu quy mô rộng và chi tiết hơn.

Sulforaphane thường có trong bông cải trắng, bông cải xanh và bắp cải, vốn được chuyên gia dược lý học Paul Talalay chiết tách lần đầu tiên từ những năm 1990.

Tr.Lâm

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo