Từ lúc cậu con trai biết bò, biết đi, chị Tr.H.M (ngụ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đã thấy con nghịch ngợm hơn bình thường. Đến khi lớn hơn, cậu bé thường xuyên lăn lê, leo trèo, nhảy nhót, gần như không thể ngồi yên một chỗ. "Lúc nào trông cũng như bị "động đất" vì con chạy nhảy, leo trèo, thường xuyên di chuyển như thể "đang lái xe" trên đường" - chị M. phàn nàn.
Phân biệt tăng động và hiếu động
Cho con đi học, chị M. thường xuyên bị cô giáo và phụ huynh của bạn học phàn nàn vì quá nghịch ngợm, hay đánh bạn. Khi có ý định đưa con đi khám thì chị M. lại bị bố mẹ mắng rồi nói át đi là "trẻ con phải hiếu động mới thông minh, làm gì có bệnh tật…". Chị M. cho biết bé chỉ được phát hiện bị tăng động giảm chú ý do một lần con bị ốm phải nằm viện và được bác sĩ khuyên nên cho con khám sức khỏe tâm thần.
Theo bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng Khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi Trung ương, rối loạn tăng động giảm chú ý là một rối loạn bao gồm suy giảm sự tập trung chú ý, hoạt động thái quá và hấp tấp, bốc đồng. Đây là một trong những rối loạn phát triển ở trẻ, xuất hiện trong khoảng từ 3-7 tuổi. Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ mắc tăng động giảm chú ý dao động từ 3,2%-9,3%. Hội chứng này thường gặp ở trẻ em trai hơn trẻ em gái. Trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý bắt đầu phát triển triệu chứng trước khi lên 7 tuổi.
Bác sĩ tư vấn cho người nhà bệnh nhi tại Khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) Ảnh: HẢI YẾN
Bác sĩ Minh cho biết giữa tăng động và hiếu động có cùng biểu hiện nhưng về bản chất hai hiện tượng này hoàn toàn khác nhau. Trẻ hiếu động chứng tỏ khỏe mạnh về thể chất và phát triển các kỹ năng vận động tốt. Còn trẻ tăng động chỉ hành động theo ý thích cá nhân, không quan tâm đến môi trường xung quanh, tiếp thu lệch lạc và có hiện tượng khó diễn đạt về ngôn ngữ.
Các biểu hiện tăng động gồm hay bồn chồn, luôn cử động chân tay, ngồi không yên; thường xuyên chạy nhảy, leo trèo, hoặc rời khỏi nơi cần phải ngồi yên; khó khăn khi chơi hoặc tham gia hoạt động tĩnh; nói quá nhiều; hay chen ngang vào hội thoại hoặc công việc của người khác...
"Ở trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, các biểu hiện trên phải kéo dài trên 6 tháng, xuất hiện trước 12 tuổi, xảy ra cả ở nhà, trường học và nơi công cộng. Rối loạn này cản trở học tập, sinh hoạt, công việc và các mối quan hệ của trẻ" - bác sĩ Minh lưu ý.
Quan sát trẻ để sớm nhận diện bất thường
Mỗi năm, Khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 3.000 lượt trẻ khám rối loạn tăng động giảm chú ý, chiếm gần 20% tổng lượt khám. Rối loạn tăng động giảm chú ý có ba loại: tăng động nổi trội, giảm tập trung chú ý hoặc kết hợp cả tăng động và giảm chú ý.
Tại hội thảo trực tuyến mới đây do Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên, Trưởng Khoa Khám Tâm lý - Tâm thần trẻ em - Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn thần kinh phổ biến. Hầu hết các cá nhân bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ có biểu hiện lâm sàng khá phức tạp. Do đó, rất khó chẩn đoán cũng như lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng Khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết có tới 67% trẻ tăng động giảm chú ý có ít nhất một rối loạn đồng diễn, trong đó có 16% có 2 rối loạn đồng diễn và 18% có từ 3 rối loạn đồng diễn trở lên.
Các bác sĩ cho biết nếu đứa trẻ được chẩn đoán là rối loạn tăng động, giảm chú ý mà không được hỗ trợ tư vấn từ nhà tâm lý, bác sĩ y khoa, bác sĩ tâm thần nói chung thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khỏe, thậm chí tính mạng của đứa trẻ. Ngoài ra, trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý sau này có thể gây những bất thường khác, như: đua xe, lạm dụng chất gây nghiện, thách thức, chống đối hoặc có những hoạt động quá mức gây nguy hiểm đến xã hội.
Theo giới chuyên môn, đến nay nguyên nhân của rối loạn tăng động giảm chú ý chưa được xác định rõ nhưng một số yếu tố có thể tác động là do di truyền, bệnh lý của mẹ khi mang thai, tổn thương não khi sinh, bệnh lý sau sinh, sinh non, sử dụng một số thuốc. Ngoài ra, có thể có yếu tố môi trường sống không ổn định (chật chội, đông đúc, ồn ào), trẻ bị căng thẳng tâm lý trong gia đình; xem tivi, chơi điện tử, dùng internet quá nhiều… Do đó, bác sĩ Minh khuyến cáo bố mẹ nên cố gắng theo dõi, quan sát để có thể phát hiện con mình bị mắc rối loạn này sớm nhất.
"Nếu thấy trẻ có những hành động quá mức so với lứa tuổi khi con ở nhà hoặc ở trường cô giáo có phản ánh lại, cha mẹ cần điều chỉnh môi trường sống và đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được đánh giá và tư vấn kịp thời" - bác sĩ Minh nói.
Đồng hành với trẻ
Theo bác sĩ Thành Ngọc Minh, để giúp trẻ bị tăng động giảm chú ý, cha mẹ cần lập thói quen, thời gian biểu cho việc làm bài tập ở nhà (giờ học, nơi học). Hạn chế những kích thích gây xao nhãng trong giờ học (tiếng ồn, điện thoại, những thứ vụn vặt trong tầm với…). Chia nhỏ nhiệm vụ hoặc bài tập để giúp trẻ dễ thực hiện hơn và đỡ gây bối rối cho trẻ. Giao thời gian cho mỗi nhiệm vụ. Giúp trẻ bắt đầu một nhiệm vụ và giảm dần sự giúp đỡ. Khen ngợi khi trẻ có nỗ lực và hoàn thành bài tập. Trợ giúp trẻ một cách tích cực, không chỉ trích và giúp đỡ trẻ cùng sửa những lỗi sai nếu trẻ mắc phải. Nếu cha mẹ gặp khó khăn trong việc kèm trẻ học, hãy tìm người trợ giúp như: gia sư, nhờ các anh chị lớn…
Bình luận (0)