Chị N.T.T., ngụ ở quận 9 - TPHCM đưa con gái đầu lòng, cháu P.T.H, học lớp 7, đến Bệnh viện (BV) Mắt TPHCM khám mắt. Từ đầu năm học mới đến giờ, H. kêu không nhìn rõ chữ trên bảng. Đi khám mắt, bác sĩ phát hiện 2 mắt cháu bị cận 1,5 độ. Trong lúc chờ lắp kính, chị nói với tôi: “Cứ theo đà này thì nguy hiểm quá! Tôi có 2 đứa con, cả hai đều kêu không nhìn rõ chữ trên bảng. Tuần trước đưa đứa con trai học lớp 4 đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị cận 3,5 độ kèm cả loạn thị!”. Anh T.N.D.L, ngụ ở quận 8 - TPHCM cũng tỏ ra lo lắng khi con gái anh, cháu T.N.T.L, mới học lớp 6 mà đã cận 2 độ. Từ cuối năm lớp 5, L. đã bị cận nhưng lại không nói với ba mẹ. Do phải cố nhìn nên L. thường xuyên nhức đầu, mỏi mắt.
Do yếu tố môi trường và thể chất
Theo báo cáo của bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, phụ trách y tế học đường Sở Giáo dục- Đào tạo TPHCM, năm học 2003-2004 có 9,03% học sinh tiểu học bị tật khúc xạ thì năm 2004-2005 là 13,5%. Tỉ lệ học sinh tiểu học bị tật khúc xạ là 13,5%, THCS là 23,3% và cấp THPT là 24,4%.
Tại BV Mắt TPHCM, số người đến khám tật khúc xạ cũng tăng rõ rệt. Trong 3 tháng (tháng 6, 7 và 8-2004) có 27.378 người đến khám tật khúc xạ thì cũng trong 3 tháng này của năm 2005, số người đến khám tật khúc xạ đã lên tới 44.072 người. Trong số này, có rất nhiều học sinh bị cận thị.
Theo bác sĩ Phí Duy Tiến, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến BV Mắt TPHCM, ngoài yếu tố di truyền, nguyên nhân khiến tật khúc xạ ở học sinh gia tăng còn do yếu tố môi trường và thể chất. Ngày nay, học sinh phải sử dụng mắt quá nhiều (học, đọc sách, xem TV, chơi vi tính...) trong điều kiện thiếu ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, khoảng cách từ mắt đến sách, vở gần... nên dễ gây rối loạn điều tiết. Ngoài ra, trẻ ít vận động, phát triển quá nhanh (béo phì) hoặc suy dinh dưỡng cũng có nguy cơ cao mắc tật khúc xạ.
Nên đi tái khám khúc xạ 6 tháng/lần
Theo bác sĩ Trần Hoài Long, BV Mắt TPHCM, hệ thống thị giác của trẻ chưa phát triển toàn diện, do đó nếu có tật khúc xạ mà không được phát hiện và đeo kính sớm thì hình ảnh võng mạc không rõ nét, ngăn trở quá trình phát triển bình thường của mắt, có thể dẫn tới nhược thị và lé. Có đeo kính nhưng không đúng độ cũng... nguy hiểm, khiến trẻ bị rối loạn điều tiết, mỏi mắt, nhức đầu, nặng hơn có thể gây co quắp điều tiết. Trường hợp bị loạn thị mà chỉ đeo kính cận hoặc viễn sẽ dẫn tới nhược thị trên 1 hoặc 2 mắt.
Bác sĩ Long lưu ý: Trẻ bị tật khúc xạ nặng cần được đeo kính sớm, thường xuyên để thị giác và hoạt động trí não trẻ phát triển bình thường (80% lượng thông tin mà não thu nhận được là thông qua bộ máy thị giác). Những bất đồng khúc xạ lớn (khác biệt giữa 2 mắt) cũng cần đeo kính thường xuyên để tránh nhược thị cho mắt có tật khúc xạ nặng. Trẻ bị loạn thị cũng cần đeo kính thường xuyên để giúp mắt nhìn rõ và đỡ mệt mỏi. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng nên cho trẻ bị tật khúc xạ đi tái khám 6 tháng/lần, vì đây là khoảng thời gian đủ có những thay đổi đáng kể để thay đổi kính.
Chọn loại kính nào? 1. Chọn gọng: Nên chọn loại gọng có càng với bản lề đàn hồi và cầu mũi chắc chắn để tránh biến dạng. Gọng nhẹ ít gây dị ứng da, giá thành không cao, tuy nhiên cần chọn gọng có phần tì mũi phù hợp với sống mũi trẻ vì ở lứa tuổi này sống mũi của trẻ chưa phát triển, dẫn đến gọng bị trễ xuống hoặc đụng vào lông mi gây khó chịu. 2. Chọn tròng: Nên chọn tròng plastic vì loại này nhẹ và có tính chống va đập cao (do đó ít gây nguy hiểm cho trẻ khi ngã, vỡ kính...). Tuy nhiên, tròng plastic dễ trầy mà tật khúc xạ của trẻ em ở lứa tuổi này thường thay đổi, do đó sau mỗi lần tái khám (mỗi 6 tháng) nên thay kính cho trẻ. Đ.N (ghi theo ý kiến của bác sĩ Trần Hoài Long) |
Bình luận (0)