Dĩ nhiên cần phải ăn uống để cung cấp năng lượng và dưỡng chất cho cơ thể nhưng không phải lúc nào cơ thể cũng hoàn thành nghĩa vụ đó một cách tốt nhất. Trạng thái tinh thần cũng ảnh hưởng không ít đến việc ăn uống, nhất là đối với trẻ em. Khi vui trẻ chưa hẳn đã ăn được nhiều và khi buồn việc ăn uống càng trở nên là một cực hình đối với trẻ.
Đừng nghĩ rằng trẻ em còn nhỏ không hiểu biết. Những biến cố trong gia đình có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ, thường gặp là khi mẹ sinh em bé thứ hai hoặc có biểu hiện tình thương cho các con không đồng đều; trẻ không được quan tâm và chiều chuộng như trước, thậm chí bị ép uổng, la mắng, đánh đập, nặng nề hơn là khi ba mẹ bất hòa, ly dị… Những bất ổn tâm lý sẽ làm cho trẻ có sự thay đổi để đáp ứng với môi trường, mà giải pháp đầu tiên trẻ thường lựa chọn là chuyện ăn uống, vì đây là chuyện chúng ta quan tâm hơn cả khi trẻ còn nhỏ.
Trẻ mong muốn kéo dài sự quan tâm của người lớn bằng cách cố tình kéo dài bữa ăn, nôn ói hoặc thậm chí trốn ăn, không chịu ăn… để phản kháng. Lúc này cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các thay đổi bất thường đó bằng cách quan sát các biểu hiện của trẻ nhiều hơn, trò chuyện khơi gợi cho trẻ nói ra hoặc thông qua người khác để lấy thông tin.
Thời gian dành cho trẻ lúc này là tối quan trọng, để giải thích cho trẻ hiểu về thành viên mới của gia đình, người lớn (trong đó có trẻ) có nhiệm vụ thương yêu và chăm sóc em bé xíu ra sao, trẻ đã được hưởng những yêu thương này từ nhỏ đến giờ thì lúc này em bé xíu cũng được thương giống y như trẻ… Luôn nhớ trẻ là một sinh thể độc lập, có ý kiến và chí khí riêng, nếu chúng ta áp đặt sẽ không có tác dụng. Giải thích, lắng nghe trẻ và cùng bàn luận để tìm ra cách làm cho cả hai bên cùng vui vẻ là tối ưu.
Đồng thời với việc giải tỏa tâm lý cho trẻ còn là những động tác thiết thực khác như cùng trẻ lựa chọn những món đồ chơi yêu thích, các món ăn hợp khẩu vị, bữa ăn chung cả nhà vui vẻ… Tạo điều kiện cho trẻ chăm sóc em bé như lấy giúp mẹ cái khăn, bộ quần áo cho em… và những lời động viên khen ngợi “con giúp mẹ chăm sóc em giỏi quá”… sẽ làm trẻ lớn lên trong cả tư tưởng và hành động. Khi ba mẹ không có đủ thời gian, cần tìm thêm bạn bè hàng xóm hoặc người thân để cùng chơi với trẻ, không để trẻ có thời gian rỗi để suy gẫm về nỗi buồn của mình.
Bình luận (0)