Ngày 29-10, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết hội đồng chuyên môn đã đến tỉnh Hải Dương sáng 27-10 để xác minh nguyên nhân bé gái tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem. Dự kiến, đầu tuần tới mới có kết luận vụ việc.
Gần 10 trường hợp tử vong
Theo ông Phu, để đưa ra kết luận nguyên nhân phản ứng sau khi tiêm Quinvaxem, cần dựa trên các bằng chứng khoa học, kết quả điều tra phản ứng sau tiêm và đánh giá của hội đồng tư vấn về tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế.
Trước đó, sáng 25-10, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đưa bé Nguyễn Ngọc Tường Vy (4,5 tháng tuổi) đến trạm y tế xã để tiêm vắc-xin Quinvaxem. Trước khi bé tiêm, kiểm tra sức khỏe sàng lọc thấy sức khỏe bình thường. Sau khi tiêm, cháu Vy ở lại trạm 30 phút để theo dõi nhưng không có biểu hiện bất thường nên được về nhà. Đây là lần thứ hai, bé Vy tiêm vắc-xin Quinvaxem.
Sáng 26-10, Vy bị nôn và đến chiều cùng ngày xuất hiện những vết tím ở mông, được nhân viên y tế kiểm tra, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ. Sáng 27-10, bé Vy tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm trùng nặng.
Theo đại diện Trạm Y tế xã Ngọc Kỳ, cùng với Vy, 16 bé khác cũng được tiêm vắc-xin Quinvaxem và không ghi nhận trường hợp bất thường.
Trước đó, ngày 20-10, bé trai 3 tháng tuổi (ngụ xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) cũng tử vong sau khi tiêm Quinvaxem vài phút. Theo kết luận của hội đồng chuyên môn, bé tử vong do sốc phản vệ, không liên quan đến chất lượng vắc-xin. Theo đại diện Bộ Y tế, đây là một trong số rất ít trường hợp trẻ tử vong có liên quan đến vắc-xin.
Thống kê trong năm 2014 về các tai biến sau tiêm Quinvaxem đã ghi nhận gần 10 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin này. Trong đó, một số trường hợp được xác định có phản ứng quá mẫn và sốc phản vệ với vắc-xin. Các trường hợp khác là do bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên hoặc tử vong không rõ nguyên nhân.
Khó tìm nguồn vắc-xin thay thế
GS-TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho biết Quinvaxem được sử dụng tại 94 nước với hơn 450 triệu liều. Từ tháng 6-2010 đến nay, Việt Nam đã tiêm hơn 25 triệu mũi Quinvaxem. Nhờ đó, tỉ lệ trẻ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà… đã giảm hẳn.
Năm 2014, khi đánh giá về các phản ứng của trẻ sau tiêm Quinvaxem, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tìm ra 9 ca phản ứng liên quan đến vắc-xin. Trong đó, 1 trường hợp phản ứng nặng trên tổng số 14 triệu mũi tiêm và không có ca tử vong. Tỉ lệ này thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất và nằm trong ngưỡng cho phép của WHO.
“Nhiều người nhận xét rằng sao tiêm dịch vụ vắc-xin 5 trong 1 của Pháp, Mỹ thì không có phản ứng. Thực tế, mỗi năm, Việt Nam chỉ có khoảng 100.000-200.000 mũi tiêm vô bào (dịch vụ) được sử dụng. Con số này thấp hơn nhiều so với 5,5 triệu vắc-xin toàn tế bào Quinvaxem” - ông Anh phân tích.
Ông Trần Đắc Phu cho biết dù trước đó, các phương án thay thế cũng đã được đặt ra nhưng khó khăn nhất vẫn là nguồn vắc-xin và kinh phí. Hơn nữa, nhà sản xuất vắc-xin có thành phần vô bào trên thế giới cũng chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu thay thế của Việt Nam.
Bình luận (0)