Học sinh cấp 2 bị ngộ độc thuốc đang được điều trị tại Bệnh viện quận 2, TP HCM
Thói quen chết người
Bé gái bị ngộ độc này là L.T.N.Y (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) được chuyển đến BV trong tình trạng lừ đừ, nôn ói, mệt, mạch nhanh. Trước lúc nhập viện 4 giờ, bé Y. đang chơi đồ chơi, phát hiện 3 vỉ thuốc Paracetamol (mỗi vỉ 10 viên) để trên bàn, tưởng là kẹo nên bé lấy ra ăn liền một mạch hết 30 viên. 2 giờ sau, bé ói ra thuốc, vật vã, mệt. Người nhà phát hiện đưa vào BV địa phương sơ cấp cứu rồi chuyển đến BV Nhi Đồng 1. Bé Y. được rửa dạ dày, cho uống thuốc giải độc, truyền dịch dinh dưỡng. Sau vài ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bé mới được cải thiện. Người nhà cho biết mỗi lần cho bé Y. uống thuốc, người nhà đều nói là… cho ăn kẹo để dụ bé uống. Không ngờ thói quen này khiến họ suýt mất con.
Trước đó chưa lâu, BV Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận bé trai M.T (4 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) bị ngộ độc thuốc động kinh. Bé T. nhập viện trong tình trạng mạch đập chậm, ngất xỉu. Tai nạn xảy ra do cha mẹ bé bất cẩn để thuốc điều trị động kinh của anh trai bé trong tầm tay. Còn tại BV Nhi Đồng 2 (TP HCM), các bác sĩ đang cấp cứu tích cực một bệnh nhi 40 tháng tuổi do ngộ độc thuốc an thần. Bệnh nhi chuyển đến BV với các biểu hiện như nôn ói, quấy khóc nhiều, ngồi không vững. Người nhà cho biết ông của bé có dùng thuốc Carbamazepine. Vài giờ trước khi bé nhập viện, ông phát hiện thuốc của mình mất một viên.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức và Chống độc BV Nhi Đồng 1, cho biết BV thường tiếp nhận cấp cứu những trường hợp nguy kịch do trẻ bắt chước thói quen người lớn, trong đó ngộ độc thuốc là rất nguy hiểm.
Tiềm ẩn khắp nơi
Theo các bác sĩ, trẻ con vốn hiếu động, thường hay tò mò, bắt chước người lớn, nếu cha mẹ không lưu tâm đúng mức cũng như không có biện pháp phòng tránh hữu hiệu thì nguy cơ ngộ độc thuốc của trẻ là rất lớn.
Ngoài chuyện ngộ độc, có nhiều loại tai nạn dễ gặp nhất ở trẻ nếu người lớn không để mắt đến như hóc dị vật, chết đuối, chấn thương do té ngã, phỏng lửa, nước sôi, điện giật... Mỗi năm, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 1.200 ca trẻ bị tai nạn. Còn tại BV Nhi Đồng 2 mỗi tuần có khoảng 6-8 ca nhập viện vì phỏng.
Theo bác sĩ Trương Anh Mậu, Khoa Ngoại BV Nhi Đồng 2, hơn 70% phỏng là do nước sôi, lửa bếp, bàn ủi, điện..., trong đó khoảng 1/3 trẻ phải nhập viện với vết phỏng sâu và nhiễm trùng. Ngoài ra, di chứng sau phỏng gây sẹo co rút, khủng hoảng tâm lý cho trẻ là một vấn đề nan giải cho cả bác sĩ và gia đình. Còn dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất ở lứa tuổi ăn dặm đến khoảng 3 tuổi. Những dị vật thường gặp là hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ, trái sơ ri, măng cụt, hạt hướng dương, đậu phộng, tăm xỉa răng...
Theo các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, tai nạn thường xảy ra ở trẻ nhỏ là do ở tuổi này rất vô ý, nhận thức còn thấp. Trẻ hiếu động, tò mò, thích hành động một mình nên dễ xảy ra những tai nạn đau lòng. Thuốc phải để xa tầm với của trẻ, chứa thuốc trong các lọ có nắp đậy kín. Khi trẻ uống nhầm thuốc hoặc có các biểu hiện bất thường, phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến lưu ý người lớn không nên nói thuốc là kẹo vì dễ gây cho trẻ tưởng là kẹo thật. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại dược phẩm có phối hợp nên cẩn thận đọc kỹ thành phần trước khi dùng để tránh ngộ độc đáng tiếc.
Tỉ lệ tử vong cao Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc cấp là một tình huống cấp cứu khá thường gặp, chiếm 2%-5% tổng số bệnh nhân vào cấp cứu và có xu hướng ngày một tăng. Ngộ độc cấp có tỉ lệ tử vong rất cao, có loại tử vong đến 20%, thậm chí 70%. Thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi (khoảng 80%); tuổi thường gặp từ 1 tuổi rưỡi đến 3 tuổi. 80% ngộ độc trẻ em xảy ra tại nhà. Ngộ độc do thuốc ở trẻ em xảy ra gần như ở bất kỳ nước nào trên thế giới. Ở nước ta, các loại thuốc gây ngộ độc cho trẻ em thường gặp là thuốc kháng Histamine, thuốc ngủ, thuốc nhỏ mũi, thuốc hạ nhiệt, thuốc chống đau nhức, phosphore hữu cơ, dầu hôi, xăng dầu, axít… |
Bình luận (0)