Những thông tin này vừa được công bố trong hội thảo khoa học bàn về việc chủng ngừa Rotavirus cho trẻ do Hội Y học dự phòng Việt Nam phối hợp cùng Công ty GlaxoSmithKline (GSK) tổ chức cuối tháng 5 - 2012 tại Hà Nội và TPHCM.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có đến 530.000 trẻ em tử vong do nhiễm Rotavirus (chiếm tỉ lệ 29% tử vong do tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi), hầu hết xảy ra ở các nước đang phát triển. Tại một số nước châu Á - Thái Bình Dương, tỉ lệ trẻ em nhập viện do tiêu chảy gây ra bởi Rotavirus chiếm tỉ lệ trung bình 45%. Trong đó, tần suất virus Rota tuýp G1 chiếm đa số tại các nước này, đặc biệt ở Việt Nam là cao nhất (47,1%).
Bác sĩ Carlo Giaquinto, Giám đốc bộ phận nhiễm nhi - sơ sinh và nghiên cứu lâm sàng nhi của Đại học Padova (Ý), đã chia sẻ với các đồng nghiệp Việt Nam những thông tin về gánh nặng bệnh tật do Rotavirus gây ra, cùng với đó là sự cần thiết của việc phòng ngừa sớm một cách rộng rãi cho trẻ em trên toàn cầu theo khuyến cáo của WHO.
Theo bác sĩ Carlo Giaquinto, trẻ bị nhiễm Rotavirus ở giai đoạn rất sớm (từ 6 - 24 tháng tuổi, thậm chí có thể gặp từ 3 tháng tuổi), trẻ càng nhỏ tuổi thì nguy cơ càng cao và triệu chứng của bệnh càng nặng. “Rotavirus có tính lây nhiễm rất cao và trẻ có thể nhiễm ở giai đoạn nhỏ nên việc bảo vệ sớm cho trẻ là yếu tố vô cùng quan trọng”- bác sĩ Carlo Giaquinto nhấn mạnh.
Các chuyên gia về dịch tễ khẳng định rằng tỉ lệ mắc bệnh và nhập viện vì tiêu chảy cấp do Rotavirus là giống nhau trên toàn thế giới. Điều này cho thấy nếu chỉ dừng lại ở các biện pháp vệ sinh thông thường như rửa tay đúng cách, cung cấp nước sạch hay cải thiện vệ sinh môi trường thì khó đạt hiệu quả trong phòng ngừa Rotarius.
Chính vì vậy, các chuyên gia về y tế dự phòng của WHO khuyến cáo các bậc cha mẹ cần chủng ngừa cho trẻ nhỏ bằng việc uống vắc-xin ngừa Rotavirus để giúp trẻ phòng tránh chủ động căn bệnh này. Việc này hoàn toàn dễ dàng được thực hiện ở các cơ sở y tế. Vắc-xin chủng Rotavirus sẽ tạo được miễn dịch bắt chước giống như nhiễm tự nhiên và hiệu lực bảo vệ cao, ổn định, kéo dài 3 năm đối với trẻ em châu Á.
Bình luận (0)