Dấu hiệu biểu hiện của bệnh gút là viêm khớp tái phát nhiều lần khiến xảy ra tình trạng dị dạng khớp hoặc nổi nhiều u cục dưới da quanh khớp, sưng đau. Khi tiến triển, bệnh có thể gây nên sỏi thận, suy thận. Tỉ lệ bệnh thường thấy ở nam giới nhiều hơn nữ tới 20 lần và gặp nhiều ở đàn ông trung niên.
Đông y cũng đã nhận ra bệnh gút khá sớm. Các y văn cổ không ghi chứng gút nhưng ghi “thống phong”, là chứng thống tí, lâu ngày khó khỏi. Đông y cũng cho rằng nguyên nhân bệnh thống phong là sự gia tăng acid uric huyết thanh với những biểu hiện đau khớp cấp. Lượng acid uric tăng có thể do cơ thể gia tăng sản xuất acid uric hoặc việc đào thải acid uric ở thận kém. Dấu hiệu của bệnh được thể hiện ở 2 dạng cấp và mãn.
Bệnh cấp tính chuyển thành mãn tính biểu hiện viêm nhiều khớp nhỏ, vừa mạn và đối xứng, tái phát nhiều, thời gian ổn định dần bị rút ngắn, thời gian đau kéo dài. Khớp có thể sưng, nóng, đỏ, đau không rõ và thường có sốt kèm theo, làm dị dạng khớp, co duỗi khó khăn; quanh khớp, dưới da hay vành tai xuất hiện các u cục mềm không đau. Bệnh tiến triển lâu ngày gây thương tổn thận như viêm thận kẽ, sạn tiết niệu, tiểu máu, suy thận cấp hay mãn.
Dựa theo các dấu hiệu bệnh chứng và nguyên do phát bệnh, đông y có phép biện chứng luận trị như đối với thể cấp tính, chủ yếu sử dụng phép thanh nhiệt, thông lạc.
Với thể cấp tính: Có biểu hiện chính là thể phong thấp nhiệt, đột ngột khớp ngón cái hoặc các ngón khác bị sưng nóng, đỏ, đau, không đụng vào được, kèm theo sốt, đau đầu, sợ lạnh hoặc bứt rứt, khát nước, miệng khô, tiểu vàng, lưỡi đỏ, rêu vàng bẩn, mạch sác. Trị liệu cần phải thanh nhiệt, thông lạc, khu phong, trừ thấp, dùng phương “Bạch hổ gia quế chi thang gia giảm” gồm các vị: Thạch cao 40-60 g (sắc trước), tri mẫu 12 g, quế chi 4- 6 g, bạch thược 12 g, xích thược 12 g, dây kim ngân 20-30 g, phòng kỷ 10 g, mộc thông 10 g, hải đồng bì 10 g, cam thảo 5-10 g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, suốt trong thời gian sưng đỏ, nóng sốt.
Trường hợp thấp nhiệt nặng như sưng tấy, đau nhiều thì thêm dây kim ngân 40-50 g, thổ phục linh, ý dĩ (tăng để trừ thấp). Hoặc, thêm thuốc hoạt huyết như toàn đương quy, đản sâm, trạch lan, đào nhân, hồng hoa, tằm sa để hóa ứ chỉ thống. Trường hợp có biểu chứng thì thêm quế chi, độc hoạt, tế tân để giải biểu, tán hàn, chỉ thống.
Với thể mãn tính: Biểu hiện nhiều khớp sưng đau, kéo dài, co duỗi khó; khớp sưng, nóng, đỏ không rõ ràng nhưng đau nhiều, dị dạng, kèm tê dại; da tím, sạm đen, chườm nóng dễ chịu, mạch trầm huyền hoặc khẩn, lưỡi nhợt, rêu trắng, đó là triệu chứng của hàn thấp, ứ trệ. Trị liệu cần khu hàn, thông lạc, trừ thấp, chỉ thống. Dùng chế ô đầu 4-5 g, tế tân 4-5 g (sắc trước), toàn quy 12 g, xích thược 12 g, uy linh tiên 10 g, thổ phục linh 16 g, tì giải 12 g, ý dĩ nhân 20 g, mộc thông 10 g, quế chi 4-6 g, sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần.
Trường hợp sưng đau nhiều, cứng khớp, rêu lưỡi trắng bẩn dày - triệu chứng của đàm trọc ứ trệ - thì thêm chích cương tàm, xuyên sơn giáp, hy thiêm thảo, hải đồng bì để tăng tác dụng hoạt lạc, trừ đàm. Nếu đau nhiều do huyết ứ như dao đâm, mạch sáp, lưỡi tím bầm thì thêm ngô công, toàn yết, sao diên hồ sách để hoạt huyết, chỉ thống.
Trường hợp thận hư biểu hiện liệt dương, đau mỏi lưng gối thì thêm bổ cốt chỉ, nhục thung dung, cốt toái bổ để bổ thận, kiện cốt, định thống. Có triệu chứng khí huyết hư thì thêm hoàng kỳ, đương quy, nhân sâm, bạch truật…
Chứng thấp nhiệt uẩn kết: Biểu hiện khớp sưng đỏ đau nóng, phiền táo, khát, nước tiểu vàng, đỏ, đầu đau, sốt, sợ lạnh, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhạt, mạch nhu, sác. Phép trị là tuyên thanh, lợi thấp nhiệt, thông lạc, chỉ thống. Dùng phương “Niêm thống thang gia giảm” trích trong Bì phu bệnh chẩn liệu học, gồm: đương quy 10 g, bạch truật 10 g, đản sâm 10 g, hoàng cầm 10 g, thương truật 12 g, trư linh 12 g, trạch tả 12 g, phòng kỷ 12 g, long đởm thảo (sao) 6 g, khổ sâm 6 g, tri mẫu 6 g, thăng ma 6 g, ý dĩ nhân (sống) 15 g, xích tiểu đậu 15 g, sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần.
Chứng thống phong cấp thể hàn thấp: Phương này có tác dụng tán hàn, trừ thấp tí, thông lạc, chỉ thống, gồm: quế chi 10 g, xuyên khung 10 g, khương hoạt 12 g, tang chi 12 g, tần giao 12 g, thương truật 12 g, ngưu tất 15 g, đan sâm 15 g, phòng kỷ 15 g, cam thảo 6 g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Kết hợp dùng đại hoàng 30 g, hoa hòe 30 g, tích tuyết thảo 30 g, đem sắc lấy nước để thụt vào đại tràng.
Ngoài ra, bệnh gút còn nhiều thể khác nữa, tùy bệnh mà thầy thuốc gia giảm cho phù hợp.
Đông y đã nhận ra bệnh gút khá sớm. Các y văn cổ không ghi chứng gút nhưng ghi “thống phong”, là chứng thống tí. |
Bình luận (0)