Thực sự tôi nghĩ vấn đề của tôi chưa nặng và chủ yếu xuất phát từ việc tôi hay đội nắng mưa, đi đường trường nhiều vì tôi có sở thích đi phượt.
Tôi có đọc trên mạng nhiều cách dưỡng da chữa nám, bạn bè tôi lại bày thêm mấy công thức dùng cây cỏ, thức ăn để đắp mặt nạ… Thực sự tôi khá hoang mang, không biết dùng cách nào, da tôi lại khá nhạy cảm, không dám dùng lung tung. Tôi mong có được lời khuyên của chuyên gia.
(Nguyễn Thị Bích, 35 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM)
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM:
Nám da thường có nhiều dạng, do nhiều nguyên nhân khác nhau: rối loạn nội tiết, bệnh về gan, do mang thai, do các yếu tố bên ngoài… Trường hợp của bạn, như trong thư, có vẻ là do các yếu tố bên ngoài nên trước tiên hãy cố gắng điều chỉnh sinh hoạt, có biện pháp bảo vệ da khi đi đường trường, du lịch xa.
Nếu quả thật tình trạng của bạn không quá nặng, thì có thể áp dụng một số công thức dưỡng da, chữa nám đơn giản sau đây, vốn phù hợp với tất cả các dạng nám da:
- Lá dâu tằm (hái trong mùa đông): rửa sạch, phơi hoặc sấy khô lá dâu, dùng 50-80 g nấu với 1 lít nước, sắc cạn bớt còn 100 ml, hòa với nước sạch để rửa mặt vào buổi sáng. Đây là liều dùng cho 1 ngày. Bạn cũng có thể nấu một lần 2 kg lá dâu khô với 10 lít nước, sắc còn 1 lít, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần trong nhiều ngày.
- Nước vo gạo (cũng có thể mua cám gạo hòa với nước) hòa cùng bột củ cà rốt (hoặc cà rốt nghiền nhuyễn), thoa lên vết nám mỗi ngày 2 lần, mỗi lần để 20-30 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm.
- Nhân hạt bí đao 16 g, trần bì (vỏ quýt khô) 6 g, hoa đào khô 12 g. Ba thứ rửa sạch, sấy khô, tán nhỏ. Ngâm với ½ lít nước sôi 10-15 phút. Chia 2-3 lần uống trước bữa ăn. Uống liên tục 1-2 tháng.
- Nếu da bạn thuộc loại da nhờn, có thêm công thức gồm nước ép dâu tây và cà chua, bôi lên mặt 20-30 phút mỗi ngày rồi rửa sạch bằng nước sắc của cây ngò tây (còn gọi là ngò gai, ngò tàu).
Tuy nhiên, nếu tình trạng nám da mặt quá nặng, diễn biến xấu mà các phương pháp mang tính dưỡng da như trên chưa đủ để điều trị, bạn nên nghĩ đến việc đến cơ sở y tế thăm khám để được kê toa thuốc. Thuốc chữa nám da đông hay tây y đều có, tùy bạn lựa chọn. Các trường hợp nám da do bệnh lý (nội tiết, gan), bạn cũng cần điều trị bệnh lý đó cho ổn định.
Bình luận (0)