Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Dân số tháng 10-2021, trong đó có các biện pháp điều chỉnh mức sinh.
Theo đó, tại Khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật Dân số nêu ra các biện pháp khuyến khích sinh đủ 2 con tại các tỉnh có mức sinh thấp.
Các biện pháp bao gồm: Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương 1 lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ít nhất tương đương 2 lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay thực hiện theo Nghị định 90/2019. Với mức cao nhất là 4.420.000 đồng/tháng (đối với các địa bàn thuộc vùng I) và thấp nhất là 3.070.000 đồng/tháng (đối với các địa bàn thuộc vùng IV).
Một cặp vợ chồng xúc động đón con đầu lòng tại Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: Anh Thư
Như vậy, khi sinh đủ 2 con, phụ nữ tại các tỉnh vùng I mà có mức sinh thấp có thể được thưởng tiền, cùng đó được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt chính sách khác trong đời sống.
Cặp vợ chồng cam kết sinh đủ 2 con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập.
Hỗ trợ tiền có ý nghĩa khuyến khích về tinh thần
Nói về đề xuất này, nhiều chuyên gia dân số cho rằng điều này là "chưa đủ" để khuyến khích phụ nữ sinh thêm con.
Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em (IPFCS), hiện nay, nước ta đang có sự khác biệt mức sinh giữa các tỉnh, các vùng. Ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung chưa bao giờ đạt được mức sinh thay thế. Nhiều tỉnh còn có mức sinh khá cao, như: Hà Tĩnh, Kom Tum, Lai Châu tới gần 3 con/1 phụ nữ. Đây là thách thức đối với công tác dân số ở nước ta.
Trong khi đó, ngay ở vùng nông thôn của Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long mức sinh giảm sâu, dưới mức thay thế. Theo GS Cử, dù chưa ở mức bao phủ trên phạm vi toàn quốc nhưng xu hướng giảm sâu mức sinh ở những vùng này đã trở thành xu hướng khá lớn, bởi đã có 21 tỉnh với khoảng 39% tổng số dân của cả nước có mức sinh thấp. Vì vậy, nước ta cần phải tính đến các giải pháp khuyến sinh tại những địa phương này để tránh mức sinh tiếp tục tụt sâu, khó có thể nâng lên được.
"Thống kê cho thấy năm 2019, số con trung bình của mỗi phụ nữ tính đến hết tuổi sinh đẻ của vùng Đông Nam Bộ chỉ có 1,56; vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 1,8. Trong đó, TP HCM chỉ còn 1,39; Tây Ninh: 1,53; Bình Dương: 1,54,... Nếu xu hướng này tiếp tục duy trì và lan rộng ra cả nước sẽ gây tác động nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước và hạnh phúc của gia đình"- GS Cử nhận định.
Ông cho rằng tình trạng giảm mức sinh rất sâu ở nhiều nước đã cho thấy nhiều hậu quả kinh tế, xã hội nặng nề. Đây là bài học đáng chú ý đối với các nhà hoạch định chính sách dân số của Việt Nam. Vì vậy, có đề xuất ở những nơi có mức sinh thấp nhà nước nên hỗ trợ tiền cho các cặp vợ chồng khi sinh con.
"Giải pháp này cho thấy sự chia sẻ của nhà nước với các gia đình trẻ về chi phí sinh con. Tuy là giải pháp kinh tế nhưng ý nghĩa kinh tế của nó không đáng kể. Đơn giản là dù cố gắng và quan tâm nhưng hỗ trợ của nhà nước không "thấm vào đâu" so với chi phí nuôi dạy con đến lúc trưởng thành, nhất là các tỉnh/thành phố phát triển, giá sinh hoạt đắt đỏ. Vì thế, "hỗ trợ tiền" lại chỉ có thể mang tính kinh tế tượng trưng và có ý nghĩa khuyến khích về… tinh thần là chính"- ông nói.
Nhiều chính sách nhằm khuyến khích sinh con ở những vùng có mức sinh thấp - Ảnh minh hoạ
GS Cử cho biết thêm giải pháp trợ cấp tiền cho các cặp vợ chồng khi sinh con, trên thế giới cũng rất đa dạng. Có nước trợ cấp một lần, ngay sau khi bà mẹ sinh con; có nước trợ cấp đến 16 tuổi; có nước trợ cấp với các mức khác nhau, tùy thuộc vào số lần sinh;...
Sinh con, nuôi con, dạy con không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác, như: Giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi của cha mẹ; nhà ở, giáo dục, môi trường xã hội,..., Vì vậy, bên cạnh trợ cấp nuôi con, cần cải tiến nhiều chính sách, quy định, như: Thời gian nghỉ đẻ, chế độ làm việc linh hoạt của những bố mẹ có con nhỏ; thời gian đón, trả trẻ mầm non, mẫu giáo linh hoạt, phù hợp với giờ làm việc của cha mẹ; chính sách nhà ở ưu tiên cho cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.
Nếu các bậc cha mẹ nhận thấy môi trường xã hội có nhiều rủi ro cho con trẻ (nghiện hút, cờ bạc, lô đề, tai nạn giao thông,...), người ta cũng không muốn sinh nhiều con để thêm lo lắng con hư hỏng. Ở những địa phương nhập cư lớn, giáo dục trở thành một thách thức đối với các gia đình có con đi học. Hỗ trợ gia đình trong việc nhập học, đưa con đến trường, giảm thiểu gánh nặng đóng góp cũng khuyến khích người dân sinh thêm con..
Khi sinh con, công việc gia đình tăng lên "theo cấp số nhân" mà phụ nữ ngày nay cũng hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội như nam giới. Vì vậy, nếu nam giới không chia sẻ công việc gia đình thì chắc chắn phụ nữ cũng không muốn sinh thêm con.
"Khuyến sinh là hệ thống giải pháp đa dạng chứ không đơn giản chỉ là trợ cấp cho một ít tiền. Tôi không nghĩ chỉ giải pháp này đi đến thành công và trên thế giới cũng chưa nước nào thành công trong trong việc "vực dậy" mức sinh. Vì thế, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp khuyến sinh cũng cần có chiến lược thích ứng với mức sinh thấp, thích ứng với già hóa dân số, thiếu hụt lao động,... mà giải pháp cốt lõi là nâng cao năng suất lao động"- GS Cử nói.
Nuôi một đứa trẻ vô cùng tốn kém...
Cùng quan điểm này, TS Giang Thanh Long, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách công Việt Nam, cho biết các chính sách hỗ trợ tiền để "khuyến sinh" đã được nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc áp dụng trong thời gian qua nhưng không hiệu quả. "Họ không chỉ hỗ trợ 3-4 triệu đồng theo mức lương cơ bản như mình mà hỗ trợ các khoản tiền lớn hàng ngàn đô la cho mỗi đứa trẻ được sinh ra. Bên cạnh đó còn hỗ trợ khi trẻ em đi nhà trẻ, đi học, đi khám bệnh, có chính sách người chồng cùng được nghỉ thai sản khi vợ sinh để hỗ trợ vợ chăm con, đảm bảo việc làm cho phụ nữ sau khi sinh con...
Tuy nhiên, các chính sách này đã thực hiện cả 10 năm vẫn chưa đem lại hiệu quả. Mức sinh ở Nhật, Hàn Quốc vẫn rất thấp. Năm 2020 vừa qua, mức sinh ở Hàn Quốc xuống thấp kỷ lục với tỷ suất sinh là 0,94 trẻ em/1 phụ nữ. Nghĩa là số trẻ em sinh ra còn thấp hơn số phụ nữ ở trong độ tuổi sinh đẻ"- ông Long cho biết.
TS Long phân tích, việc quyết định sinh bao nhiêu đứa con là quyền con người, rất khó can thiệp. Chỉ có các giải pháp khiến các cá nhân thấy thoải mái, thấy muốn sinh con và nuôi dưỡng trẻ thì họ sẽ tự động đẻ.
Theo TS Long, có 2 nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh ở các TP lớn, các vùng kinh tế phát triển ngày càng thấp. Thứ nhất, thời nay, một đứa trẻ sinh ra vô cùng tốn kém, càng những người ở TP lớn, ở nơi kinh tế phát triển thì chi phí cho một đứa trẻ ăn uống, vui chơi, học hành càng tốn kém. Nhiều gia đình, chi phí cho con tiêu tốn đến 60-70% thu nhập của hai vợ chồng. Việc hỗ trợ 1-2 triệu đồng như đề xuất trong Dự thảo Luật Dân số như "muối bỏ biển", chẳng thể nào "bổ khuyết" cho chi phí mà một gia đình phải bỏ ra khi sinh con.
Nhiều gia đình sinh ít con để nuôi dạy được tốt hơn - Ảnh: Internet
Nguyên nhân thứ 2 theo TS Long, hiện nay, quyền sinh con đã thuộc về phụ nữ. Đây là một tiến bộ xã hội khi quyền của phụ nữ được nâng cao. Họ có quyền ăn học, đi làm và có vị thế trong gia đình. Đồng thời, họ cũng hiểu hơn ai hết nỗi vất vả khi sinh đẻ, nuôi dạy một đứa con. Cho dù cuộc sống đã tương đối bình đẳng nhưng ở Việt Nam hiện nay, phụ nữ đi làm mệt mỏi, về nhà nuôi dạy, làm việc nhà vẫn đa phần đè lên vai phụ nữ khiến nhiều chị em thấy... sợ đẻ.
Ngoài ra, TS Long, ngày xưa mọi người đều sống một cuộc sống "cào bằng", ai cũng như ai nên các cá nhân không có yêu cầu cao khi sinh con, luôn có tư tưởng "trời sinh voi trời sinh cỏ". Còn ngày nay, khi cuộc sống ngày càng phát triển, các kỳ vọng của mọi người đối với đứa con cũng càng ngày càng cao lên, nuôi con càng tốn kém hơn.
"Giải pháp bền vững đương nhiên phải là tạo điều kiện về an sinh xã hội tốt, để người dân thấy nuôi dạy một đứa trẻ không còn là gánh nặng kinh tế, cuộc sống thoải mái, tâm lý an ổn thì họ sẽ khắc đẻ thêm"- ông Long khẳng định.
Hiện có 21 tỉnh thành gồm TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kiên Giang... đang có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế (dưới 2 con/bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ). Trong số này, TP HCM có mức sinh thấp nhất cả nước, nhiều năm gần đây dao động từ 1,3-1,53 con/bà mẹ.
Đây là lần đầu tiên chính sách dân số của Việt Nam đề xuất thực hiện thưởng tiền khi tỉ lệ sinh giảm tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt tại khu vực phía Nam và sau nhiều năm thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, hiện bắt đầu phải đối mặt với nguy cơ dân số già.
Bình luận (0)