Anh Trần Văn Đức (Yên Dũng - Bắc Giang) đã lỡ dịp sang lao động ở Malayxia chỉ vì anh ăn món ba ba trong bữa liên hoan chia tay. Theo lịch của công ty xuất khẩu lao động thì anh Đức sẽ phải có mặt ở Hà Nội vào lúc 14 giờ chiều, sau đó sẽ bay sang Malayxia. Để chuẩn bị bữa cơm chia tay con cho thật hoành tráng, trước hôm liên hoan, mẹ anh Đức đã mua ba ba.
Sáng hôm sau, 2 trong 4 con ba ba mua về khi làm thịt đã không thể cắt tiết vì đã chết. Tiếc của, lại nghĩ ba ba mới chết, gia đình vẫn quyết làm thịt để om chuối đậu. Món ăn này đã được thực khách hưởng ứng nhiệt tình vì ngon và lạ miệng. Nhưng chỉ hơn 1 giờ đồng hồ sau khi kết thúc bữa tiệc, một số người đã có biểu hiện đau bụng, đi ngoài.
Anh Đức là người bị ngộ độc nặng nhất, người mệt mỏi, mặt đỏ bừng, chân tay co quắp, đổ mồ hôi và mẩn ngứa nhiều chỗ trên cơ thể. Đến giờ phải khởi hành, nhưng nhân vật chính vẫn nằm co ro trên chiếu, hơi thở mệt nhọc. Bố mẹ anh thay vì đưa con ra sân bay đành đưa con vào bệnh viện. Tại đây, Đức được chẩn đoán bị trúng chất độc Histamine.
Đây là một loại độc tố được sản sinh trong cơ thể ba ba trong quá trình ba ba chết trước khi được đưa ra làm thịt. Chất độc này có đặc điểm chịu được nhiệt, thậm chí khi thức ăn đã nấu chín. Vì vậy rất dễ gây ngộ độc. Đặc biệt là sẽ có phản ứng trúng độc ngay lập tức đối với những người cơ thể đang yếu.
Chị Nguyễn Thuý Hà (Hà Đông - Hà Tây) cũng bị ngộ độc do ăn món ba ba trong ngày sinh nhật lần thứ 30 của mình. Theo lời kể của chị Hà, thông thường khi đi cùng chồng, bao giờ chồng chị cũng yêu cầu mang ba ba lên tận bàn ăn và cắt tiết tại đó để hòa với rượu uống.
Tuy nhiên, vì hôm đó chỉ toàn phụ nữ nên không ai uống rượu tiết, vì vậy chị đã dễ tính xua tay bảo nhân viên xuống bếp làm thịt luôn khi cậu này lệ mệ đặt ba ba lên bàn định cắt tiết. Trở về nhà sau buổi sinh nhật, chị Hà đã phải nhập viện vì buồn nôn, tiêu chảy, mẩn ngứa và miệng nóng ran như bị kiến lửa đốt.
Chị Hà nhận định rất có thể nhân viên nhà hàng đã chế biến món ba ba rang muối cho chị từ thịt ba ba chết hoặc ươn vì chị đã không yêu cầu nhân viên cắt tiết ba ba trước mặt mình.
Không nên ăn ba ba dưới 500g
Triệu chứng trúng độc ba ba Thời kỳ ủ bệnh từ 2-20 giờ. Người ngộ độc thấy đau bụng dữ dội, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày. Mặt đỏ bừng, đau đầu, nổi mẩn ngứa toàn thân, thân nhiệt có thể hơi sốt, người mỏi mệt, chân tay co quắp đổ mồ hôi. Cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức để giải độc, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. |
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Nếu ba ba đã chết hoặc ươn thì tuyệt đối không được ăn vì rất dễ bị trúng độc. Nguyên nhân là loài vật này rất thích ăn những thực phẩm hoặc thi thể động vật đã bị thối rữa.
Vì vậy trong ruột ba ba thường có các vi khuẩn có hại và mầm bệnh. Bình thường, khi ba ba còn sống thì những độc tố trong ruột ba ba sẽ được đào thải bớt ra ngoài, nhưng nếu con vật này chết đi thì những vi khuẩn có hại vẫn tồn tại và sinh sôi hàng loạt trong ruột. Nếu ăn phải ba ba chết sẽ rất dễ bị lây truyền những mầm bệnh độc tố này.
Trong thịt ba ba có rất nhiều chất đạm, các acid amin. Khi ba ba chết, những chất này nhanh chóng phân giải thành các nhóm amin và những chất thuộc nhóm amin. Thời gian ba ba chết càng dài thì số lượng các nhóm này càng nhiều nên dễ dàng gây trúng độc cho người sử dụng.
Xét về góc độ dinh dưỡng, một người cũng không nên ăn quá nhiều ba ba trong một bữa ăn vì hàm lượng
protein trong thịt ba ba rất phong phú, nên rất khó tiêu. Ngoài ra, tuyệt đối không được ăn thịt ba ba nhỏ vì không những không bổ dưỡng mà còn có độc. Tốt nhất là ăn ba ba đã trưởng thành. Cách phân biệt dễ dàng nhất để phát hiện ba ba trưởng thành là dựa vào trọng lượng của con vật này. Thông thường, thể trọng trung bình của một ba ba trưởng thành nặng khoảng 500g, đầu tròn nhọn, đuôi ngắn nhỏ, có hình tam giác. Ba ba có chất lượng nhất là khoảng 8 - 9 tháng tuổi.
Bình luận (0)