Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đang là "Chỉ huy trưởng" Bộ phận thường trực đặc biệt, đóng tại tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 2 điểm nóng của dịch Covid-19 là Bắc Ninh và Bắc Giang. Chia sẻ về công tác phòng chống dịch tại Bắc Giang, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết biến chủng từ Ấn Độ gây ra đợt dịch lần này lây lan nhanh và độc lực mạnh hơn.
- Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, ông nhận định như thế nào về tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang đến thời điểm này?
+ Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Bắc Giang đã trải qua 2 tuần có dịch Covid-19. Thời gian đầu, dịch lây lan rất mạnh, nhanh. Đặc biệt dịch xảy ra trong các khu công nghiệp, ở đó khoảng cách của công nhân rất gần nhau nên dịch lây lan càng mạnh.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của chính quyền, người dân trong tỉnh, cùng sự hỗ trợ của các bộ ban ngành, Bắc Giang đã chống dịch với các biện pháp mạnh mẽ nhất. Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt, đóng tại tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Đến nay, Bắc Giang, Bắc Ninh tiếp tục ghi nhận các ca Covid-19 mới. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp Covid-19 mới thời gian gần đây chủ yếu nằm trong các khu cách ly tập trung cũng như nằm trong vùng phong tỏa, giãn cách xã hội. Chúng tôi đánh giá hiện giờ Bắc Giang đã bước đầu kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, không để dịch lan rộng trong cộng đồng.
Tuy nhiên, chúng ta biết biến chủng SARS-CoV-2 từ Ấn Độ gây ra dịch Covid-19 lần này lây lan rất nhanh. Ngoài ra, độc lực của biến thể này có nhiều ca nặng hơn so với biến chủng trước đây. Do đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục các biện pháp thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Đó là chúng ta chủ động tấn công, thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dân vừa phát triển kinh tế.
- Các biện pháp "chủ động tấn công" tại Bắc Giang hiện giờ là gì thưa ông?
+ Biện pháp chủ động chống dịch hiện giờ là chúng ta tiếp tục khoanh vùng, cách ly các điểm dịch mới và tăng cường năng lực xét nghiệm cho Bắc Giang.
Trong thời gian vừa qua, Bắc Giang cũng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các địa phương để nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19 như Quảng Ninh, Thái Nguyên, BV Bạch Mai, Hải Dương, Viện Quân y 103, Viện Vệ sinh dịch tễ, BV ĐH Y Hà Nội...
Chúng ta đã tăng cường năng lực xét nghiệm của Bắc Giang lên mức rất cao. Các mẫu xét nghiệm, chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị phải trả kết quả trong 24 giờ để chúng ta có thể truy vết và phát hiện sớm các ca mắc mới.
Tôi hy vọng với công tác truy vết thần tốc như hiện giờ, cùng với năng lực xét nghiệm được nâng cao, tỉnh Bắc Giang sẽ sớm khống chế được dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói về công tác chống dịch Covid-19 ở Bắc Giang - Clip: Thảo Nguyên
- Số ca mắc tăng cao, hàng chục ngàn người phải cách ly tập trung, vậy công tác cách ly của Bắc Giang có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Hiện giờ Bắc Giang có khoảng 71.000 người nằm trong vùng giãn cách xã hội và 13.000 người ở các khu cách ly tập trung. Đây là con số rất lớn và là gánh nặng khó khăn đối với tỉnh Bắc Giang.
Chúng ta biết, thời tiết hiện nay rất nắng nóng mà các khu cách ly tập trung cần đảm bảo các tiêu chí đảm bảo an toàn (đảm bảo giãn cách, giám sát bằng camera để người cách ly không ra khỏi phòng, lo ăn ngủ cho hàng ngàn người...) không dễ dàng.
Thứ trưởng Nguyễn Trưởng Sơn kiểm tra đơn vị điều trị tích cực (ICU) mới được Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ thiết lập tại Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Giang - Ảnh: Hoàng Dương
Hiện giờ chúng tôi đánh giá việc cách ly tập trung tại Bắc Giang được thực hiện khá ổn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, trước tình hình dịch phức tạp, số ca mắc sẽ còn tăng, F1 cũng tăng, chúng tôi đã đề xuất với Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục chuẩn bị các khu cách ly mới để khi có thêm F1 sẽ kịp thời cách ly một cách chủ động.
- Ở Bắc Giang đã xuất hiện một số ổ dịch ngoài cộng đồng. Vậy tỉnh cần lưu ý điều gì để dịch không lây lan mạnh ra cộng đồng?
+ Đối với Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ Y tế đã có những khuyến cáo và chỉ đạo hết sức cụ thể về việc ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng.
Các khu dân cư cần thành lập các tổ Covid-19 cộng đồng và hoạt động tích cực, đi từng ngõ, gõ từng nhà để nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch. Nếu phát hiện các trường hợp ho, sốt sớm báo cho đơn vị y tế.
Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm cũng cần đẩy mạnh. Đó là xét nghiệm các cộng đồng có nguy cơ cao, nơi tụ tập đông người như bến xe, chợ, siêu thị một cách ngẫu nhiên để chúng ta rà soát lại, phát hiện sớm để kịp thời khoanh vùng, cách ly.
Bình luận (0)