xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tư vấn trực tuyến: “Cảnh giác cao với COVID-19, vui lễ an toàn”

Ban Khoa giáo, ảnh: HOÀNG TRIỀU

(NLĐO) - Buổi tư vấn với chủ đề “Cảnh giác cao với COVID-19, vui lễ an toàn” sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến biến chủng mới; cách phòng ngừa bệnh khi vui chơi, giải trí dịp lễ; tiêm ngừa vắc-xin…

Để nâng cao cảnh giác của người dân đối với COVID-19 khi dịp nghỉ lễ dài ngày 30-4 và 1-5 đang đến gần, Báo Người Lao Động tổ chức buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Cảnh giác cao với COVID-19, vui lễ an toàn".

Tư vấn trực tuyến: “Cảnh giác cao với COVID-19, vui lễ an toàn” - Ảnh 1.

Tham gia buổi tư vấn là các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về bệnh truyền nhiễm gồm:

- TS. BS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương);

- Ths. BS Nguyễn Công Khanh, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương);

- BS CK2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP HCM;

- Ths. BS Nguyễn Đình Qui, Quyền Trưởng Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 TP HCM;

- BS Lê Thị Trúc Phương, BS Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC;

- Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Thành viên HĐQT, Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty du lịch Vietravel

Bạn đọc quan tâm những thông tin liên quan đến biến chủng mới của COVID-19; cách phòng ngừa bệnh khi vui chơi, giải trí dịp lễ; tiêm ngừa vắc-xin… mời đặt câu hỏi ở form đặt câu hỏi phía dưới.

Đơn vị đồng hành:

Tư vấn trực tuyến: “Cảnh giác cao với COVID-19, vui lễ an toàn” - Ảnh 2.

6. Chị Phạm Ngọc Anh (28 tuổi, ngụ Đồng Nai)

  09:14 ngày 25/04/2023

Tôi mới sinh con được 2 tháng, con tôi đi khám được chẩn đoán mắc COVID-19. Bé đã vào bệnh viện khám vì khó thở. Tuy nhiên, sau khi hút đàm nhớt bé được bác sĩ cho xuất viện về nhà theo dõi. Xin bác sĩ cho biết đối với trẻ nhỏ mắc COVID-19 cần lưu ý gì? Khi nào tôi nên cho con nhập viện để tái khám?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Có thể giai đoạn khó thở ban đầu là do bị tắc đàm nên sau khi hút đàm thì bé sẽ dễ thở hơn, nếu không có các dấu hiệu cần nhập viện thì bác sĩ sẽ cho về nhà để tiếp tục theo dõi.

Các dấu hiệu cần phải theo dõi bao gồm: Sốt cao liên tục; thở nhanh, thở mệt; nôn ói dữ dội, bỏ bú. Khi có các dấu hiệu này thì bạn cần cho trẻ nhập viện ngay.

Các trường hợp như con bạn thông thường sau khi cho về bác sĩ sẽ hẹn tái khám 1-2 ngày sau, bạn cần đưa bé đi tái khám theo lịch hẹn.

Anh Trần Ngọc Hải (40 tuổi, ngụ Bình Thuận)

  09:15 ngày 25/04/2023

Cha mẹ tôi gần 60 tuổi đã bị nhiễm COVID-19 và tiêm đủ 3 mũi vắc-xin COVID-19. Xin bác sĩ cho biết có nên tiếp tục tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 4 như khuyến cáo?

BS Lê Thị Trúc Phương

Chào bạn, cha mẹ của bạn hoàn toàn có thể tiêm vắc-xin mũi 4 theo khuyến cáo.

Nguyễn Diệu Hoàng

  09:15 ngày 25/04/2023

Vợ tôi chuẩn bị sinh con vào tuần tới, xin cho hỏi các biến chủng COVID-19 mới có nguy hiểm cho trẻ sơ sinh không?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Thật ra về trẻ sơ sinh, COVID-19 không gây ra nhiều nguy hiểm mà chủ yếu liên quan đến vợ anh. Nếu vợ anh bị COVID-19 thì vẫn có các nguy cơ như viêm phổi do COVID-19, hoặc các vấn đề khác liên quan đến đường hô hấp. Vì vậy trong cuộc sinh, sẽ có những yếu tố nguy hiểm cho bản thân vợ anh. Còn trẻ sơ sinh bị COVID-19 do lây từ mẹ thì đa phần đều nhẹ, tự lướt qua.

Vì vậy, giai đoạn này thì vợ anh cần chú ý khẩu trang, vệ sinh tay, khi đi khám bệnh thì hạn chế tiếp xúc nhiều ở các khu vực đông người. Nếu bị COVID-19 trong giai đoạn này thì anh chị cũng cần hết sức bình tĩnh vì hiện chúng ta đã có những biện pháp để hỗ trợ điều trị căn bệnh này. Trong quá trình sản phụ có mắc COVID-19 sinh nở, sẽ có nhiều chuyên khoa cùng hội chẩn, hỗ trợ.

Hùng văn

  09:15 ngày 25/04/2023

Thưa bác sĩ, sau khi tiêm vắc xin bao lâu thì có thể mang thai? Sau khi tiêm vắc xin chưa được 1 tháng lỡ có thai thì có ảnh hưởng gì không?

BS Lê Thị Trúc Phương

Cảm ơn câu hỏi của bạn, do bạn không đề cập đến việc tiêm vắc- xin gì nên bác sĩ sẽ tư vấn như sau:

Hiện nay các vắc-xin ngừa bệnh lý đường hô hấp như cúm, phế cầu, ho gà, COVID-19 là những vắc- xin bất hoạt, do đó không cần khoảng cách giữa việc tiêm vắc-xin và mang thai. Trong trường hợp tiêm các vắc- xin ngừa các bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp như vắc-xin ngừa thủy đậu, sởi - quai bị -rubela là những vắc-xin sống cần có khoảng cách giữa việc tiệm vắc-xin và mang thai. Trong trường hợp này, thời gian khuyến cáo theo hướng dẫn của bác sĩ

Đối với những vắc -xin sống vừa đề cập phía trên, nếu lỡ mang thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm thì việc theo dõi sát thai kì là cần thiết. Do đó, bạn nên tuân thủ theo các quy định về khoảng cách của tiêm vắc- xin và ngừa thai.

Xuân Thắng

  09:22 ngày 25/04/2023

Sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 bao lâu thì có thể uống thuốc ngừa thai? Khoảng cách giữa vắc-xin COVID-19 và các loại vắc-xin khác như thế nào ?

BS Lê Thị Trúc Phương

Không cần khoảng cách việc tiêm vắc-xin COVID-19 và uống thuốc ngừa thai vì không ảnh hưởng đến tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin

Các vắc-xin COVID-19 có thể tiêm đồng thời với các vắc-xin khác. Ví dụ: Có thể tiêm đồng thời vắc-xin COVID-19 với vắc-xin ngừa cúm, ngừa phế cầu để chủ động phòng tránh các bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp.

Anh Lê Thanh Hiền (45 tuổi, ngụ Khánh Hòa)

  09:24 ngày 25/04/2023

Tôi bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật và hiện uống thuốc, sức khỏe ổn định. Tôi cũng tiêm 3 mũi vắc-xin COVID-19 cách đây khoảng 1 năm. Đối với người bệnh ung thư như tôi nguy cơ mắc các biến thể mới như thế nào?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc biến thể mới như nhau. Đặc biệt, một số người có bệnh lý nền như ung thư khi mắc bệnh thì diễn tiến bệnh có thể nặng hơn. Do đó, luôn luôn tuân thủ nguyên tắc 2K (khẩu trang, khử khuẩn). Bạn nên chích vắc-xin mũi 4 vì mũi 3 đã cách đây hơn 1 năm. Do sau 6 tháng, lượng kháng thể SAR-CoV-2 trong cơ thể bắt đầu giảm dần.

Lê Văn Cường

  09:24 ngày 25/04/2023

Các biến thể của virus SARS-CoV-2 mà TP HCM và Hà Nội vừa phát hiện mới đây có đáng lo ngại không? Biểu hiện mắc bệnh của biến thế mới có gì khác so với các chủng trước đây?

TS - BS Ngũ Duy Nghĩa

Các biến thể của SARS-CoV-2 mà TP HCM và Hà Nội mới phát hiện đều là các biến thể phụ của chủng Omicron. Những biến thể phụ này đã được phát hiện trước đây và lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Đến nay WHO đều đưa các biến thể phụ này vào nhóm đáng theo dõi và quan tâm.

Những biến thể phụ này cũng không có gì mới lạ. Hiện nay chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm năng mức độ nặng của bệnh.

Ngọc Anh

  09:28 ngày 25/04/2023

Với kỳ nghỉ lễ 30-4 năm nay kéo dài 5 ngày, nhu cầu đi du lịch, vui chơi của du khách và người dân là rất lớn. Tình hình đặt tour và các dịch vụ du lịch của du khách tại Vietravel tới thời điểm này ra sao?

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 15.000 lượt khách đến Vietravel đặt tour du lịch dịp Lễ 30/4 - 1/5. Trong đó, lượng khách du lịch nội địa chiếm hơn 47%, còn du lịch nước ngoài chiếm gần 53%. Hiện Vietravel đã đạt khoảng 71% kế hoạch kinh doanh dịp Lễ 30/4 năm nay.

Về tour du lịch nội địa, du khách hiện đang quan tâm chủ yếu đến các tour du lịch biển như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Chữ… Các tour này đang có giá hấp dẫn chỉ từ 3.790.000đ, các chương dự kiến của Vietravel khoảng 730.000 lượt. 

Dịp Lễ 30/4 cũng là thời điểm Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Đắk Nông thu hút những khách hàng là giới trẻ đến đăng ký các tour và combo dịch vụ (xe/vé máy bay & khách sạn) với giá tốt từ 2.790.000 đồng. Các chương trình tour du lịch Tây Nguyên đã được Vietravel chủ động làm việc với các đối tác để gia tăng thêm các điểm tham quan và trải nghiệm đa dạng, giúp các khách hàng trẻ thỏa sức lựa chọn.

Các tour miền Tây Nam Bộ cũng được các nhóm gia đình dành nhiều sự quan tâm do có giá tốt chỉ từ 399.000 đồng, đa dạng hành trình tour từ 1 ngày đến 4 ngày để các nhóm khách hàng gia đình dễ dàng lựa chọn.

Về tour du lịch nước ngoài, theo cập nhật của Vietravel, hiện du khách đang đặt nhiều sự quan tâm đến các tour du lịch Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Dubai... với hành trình tour mới, thêm nhiều điểm tham quan, vui chơi giải trí và trải nghiệm nhưng vẫn giữ nguyên mức giá so với trước dịch chỉ từ 4.990.000 đồng.

 

Bùi Thanh

  09:29 ngày 25/04/2023

Ba biến chủng mới của Omicron xuất hiện tại TP HCM có nguy hiểm không? Tôi đã nhiễm COVID-19 biến chủng Omicron thì có thể nhiễm lại không?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Biến chủng mới của Omicron cũng như các đợt biến chủng đã xuất hiện, nguy cơ lây nhiễm khá cao. Tuy nhiên, do hầu hết mọi người đã có miễn dịch cộng đồng nên khi bị nhiễm bệnh cũng diễn tiến nhẹ và tự khỏi; trừ một số trường hợp đặc biệt như người lớn tuổi, bệnh lý nền, cơ địa đặc biệt bệnh dễ tiến nặng. Dù bị nhiễm trước đó nhưng vẫn có nguy cơ tái nhiễm trở lại. Do đó, bạn nên tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh 2K (khử khuẩn, khẩu trang) + vắc-xin mũi 3, 4.

Tấn Anh

  09:29 ngày 25/04/2023

Liệu cơ thể của trẻ nhỏ và cả người lớn có tiếp nhận được tất cả các loại vắc-xin?

BS Lê Thị Trúc Phương

Về nguyên tắc, hệ miễn dịch của cơ thể người có thể đáp ứng được với hơn 100 tỉ kháng nguyên. Việc đáp ứng miễn dịch cho tất cả các loại vắc-xin chiếm khoảng 0,1% hệ miễn dịch. Chúng ta hoàn toàn yên tâm về việc tiêm vắc-xin và hiệu quả bảo vệ mà không sợ cơ thể gặp tình trạng "quá tải miễn dịch".

Vì vậy, chúng ta nên chủ động tiêm đầy đủ các vắc-xin để phòng bệnh.

Nguyễn Hà

  09:29 ngày 25/04/2023

Thưa bác sĩ, các chủng XBB mới được phát hiện có nguy hiểm cho trẻ em không? Tôi nghe trường học bắt đeo khẩu trang nên lo lắng quá. Tôi nên làm gì để các cháu (6 và 10 tuổi) được an toàn hơn, cũng như theo dõi sức khỏe của các cháu như thế nào?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Các chủng mới này thường sẽ lây lan nhanh nhưng đến thời điểm hiện tại, các quan sát cho thấy mức độ nghiêm trọng đối với trẻ em là không nhiều, chủ yếu các triệu chứng trẻ gặp giống như cảm cúm (sốt nhẹ, ho, sổ mũi...). Các dấu hiệu như mất vị giác - khứu giác thì không thấy nhiều. Các trường hợp trẻ bị COVID-19 đa phần đều không phải nhập viện, trẻ sẽ khỏe lại sau 5-7 ngày.

Với tuổi của hai cháu, bạn nên rà soát lại xem đã chích ngừa COVID-19 chưa, nếu chưa thì nên chích cho bé; bên cạnh đó, việc đeo khẩu trang, vệ sinh tay phải luôn được tuân thủ.

Ngọc Hà

  09:29 ngày 25/04/2023

Tôi từng mắc COVID-19 thời chủng Delta với rất nhiều triệu chứng điển hình như đau nhức, sốt cao, khó thở, mất vị giác 1 tháng. Sau đó tôi mới được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên. Lần tiêm này thuốc "vật" tôi tơi tả, không khác gì mắc COVID-19 thật sự. Vậy mà chỉ không lâu sau tôi lại mắc COVID-19 1 một lần nữa, chủng Omiron và triệu chứng cũng vật vã khủng khiếp. Sau đó tôi tiếp tục tiêm vắc-xin mũi 2 và cũng bị vật y như lần đầu. Tôi có cảm giác vắc-xin không bảo vệ được tôi khỏi mắc bệnh cũng như triệu chứng nhẹ hơn mà còn gây "nhiễm bệnh chủ động" rất khó chịu. Vậy tôi có nên tiếp tục tiêm mũi 3 trong bối cảnh dịch đang bùng trở lại?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Mỗi người có cơ địa khác nhau, do đó, khi mắc bệnh hoặc tiêm vắc-xin đều có các biểu hiện khác nhau. Chúng ta biết rằng các vắc-xin hiệu quả khoảng 80-90% nên bắt buộc tiêm nhắc lại các mũi kế tiếp để phòng bệnh COVID-19 hiệu quả hơn.

Đối với cơ địa bạn khi mắc diễn tiến nặng, bệnh có nhiều triệu chứng khi bị nhiễm thì nguy cơ diễn tiến nặng có thể xảy ra. Do đó, khuyên bạn nên tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin mũi 3, 4.

Phương Anh

  09:30 ngày 25/04/2023

Thưa bác sĩ, trẻ nhỏ cần tiêm bao nhiêu loại vắc xin là đủ ạ?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Trong 9 tháng đầu đời, trẻ cần phải tiêm các loại vắc-xin:

- Sau sinh sẽ là tiêm ngừa lao và viêm gan siêu vi B.

- Lúc 2 - 3 - 4 tháng cần chích ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt (là các loại vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1). Sau mũi đầu tiên trẻ cần tiêm nhắc theo lịch.

- Lúc 9 tháng là chích ngừa sởi (tiêm nhắc lúc trẻ bắt đầu đi học - khoảng 6 tuổi).

Ngoài ra còn có các mũi tiêm dịch vụ như phế cầu, viêm não Nhật Bản, thủy đậu, quai bị - rubella, não mô cầu... Đây là những vắc-xin quan trọng mà phụ huynh có thể cân nhắc tiêm cho trẻ.

Lưu ý là từ 5 tuổi thì trẻ có thể tiêm ngừa được COVID-19.

Hoàng Nam

  09:32 ngày 25/04/2023

Mua tour trọn gói hoặc mua dịch vụ du lịch tự chọn thời điểm này cần lưu ý gì liên quan đến quy định phòng COVID-19 không?

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh

Vietravel luôn chủ động thích ứng nhanh với tình hình dịch COVID-19 nhằm phục vụ khách hàng một cách hiệu quả và an toàn.

Theo đó, kể cả khi dịch COVID-19 ở tình trạng không báo động, Vietravel luôn chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách như sau:

Khử khuẩn định kỳ (thường xuyên) cơ sở vật chất tại trụ sở và toàn bộ các văn phòng trên toàn quốc, cũng như trên các phương tiện vận chuyển trước và sau khi chuyên chở du khách, kết thúc hành trình tour với các dung dịch sát khuẩn theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế;

Cung cấp khẩu trang y tế và nước rửa tay khô cho du khách trong tour;

Đảm bảo giữ chất lượng phục vụ khách du lịch trong dịp cao điểm;

Chủ động phối hợp với các đối tác cung ứng dịch vụ (vận chuyển , nhà hàng, khách sạn và điểm tham quan...) nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y Tế;

Bảo hiểm du lịch miễn phí.

 

Binh Thanh

  09:32 ngày 25/04/2023

Tôi ra đường thấy rất nhiều người không mang khẩu trang vì cho rằng nhiễm bệnh thì cũng mau hết vì nó nhẹ? Vậy cho tôi hỏi bây giờ mang khẩu trang và rửa tay còn là biện pháp hữu hiệu không? Nên mang khẩu trang ở những nơi nào? Ngoài đeo khẩu trang và rửa tay, cần biện pháp gì để không bị lây nhiễm COVID-19?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Tới thời điểm hiện tại, biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh vẫn là nguyên tắc 2K + vắc-xin. Do đó, tất cả mọi người nên đeo khẩu trang khi ra đường cũng như đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

Ngoài biện pháp 2K, bạn nên tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin nếu chưa tiêm đủ.

Phạm Thị Anh

  09:35 ngày 25/04/2023

Con tôi bị COVID-19 hai lần trước nhẹ nhưng đến nay cháu đã 15 tuổi và hơi béo. Xin hỏi các chủng mới có nguy hiểm với trẻ 15 tuổi trở lên hơn người lớn không thưa bác sĩ? Tôi nên làm những gì để bảo vệ cháu?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Một trong những yếu tố nguy cơ trở nặng ở trường hợp con bạn là trẻ thừa cân. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng nếu trẻ đã được tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ và tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.

Chủng hiện tại không tỏ ra nguy hiểm như các chủng trước đây (ví dụ như Delta), chủ yếu các triệu chứng giống như cảm cúm thông thường. Nếu lần này con bạn test COVID-19 dương tính thì bạn cũng chỉ cần điều trị triệu chứng (như hạ sốt nếu có), dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý và theo dõi các dấu hiệu cần phải nhập viện như sốt cao liên tục khó hạ; thở nhanh, thở mệt...

Nguyễn Anh Linh

  09:36 ngày 25/04/2023

Hiện nay hễ mỗi khi cơ thể bị nóng sốt sổ mũi gì đó rồi ra tiệm mua kit test về thử cũng đều cho ra 2 vạch. Vậy làm sao biết có bị COVID-19 thật sự hay không? Dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu ở đâu? Bên VNVC có làm dịch vụ này và có chích vắc-xin COVID-19 dịch vụ?

BS Lê Thị Trúc Phương

Việc test nhanh COVID-19 trở nên phổ biến trong cộng đồng do tâm lý lo lắng khi thấy số ca mắc COVID-19 tăng trở lại. Cũng như các bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp khác, COVID-19 có thể tự khỏi sau vài ngày giống như cúm. Thay vì lo lắng khi phát hiện nhiễm COVID-19 thì việc chủ động phòng ngừa là điều cần thiết như tiêm vắc-xin, 2K ( khẩu trang, khoảng cách), dinh dưỡng đầy đủ để có một hệ miễn dịch khỏe đóng vai trò quan trọng.

Việc xét nghiệm COVID-19 và tiêm vắc-xin có ở các trạm y tế địa phương, người dân hoàn toàn có thể dễ dàng xét nghiệm và tiêm ngừa.

Hiện nay, hệ thống VNVC không hỗ trợ dịch vụ xét nghiệm cũng như tiêm vắc-xin COVID-19. Tuy nhiên, VNVC có thực hiện tiêm các vắc-xin ngừa bệnh lý đường hô hấp khác như cúm, phế cầu, ho gà... Do đó, anh chị có thể thực hiện đồng thời việc tiêm ngừa COVID-19 với các vắc-xin đang có của hệ thống VNVC để chủ động phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình.

Hữu Long

  09:36 ngày 25/04/2023

Tôi vừa bị nhiễm COVID-19 lại ngày thứ 3. Hai ngày đầu thì vật vã, sốt, đau họng, đau đầu, mỏi rã các khớp nằm không ổn, ngồi không yên, sang ngày thứ 3 thì triệu chứng mỏi khớp giảm, mồm đắng nghét mất vị, đến cuối ngày thứ 3 thì vị giác có cảm giác trở lại. Tôi phải dùng thuốc hạ sốt, viên ngậm họng và thuốc. Tôi triệu chứng nặng hơn lần nhiễm đầu rất nhiều. Bác sĩ cho Tôi hỏi có phải nhiễm những lần sau sẽ nặng hơn lần trước không? Tôi nghe thông tin nhiễm bệnh COVID-19 triệu chứng ngày càng nhẹ hơn, nhưng có phải thực sự như vậy không? Làm sao để biết được bệnh đang diễn tiến nặng?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Tùy cơ địa và sức đề kháng của mỗi người khi bị tái nhiễm triệu chứng khác nhau. Do đó, không có bằng chứng liên quan biến chủng mới sẽ có triệu chứng nặng hơn các đợt nhiễm đầu.

Đây là tình trạng nhiễm siêu vi cấp tính. Vì vậy, bệnh thường diễn tiến nặng vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Trong các ngày này bạn nên theo dõi sát các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở, nồng độ oxy máu... Nếu các triệu chứng không cải thiện, nồng độ oxy máu giảm dưới 95%, thì nên đến các cơ sơ y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời.

Vũ Phong

  09:36 ngày 25/04/2023

Sau 3 năm có dịch COVID-19, các công ty du lịch và du khách cũng đã ý thức hơn trong phòng tránh, có kinh nghiệm ứng phó, vậy công ty có lời khuyên nào tới du khách tham gia đi lại, đi du lịch dịp lễ 30-4 ở những nơi đông người để vui chơi an toàn?

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh

Vietravel khuyến cáo đối với khách hàng: 

Tiêm đủ 2 liều vắc-xin hoặc có giấy xác nhận đã khỏi COVID-19.

Tuân thủ các nguyên tắc về phòng, chống dịch tại các điểm đến/địa phương/quốc gia, bao gồm test PCR trước khi xuất cảnh đối với các quốc gia có yêu cầu (như Nhật Bản, Trung Quốc (visa đoàn không yêu cầu PCR test...)

Khuyến khích thực hiện 2K (khử khuẩn + khẩu trang) trong chuyến du lịch. 

Đặng Thiện

  09:42 ngày 25/04/2023

Trong trường hợp TP HCM bùng dịch, bệnh nhân đông, TP sẽ ứng phó như thế nào để không diễn ra tình trạng quá tải?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

UBND TP HCM, Sở Y tế TP HCM đã có chỉ đạo các bệnh viện trong TP luôn có các đơn vị, khoa cách ly, thu dung, điều trị COVID-19. Trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là tuyến cuối để hỗ trợ chuyên môn cũng như hội chẩn các ca nặng.

Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẵn sàng điều hành, tái kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 13 trong 24 tiếng khi tình hình dịch bệnh bùng phát, số ca nhiễm tăng cao, quá tải các bệnh viện trong TP.

Nguyễn Văn Đức

  09:42 ngày 25/04/2023

Trải qua những đợt giãn cách xã hội, tôi cảm thấy mình bị trầm cảm và rất lo lắng nếu lại phải giãn cách xã hội. Xin cho Tôi hỏi, nếu bùng dịch trở lại thì có giãn cách xã hội nữa hay không?

TS - BS Ngũ Duy Nghĩa

Hiện nay đang có sự gia tăng số ca mắc COVID-19, tuy nhiên với nền tảng miễn dịch trong cộng đồng do việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 với tỉ lệ rất cao nên khả năng bùng phát dịch lớn rất khó xảy ra và thực tế chúng ta đang kiểm soát được dịch.

Chúng ta cũng đang thực hiện việc thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu qủa dịch COVID-19 nên việc giãn cách xã hội sẽ khó xảy ra.

Nguyễn Thanh

  09:42 ngày 25/04/2023

Việt Nam tìm thấy nhiều biến thể phụ của Omicron, ông đánh giá thế nào về nguy cơ của các biến thể mới này, đặc biệt là khả năng lây nhiễm ở trẻ em?

Ths - BS Nguyễn Công Khanh

Hiện nay có nhiều biến chủng đang lưu hành trên thế giới. Các biến chủng được quan tâm là các biến chủng được WHO theo dõi và giám sát.

Biến chủng XBB.1.16 được phát hiện lây lan nhanh trên toàn thế giới và có khả năng thay thế cho các biến chủng SARS-COV-2 trước đây. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy các biến chủng này gây bệnh nặng hoặc làm thay đổi triệu chứng lâm sàng của bệnh. Một số quốc gia báo cáo tỉ lệ mắc biến chủng mới ở trẻ em cao có thể do miễn dịch tự nhiên sau mắc COVID-19 suy giảm hoặc tỉ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 mũi tăng cường còn thấp.

Hiên

  09:42 ngày 25/04/2023

Tôi mắc COVID-19 khi sinh con được 2 ngày. Con tôi hiện gần 2 tuổi, cháu chưa từng mắc COVID-19 dù việc tiếp xúc với người mắc bệnh diễn ra thường xuyên từ lúc mới sinh (do cả nhà tôi đều mắc bệnh, riêng tôi bị đến 2 lần). Có phải cháu có miễn dịch tự nhiên với COVID-19? Bây giờ dịch đang bùng phát trở lại, cháu đang đi học, vậy có nguy cơ lây nhiễm không, làm sao để phòng tránh?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Muốn biết con bạn đã có miễn dịch với COVID-19 hay không thì chỉ có cách làm xét nghiệm kháng thể COVID-19. Nếu có kháng thể thì nghĩa là bé đã có miễn dịch nhưng không có nghĩa là bé sẽ không bị lại. Để bảo vệ trẻ trong thời điểm hiện tại, bạn có thể tập cho bé mang khẩu trang khi đi ra chỗ đông người. Bản thân mẹ vệ sinh tay cho bé và vệ sinh tay của mình khi chăm sóc trẻ; nên tập quan sát xung quanh, nếu có người ho, cảm, sổ mũi thì nên để bé tránh đi.

Các biến chủng COVID-19 hiện tại là dòng con của Omicron, gây ra các triệu chứng nhẹ nhàng hơn các biến chủng trước đó, nhất là ở người đã tiêm ngừa COVID-19 hoặc đã có kháng thể do từng nhiễm trước đó. Các chủng này cũng thường không gây nguy hiểm cho trẻ em, thường không phải nhập viện và có các triệu chứng giống như cảm cúm thông thường (sốt nhẹ, ho, sổ mũi...). Vì vậy mẹ con bạn cũng không nên quá lo lắng.

Hữu Thiên

  09:43 ngày 25/04/2023

Tôi nghe nói virus SARS-CoV-2 không sinh sôi trong môi trường nắng nóng, hiện miền Nam đang ở đợt nắng nóng cao điểm, vậy có phải COVID-19 sẽ khó tồn tại trong môi trường bên ngoài hay không? Vậy việc bùng dịch có xảy ra không?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Khi nhiệt độ cao virus không thể tồn tại. Tuy nhiên, thời tiết nóng như hiện nay virus vẫn tồn tại và sẵn sàng gây bệnh. Bằng chứng là những ngày qua, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng nhẹ. Với tình hình hiện tại mỗi người cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh để hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra bằng biện pháp đảm bảo 2K + vắc-xin.

Diễm Hà

  09:43 ngày 25/04/2023

Trường hợp trong đoàn khách đi tour phát sinh cúm, sốt hoặc trở thành F0, quy trình xử lý về y tế và cách ly hiện nay ra sao? Công ty có khuyến nghị gì đối với cơ quan quản lý ở các địa phương để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch, vừa an toàn?

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh

Hiện quy trình về y tế đối với trường hợp trong đoàn có du khách phát sinh cúm hoặc trở thành F0 là:

Bước 1: Tách biệt (cách ly) với đoàn và tiến hành chăm sóc y tế ngay khi phát hiện ca bệnh trong đoàn.

Bước 2: Hỗ trợ khai báo với cơ quan chức năng địa phương.

Bước 3: Đoàn vẫn sẽ tiếp tục triển khai theo lịch trình, tuy nhiên cần hợp tác để Kiểm tra – theo dõi sức khỏe các nhóm khách còn lại cùng tổ phục vụ (tài xế, HDV, phụ xế) và đảm bảo tuân thủ 2K.

Bước 4: Xử lý hồ sơ theo quy tắc bảo hiểm.

*Với khách hàng chưa sử dụng các dịch vụ sẽ được bảo lưu hoặc quy đổi bằng coupon du lịch, sau khi Vietravel làm việc với đối tác cung ứng dịch vụ.

Screen Shot 2023-04-25 at 09.29.24
 

Khuyến nghị

Chúng ta có thể thấy trong hơn 1 tuần gần đây, các thông tin về tình hình dịch bệnh tăng cùng với các biến chủng mới của COVID-19. Thực tế đang có sự “nhạy cảm” của thị trường khi số lượng khách đi du lịch khựng lại ngay; liên tiếp các thông tin về nhiều cơ sở lưu trú tại các trung tâm trọng điểm du lịch có lượng khách đăng ký chỉ đạt 60% - 70% công suất; lượng khách đặt vé máy bay “hạ nhiệt” nhanh chóng…

Thực tế, việc đưa tin cảnh báo nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân là điều cần thiết, thậm chí là rất cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn và kỳ vọng truyền thông cũng cần đưa rõ thông tin cụ thể về mức độ nặng/nhẹ thế nào nếu mắc COVID-19 để người dân có thêm thông tin đầy đủ và tổng quát; từ đó có thái độ ứng phó phù hợp và thực tế, tránh sự thờ ơ hay hoảng loạn.

Hiện Việt Nam chúng ta đã trải qua hơn 1 năm đầu tiên trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, các doanh nghiệp kiến nghị cần chính sách đồng bộ để vừa phòng chống dịch, vừa không bị đứt gãy trong chuỗi vận hành của nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như giữ được nhịp hồi phục cần thiết trong giai đoạn quan trọng này.

Thái Thị Minh

  09:46 ngày 25/04/2023

Thưa bác sĩ, cháu tôi mới 3 tuổi và test COVID-19 cho cháu rất khó. Trước đây cả nhà có bị cùng nhau 2 lần và cháu cũng có dấu hiệu cảm nhẹ, trong đó chỉ có 1 lần là có test dương tính (y tế phường test). Nếu lần sau cháu có dấu hiệu tương tự nữa mà nhẹ thì có thể không cần test và chăm sóc cháu như cảm cúm bình thường được không?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Hiện tại bây giờ có nhiều sản phẩm test nhanh COVID-19 không nhất thiết phải lấy dịch mũi họng mà có thể sử dụng nước bọt để làm xét nghiệm, có bán tại các nhà thuốc.

Việc không test cho trẻ em có thể không sao đối với bản thân đứa trẻ nhưng có thể gây ảnh hưởng đến cộng đồng và cả người trong nhà, nhất là nhóm người nguy cơ (người cao tuổi trên 65, người có bệnh nền...). Trong trường hợp bạn không test được cho trẻ thì cứ xem bé như một trường hợp đã nhiễm COVID-19 để mình có biện pháp phòng ngừa chặt chẽ hơn, tránh lây cho người khác.

Có thể chăm sóc trẻ như cảm cúm thông thường vì các biến chủng hiện tại chủ yếu gây ra các triệu chứng nhẹ giống cảm cúm thôi, nhưng bạn cũng cần theo dõi các dấu hiệu trở nặng (như sốt cao liên tục; nôn ói nhiều; thở nhanh, thở mệt...). Nếu có các dấu hiệu trở nặng, bạn cần đưa bé nhập viện.

Thanh Long

  09:47 ngày 25/04/2023

Sea Games 32 diễn ra tại Campuchia ngay dịp lễ 30-4 này cũng là một thông tin thu hút sự quan tâm của du khách. Xin hỏi Vietravel có đang mở bán tour du lịch kết hợp xem bóng đá? Quy định của Campuchia về phòng dịch COVID-19 cho du khách ra sao, khách có cần lưu ý gì khi đi tour ở đây?

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh

Dành cho các fan hâm mộ bóng đá, Vietravel đã sẵn sàng các tour du lịch Campuchia kết hợp xem các trận đấu của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 32; khởi hành từ các đầu TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương … với giá từ 2.990.000đ. Gần nhất, Việt Nam sẽ có trận đấu đầu tiên với Lào vào 19 giờ ngày 30/4. Như vậy, các fan hâm mộ bóng đá Việt sẽ có kỳ nghỉ lễ ý nghĩa khi có thể cùng gia đình, bạn bè du lịch và tham gia cổ vũ U22 Việt Nam tại sân vận động Prince Stadium (thủ đô Phnom Penh).

Hiện tại, để đảm bảo cho SEA Games 32 tại Campuchia được diễn ra một cách thuận lợi và an toàn, Bộ Y tế Campuchia đã giới thiệu tất cả các đơn vị trực thuộc có liên quan, trong đó có sự tham gia của một số cơ sở y tế tư nhân để chuẩn bị y tế và cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp gặp nạn / mắc Covid-19.

Trong trường hợp có vấn đề về sức khỏe, Bộ Y tế Campuchia đề nghị khuyến khích cổ động viên nước ngoài và cả trong nước đi đến địa điểm được liệt kê trong thông báo. Họ sẽ chuẩn bị sẵn mã QR Code của xe cứu thương, tên của bác sĩ và nhân viên chịu trách nhiệm, cũng như số điện thoại của từng địa điểm. Đồng thời, Bộ Y tế nước này sẽ cập nhật vị trí của các dịch vụ y tế và cấp cứu theo tình hình thực tế nếu số lượng du khách nước ngoài đến Campuchia tăng cao trong thời gian diễn ra SEA Games 32.

 

Lê Huyền

  09:47 ngày 25/04/2023

Nguy cơ dịch COVID-19 có khả năng bùng phát sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới không, thưa ông? Ngành y tế có khuyến cáo gì với người dân về các biện pháp phòng dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ sắp tới? Liệu người dân có nên hạn chế tụ tập nơi đông người?

TS - BS Ngũ Duy Nghĩa

COVID-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt có nguy cơ lây lan khi tiếp xúc gần và tập trung đông người nên dịp nghỉ lễ tới đây có thể làm tăng ca bệnh. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cao nhất trên thế giới cho nên khả năng bùng phát lớn khó xảy ra.

Việc thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 nên được thực hiện thường xuyên, liên tục đặc biệt trong dịp nghỉ lễ dài tới đây. Những người chưa tiêm đủ mũi vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế nên khẩn trương tiêm đủ mũi để phòng bệnh tốt nhất.

 

 

Thanh Tùng

  09:51 ngày 25/04/2023

Có phải trẻ mắc cúm là chuyện bình thường và nên để trẻ mắc cúm để có miễn dịch tự nhiên hay không? Trẻ từ mấy tháng có thể tiêm được vắc xin cúm?

BS Lê Thị Trúc Phương

Trẻ mắc cúm thường được xem là "chuyện nhỏ" hay bình thường. Trong trường hợp bệnh nhẹ, trẻ sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu mắc cúm và có thêm biến chứng của bệnh cúm gây ra thì không còn là "chuyện nhỏ" mà có thể gây ra các biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm cơ tim, bệnh não gan (hội chứng Reye),...

Trẻ sau khi nhiễm cúm có thể sinh kháng thể. Tuy nhiên, do virus cúm thay đổi chủng rất nhanh chóng nên miễn dịch không đủ để bảo vệ cho trẻ. Do đó, trẻ cần tiêm vắc-xin cúm hằng năm để chủ động phòng tránh các chủng cúm lưu hành.

Đội tuổi tối thiểu mà trẻ nhận được liều vắc-xin ngừa cúm là từ 6 tháng tuổi trở lên.

Thanh Hoà

  09:51 ngày 25/04/2023

Tôi có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, đau họng, nghẹt mũi nên khó thở. Vậy xin hỏi có phải tôi mắc COVID-19 không? Tôi tự test nhanh, lên dương tính với COVID-19. Xin hỏi chuyên gia vậy tôi có chắc chắn mắc COVID-19 không. Nếu bị cúm mà test COVID-19 thì có lên kết quả dương tính không?

Ths - BS Nguyễn Công Khanh

Triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, đau họng, nghẹt mũi là nằm trong nhóm các dấu hiệu mắc COVID-19, cúm, adenovirus.

Xét nghiệm test nhanh kháng nguyên COVID-19 dương tính là xét nghiệm tốt để sàng lọc mắc COVID-19 hay không. Tuy nhiên cũng có tỉ lệ dương tính giả khi xét nghiệm nhanh.

Test COVID-19 dương tính khi đồng nhiễm cả cúm và COVID-19.

Tuy nhiên xét nghiệm xác định vật liệu di truyền SARS-Cov-2 (PCR) là xét nghiệm tốt nhất để khẳng định nhiễm COVID-19.

My Giáng

  09:51 ngày 25/04/2023

Virus COVID-19 có nhân lên trong môi trường tự nhiên không? Và vius này tồn tại bao lâu trong môi trường tự nhiên?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Virus COVID-19 không nhân lên trong môi trường tự nhiên mà khi xâm nhập vào đường hô hấp thì virus mới nhân lên. Virus có thể tồn tại vài giờ đến vài ngày trong môi trường tự nhiên.

Phạm Thị Anh

  09:52 ngày 25/04/2023

Chào bác sĩ, con tôi mới 4 tuổi, cháu từng bị COVID-19 ít nhất 1-2 lần (chỉ có 1 lần gần đây test ra, trước đó cả nhà bị, cháu có cảm nhưng không chịu test). Những lần đó thì cháu cũng chỉ có triệu chứng như cảm cúm. Xin cho hỏi như vậy cháu có nguy cơ tái nhiễm các chủng mới cao không?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Con bạn vẫn có nguy cơ bị COVID-19 trở lại. Tuy nhiên với biến chủng hiện tại thì ít có nguy cơ gây ra triệu chứng nặng, chủ yếu vẫn là các triệu chứng như cảm cúm thông thường.

Trong trường hợp bạn không test được cho trẻ thì cứ xem bé như một trường hợp đã nhiễm COVID-19 để mình có biện pháp phòng ngừa chặt chẽ hơn, tránh việc bé lây cho người khác nhất là đối tượng nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền).

Có thể chăm sóc trẻ như cảm cúm thông thường vì các biến chủng hiện tại chủ yếu gây ra các triệu chứng nhẹ giống cảm cúm. Nhưng bạn cũng cần theo dõi các dấu hiệu trở nặng (như sốt cao liên tục; nôn ói nhiều; thở nhanh, thở mệt...) để đưa trẻ đến bệnh viện nếu có.

Trần Hoàng Tiến

  09:52 ngày 25/04/2023

Nhiều người cho rằng độc lực của virus COVID-19 đã giảm nhiều, giờ nhiễm thì như bị cảm cúm, các chuyên gia cho biết có phải như vậy không? Bây giờ nhiễm COVID-19 sẽ có những dấu hiệu nào khác, mới so với những đợt trước?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Cho tới thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng độc lực của virus đã giảm mà có thể có các biến chủng phụ nên có những đợt số ca mắc tăng và mức độ diễn tiến bệnh cũng tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, cũng như tình trạng tiêm vắc-xin.
So với các đợt trước có vẻ như triệu chứng nhiễm bệnh lần này nhẹ hơn. Ví dụ như sốt nhẹ hơn, triệu chứng đường hô hấp cũng ít hơn.

Minh Hoàng

  09:53 ngày 25/04/2023

Virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 liên tục biến đổi, tạo ra các biến thể phụ mới. Khi các biến thể đổi liên tục chúng ta cần chủ phòng bệnh thế nào?

TS - BS Ngũ Duy Nghĩa

Với biến thể Omicron thì vắc-xin COVID-19 vẫn có hiệu quả. Để phòng chống lây nhiễm COVID-19, ngoài việc tiêm đủ các mũi vắc-xin như khuyến cáo, người dân nên được thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như khẩu trang, khử khuẩn.

Tuyết Hương

  09:59 ngày 25/04/2023

Nhà tôi 4 người, 1 bé 5 tuổi, 1 bé 15 tuổi. Cả nhà sắp đi du lịch nước ngoài dịp lễ này. Xin hỏi đi nước ngoài thì tôi có cần tiêm vắc xin gì cho cả nhà hay không? Bây giờ tiêm ngay thì có kịp không?

BS Lê Thị Trúc Phương

Việc tiêm vắc-xin khi đi du lịch sẽ dựa vào đặc điểm dịch tể (bệnh đang lưu hành tại quốc gia chuẩn bị đến) để quyết định sẽ tiêm vắc-xin gì. Thông thường, các quốc gia sẽ có danh sách các loại vắc-xin cần tiêm để chủ động phòng ngừa trước khi du khách đến hoặc bác sĩ sẽ dựa vào tình hình dịch bệnh mà tư vấn loại vắc-xin cần tiêm.

Việc tiêm vắc-xin cần có thời gian để sinh kháng thể bảo vệ, thường cần 2-3 tuần để vắc-xin phát huy tác dụng

Trong trường hợp này, bạn có thể đưa gia đình đến các trung tâm tiêm chủng, đồng thời mang theo sổ tiêm chủng và thông báo về quốc gia mà bạn sắp đến cho bác sĩ để được tư vấn lịch tiêm phù hợp. Do thời gian sắp đi du lịch khá gần với dịp lễ 30-4 vì vậy bạn cần nhanh chóng đến trung tâm tiêm ngừa để tiêm vắc-xin và kịp thời có kháng thể bảo vệ sớm.

Nguyễn Nhi

  10:07 ngày 25/04/2023

Tôi là một người lớn hoàn toàn khoẻ mạnh, chơi thể thao mỗi buổi tối, không mắc bệnh vặt thì có cần đi tiêm vắc xin hay không? Vì trước đây tôi nghĩ vắc xin chỉ dành cho trẻ em, nhưng hiện nay thấy nhiều người lớn đi tiêm vắc xin.

BS Lê Thị Trúc Phương

Bạn cần tiêm vắc-xin vì các lý do sau đây:

Vắc-xin là thuốc nhưng là loại thuốc "đặc biệt" vì để phòng và chữa bệnh. Do đó, vắc-xin không chỉ dành cho người bệnh mà còn dành cho những người khỏe mạnh.

Trước đây, mọi người thường nghĩ vắc-xin chỉ dành cho trẻ em. Tuy nhiên, từ sau đại dịch COVID-19, chúng ta đã hiểu hơn về vắc-xin, là "áo giáp" dành cho mọi người bao gồm cả trẻ em, người trưởng thành, người cao tuổi, phụ nữ mang thai,...

Việc tiêm vắc-xin sẽ giúp anh chị không chỉ ngừa bệnh cho bản thân mà còn bảo vệ cho các thành viên trong gia đình. Một số trường hợp khi người lớn mắc bệnh sẽ không biểu hiện triệu chứng nhưng vô tình là nguồn lây nguy hiểm cho trẻ, người lớn tuổi trong gia đình... Việc tiêm vắc-xin sẽ ngăn chặn nguồn lây này.

Hiện nay có nhiều vắc-xin có thể tiêm cho người lớn, do đó anh chị có thể đến các trung tâm để được tư vấn cụ thể.

Hạnh Nguyễn

  10:07 ngày 25/04/2023

Chào Bác sĩ. Em hiện mang thai 31 tuần, mắc COVID-19, bệnh có ảnh hưởng đến thai nhi không và cần làm gì để điều trị COVID-19 cho mẹ bầu? Em hiện có triệu chứng ho khan, sổ mũi, mất khứu giác, vị giác.

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Cho đến hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng COVID-19 ảnh hưởng đến thai nhi. Đối với phụ nữ mang thai giữa và 3 tháng cuối thai kỳ khi mắc COVID-19 mức độ diễn tiến bệnh của người mẹ cần đặc biệt quan tâm vì có thể bị viêm phổi, suy hô hấp nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời.
Hiện thuốc đặc trị COVID-19 không dùng được cho phụ nữ mang thai. Do đó, khi mắc bệnh sẽ theo dõi điều trị triệu chứng và biến chứng là chính.

Trần Mai Phương

  10:07 ngày 25/04/2023

Nếu so sánh các chủng từ trước tới giờ thì các loại XBB.1.5, XBB.1.16, XBB.1.9.1 vừa phát hiện nguy hiểm cho trẻ em nhiều hay ít hơn thưa bác sĩ? Con tôi mới 3 tuổi rưỡi, có dễ bệnh nặng hơn trẻ lớn không?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Cho đến thời điểm hiện tại thì chưa ghi nhận các biến chủng này ở bệnh nhi trong nước. Tuy nhiên theo quan sát từ các quốc gia khác, triệu chứng của các chủng này cũng nhẹ nhàng hơn so với các chủng trước đây.

Thời điểm hiện tại, đa phần các trẻ bị COVID-19 đều có các triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà, rất ít trẻ phải nhập viện.

Về việc trẻ có dễ bệnh nặng hay không chủ yếu tùy thuộc vào việc trẻ có bệnh nền hay không (ví dụ bệnh lý tim mạch, bệnh lý phổi như hen suyễn; các bệnh lý mạn tính như hội chứng thận hư; nhóm bệnh ung bướu...) chứ không phải độ tuổi của trẻ. Thời điểm hiện tại, việc phòng ngừa chủ yếu tập trung vào nhóm có yếu tố nguy cơ cao như trên. Nếu con bạn thuộc về nhóm nguy cơ cao thì bạn cần phòng ngừa kỹ hơn (khẩu trang, vệ sinh tay) và tuân thủ việc tái khám, điều trị bệnh lý nền.

Minh Anh

  10:07 ngày 25/04/2023

Người nhà tôi test ra bị mắc COVID-19. Vậy gia đình có cần dời qua nơi ở mới để cách ly với người mắc không? Nhà tôi khá nhỏ, không đủ điều kiện để 1 người/phòng.

TS - BS Ngũ Duy Nghĩa

COVID-19 có nguy cơ lây lan khi tiếp xúc gần. Vậy trong gia đình bạn, nếu có người mắc bệnh chúng tôi vẫn khuyến cáo người bệnh đeo khẩu trang thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với những thành viên khác trong gia đình.

Hoà Nguyễn

  10:07 ngày 25/04/2023

Mẹ tôi đã lớn tuổi, có bệnh nền và đã tiêm 4 mũi vắc-xin phòng COVID-19, vậy để an toàn, mẹ tôi có cần tiêm thêm mũi nhắc lại hay không?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Mẹ của bạn đã tiêm 4 mũi vắc-xin phòng COVID-19, do đó, để phòng tránh bệnh thì nên tuân thủ 2K. Khi có triệu chứng hô hấp nên đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Nguyễn Văn Hùng

  10:07 ngày 25/04/2023

Hiện còn không ít người trì hoãn tiêm các đợt tiêm vắc-xin COVID-19 trước đó do lo ngại tác dụng phụ. Bác sĩ có lời khuyên gì khi vào dịp nghỉ lễ dài ngày họ vẫn có nhu cầu đi lại, vui chơi chốn đông người?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Trên nguyên tắc vắc-xin nào cũng có nguy cơ rất nhỏ nhưng vắc-xin có hiệu quả và lợi ích lớn nên để phòng bệnh. Bạn nên tiêm vắc-xin đầy đủ, đặc biệt nên đến các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện để theo dõi, xử lý kịp thời nếu khi tiêm vắc-xin có phản ứng phụ.
Với tình hình hiện tại, số ca mắc COVID-19 có tăng. Do đó, khi đến nơi đông người, luôn đảm bảo nguyên tắc 2K, hạn chế tiếp xúc gần dưới 1m để đảm bảo an toàn.

Kiều Oanh

  10:07 ngày 25/04/2023

Nhu cầu đi du lịch nước ngoài tăng cao trong dịp lễ 30-4, nhất là Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu... Vậy đến thời điểm này, những thị trường nào còn yêu cầu xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh hoặc kiểm tra mũi tiêm COVID-19?

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh

Theo thông tin ghi nhận của Vietravel, đến thời điểm này chỉ còn các nước khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á còn yêu cầu giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin, ít nhất là 2 mũi tiêm.

Đối với Nhật Bản, dự kiến từ ngày 8-5 sẽ bỏ yêu cầu giấy chứng nhận đã tiêm vắcxin cho khách Việt Nam.

Đối với du khách nào không đủ mũi tiêm theo quy định thì phải xét nghiệm trước bay, PCR hay kháng nguyên đều được.

Minh Trường

  10:07 ngày 25/04/2023

Gia đình tôi sắp đi du lịch. Tôi thấy báo đài mới đây thông báo nước ta đã phát hiện biến thể COVID-19 lây lan nhanh. Vậy tôi có nên huỷ chuyến đi chơi? Nếu đi thì có phải lúc nào tôi cũng cần đeo khẩu trang, khử khuẩn tay như hồi xưa không?

Ths - BS Nguyễn Công Khanh

Các biện pháp phòng chống dịch hiện nay bao gồm vắc-xin và 2K (khẩu trang và khử khuẩn) vẫn có hiệu quả phòng chống COVID-19.
Nếu gia đình bạn có kế hoạch đi du lịch, nên sử dụng các biện pháp phòng cho cá nhân như khẩu trang, khử khuẩn, và hạn chế tiếp xúc đông người nếu không cần thiết.

Ngọc

  10:07 ngày 25/04/2023

Sau nhiều đợt bùng phát dịch, thực tế có nhiều người dù tiêm vắc-xin nhưng vẫn mắc COVID-19 rất nhiều lần, nhưng cũng có người (như chồng và con trai tôi) chưa từng mắc dù sinh sống, làm việc trong môi trường có rất nhiều người nhiễm bệnh. Nhờ các chuyên gia lý giải thêm?

TS - BS Ngũ Duy Nghĩa

Có nhiều lý do để một người chưa phát hiện mình bị mắc COVID-19. Thứ nhất có thể là đã mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng hoặc có biểu hiện rất nhẹ, thoáng qua nên không nhận ra. Ngoài ra, những người đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 thì có miễn dịch bảo vệ, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm các triệu chứng nên cũng không nhận ra mình có mắc bệnh hay không.

Một vài nghiên cứu trên thế giới cũng báo cáo về các trường hợp tiếp xúc gần nhưng chưa bao giờ mắc COVID-19.

Thông tin là các biến thể mới của COVID-19 có thể vượt qua hàng rào miễn dịch. Tuy nhiên khi mắc thì chưa ghi nhận bằng chứng tăng độ nặng của bệnh.

3. Bạn đọc Trần Công Minh (45 tuổi, ngụ Long An)

  10:07 ngày 25/04/2023

Tôi đã tiêm 3 mũi vắc-xin, nhiễm COVID-19 3 lần. Cơ thể cảm thấy rất mệt mỏi, xin bác sĩ cho biết làm sao để tăng sức đề kháng sau nhiễm COVID-19 hoặc có cách nào để không mắc bệnh trở lại?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Bạn nên tiêm vắc-xin mũi nhắc lại lần 4 nếu mũi 3 đã tiêm hơn 6 tháng. Để tăng sức đề kháng bạn nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện thường xuyên, tránh lây nhiễm bệnh lần nữa bằng cách đảm bảo nguyên tắc 2K.

Nguyễn Minh

  10:08 ngày 25/04/2023

Trung Quốc vừa mở cửa du lịch trở lại, nhu cầu của khách Việt là rất lớn, vậy khách đi tour Trung Quốc dịp lễ 30-4 này cần lưu ý những gì về quy định phòng chống COVID-19, về xét nghiệm và những lưu ý trong quá trình đi tour để bảo đảm an toàn, có kỳ nghỉ lễ vui vẻ?

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh

Với việc mở cửa lại thị trường Trung Quốc, Vietravel đã nhanh chóng triển khai sản phẩm tour du lịch khám phá Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn và các tỉnh lân cận với độ dài từ 5 - 6 ngày để du khách có thêm chọn lựa cho chuyến du lịch dịp lễ.

Hiện thủ tục xin visa Trung Quốc khá đơn giản nên du khách Việt dành nhiều sự quan tâm cho tour tuyến này. Điều kiện nhập cảnh Trung Quốc hiện tại là:

1/ Visa theo quy định

2/ Test kháng nguyên âm tính trước bay 24 giờ.

Đoàn Văn Kiệt

  10:08 ngày 25/04/2023

Bây giờ nếu bị COVID-19 thì có thể tự mua thuốn mulnupiravir để uống không?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Bị COVID-19 không phải lúc nào cũng cần uống thuốc Molnupiravir. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc dùng thuốc kháng virus nói chung chỉ định cho các trường hợp nhiễm COVID-19 trung bình, nặng và theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Do vậy, nếu bị COVID-19 mức độ nhẹ, bạn chỉ cần điều trị các triệu chứng như hạ sốt, dinh dưỡng và nghỉ ngơi đầY đủ. Với bệnh nhân COVID-19 mức độ cao hơn (trung bình, nặng) thì phải khám và điều trị tại bệnh viện.

 

My Thứ

  10:08 ngày 25/04/2023

Đi cùng chuyến bay/chuyến ô-tô/toa tầu; ở cùng phòng họp/lớp học với một người vừa được xác định là người nhiễm cOVID-19 có nghĩa là tôi cũng đã nhiễm Covid-19 phải không?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Khi đi chung chuyến bay, ô tô, tàu hỏa hay ở cùng phòng họp... nếu bạn đeo khẩu trang thường xuyên, sát khuẩn đúng thì nguy cơ lây rất khó xảy ra. Nếu sau đó bạn có triệu chứng mắc bệnh hô hấp thì nên test COVID-19 để kiểm tra.

Nguyễn Thị Châu

  10:08 ngày 25/04/2023

Con tôi 4 tuổi, từng có triệu chứng như COVID-19 đến 3 lần từ mùa Delta đến giờ (cả nhà cũng bị), làm sao để biết cháu có nhiễm hay chưa và nếu nhiễm rồi thì nguy cơ của cháu đối với XBB.1.5, XBB.1.16... như thế nào?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Để biết chính xác cháu có từng mắc COVID-19 hay chưa thì chỉ có cách làm xét nghiệm kháng thể COVID-19. Nhưng dù có kháng thể, con bạn vẫn có nguy cơ mắc các chủng mới hiện tại. Do vậy, bạn vẫn phải giúp bé tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cơ bản như đeo khẩu trang, vệ sinh tay cho bé và cho cả người lớn khi chăm sóc bé.

Trần Thùy Mai

  10:08 ngày 25/04/2023

Tôi năm nay 60 tuổi nhưng sức khỏe tốt, đã tiêm ngừa COVID-19 4 lần và mắc 2 lần (bệnh nhẹ). Như vậy tôi có cần tiêm ngừa nữa không?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Chị 60 tuổi, sức khỏe tốt, đã tiêm 4 mũi thì không cần tiêm nhắc vắc-xin COVID-19 mà phải tuân thủ 2K (khẩu trang, khử khuẩn) để tránh mắc COVID-19.

Mỹ Anh

  10:13 ngày 25/04/2023

Chào bác sĩ, con tôi (10 tuổi) lúc trước có tiêm 1 mũi vắc-xin nhưng vì bị phản ứng nặng nên được BS khuyên không tiêm nữa. Cháu cũng đã bị COVID-19 hai lần, một lần có sổ mũi, một lần hơi nhức đầu. Nay tôi nghe có chủng mới tấn công nên khá lo, như vậy ngoài vắc-xin ra có các cách nào bảo vệ cháu không, các chủng mới có gây bệnh nặng hơn không?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Nếu con bạn không thể tiêm ngừa vắc-xin và cũng đã bị hai lần COVID-19 thì xem như con bạn cũng đã đủ kháng thể để bảo vệ cơ thể giúp giảm nguy cơ bệnh nặng. Nhưng con bạn vẫn có khả năng mắc COVID-19 lần nữa, do vậy vẫn phải tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa cơ bản như khẩu trang, vệ sinh tay.

Theo quan sát, các chủng mới thường chỉ gây bệnh nhẹ ở trẻ, ít khi phải nhập viện, các triệu chứng thường giống cảm cúm thông thường. Do đó, chủ yếu chỉ cần điều trị triệu chứng (như hạ sốt), dinh dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ, theo dõi các dấu hiệu trở nặng cần khám và điều trị (sốt cao khó hạ; thở nhanh, thở mệt...).

Phạm Thanh

  10:13 ngày 25/04/2023

Bệnh viêm phổi do virus cúm & viêm phổi do vi khuẩn phế cầu có giống nhau không? Bệnh nào nguy hiểm hơn? Có cách nào để phòng ngừa?

BS Lê Thị Trúc Phương

Viêm phổi do cúm và phế cầu có các điểm tương đồng: Đây đều là những tác nhân gây viêm phổi phổ biến, đặc biệt ở trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh lý nền; biểu hiện, triệu chứng của các tác nhân này khá giống nhau, do đó khó phân biệt mà cần có các xét nghiệm để xác định.

Viêm phổi do virus cúm được điều trị bằng thuốc kháng virus, viêm phổi do phế cầu được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, việc đề kháng kháng sinh ở vi khuẩn phế cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Cả cúm và phế cầu đều gây ra các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là các bệnh lý xâm lấn như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu. Đặc biệt, nếu đồng nhiễm cả 2 bệnh lý này thì bệnh sẽ nặng nề hơn. May mắn là các bệnh lý này đều đã có vắc-xin phòng ngừa.

Do đó cách phòng ngừa hiệu quả bệnh là chủ động tiêm vắc-xin và kết hợp các biện pháp khác như khẩu trang (đặc biệt là lúc đang mắc bệnh), giữ khoảng cách khi ở nơi đông người.

Cẩm Thu

  10:13 ngày 25/04/2023

Tại sao có người nhiễm Covid-19 thì bị bệnh, có người không bị bệnh?

Ths - BS Nguyễn Đình Qui

Việc mắc COVID-19 mà có triệu chứng hay không có triệu chứng tùy thuộc vào cơ địa từng người (bao gồm tình trạng miễn dịch có được do tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 và từng mắc COVID-19 trước đó), chủng lây nhiễm...

Nếu trường hợp bạn vô tình làm xét nghiệm COVID-19 mà dương tính, dù không có triệu chứng thì vẫn phải tuân thủ việc cách ly tại nhà từ 5-7 ngày, thực hiện lại xét nghiệm sau khoảng thời gian đó để đánh giá tình trạng lây nhiễm. Vì dù cho bạn không có triệu chứng, bạn vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

5. Bà Hoàng Anh (60 tuổi, ngụ TP HCM)

  10:15 ngày 25/04/2023

Tôi 60 tuổi, huyết áp có tăng nhẹ và đã tiêm 3 mũi vắc-xin, mắc COVID-19 một lần. Sắp tới nghỉ lễ tôi dự định về quê thăm họ hàng cùng các con. Tuy nhiên, gần đây tôi có nghe thông tin xuất hiện biến thể mới. Xin bác sĩ cho biết tôi có nên tiếp tục tham gia hoạt động nghỉ lễ hay không và nguy cơ với những đối tượng lớn tuổi như tôi thế nào?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Nếu đã tiêm mũi 3 trên 6 tháng thì chị nên tiêm mũi nhắc lại lần 4. Dịp nghỉ lễ kéo dài nên nhu cầu đi lại cũng tăng cao và chị cũng vẫn có thể tham gia các hoạt động. Tuy nhiên, khi tham gia các phương tiện công cộng chị nên đảm bảo 2K (khẩu trang, khử khuẩn), hạn chế tiếp xúc gần dưới 1m để tránh nhiễm bệnh.
Đối với người lớn tuổi, có bệnh nền, cơ địa đặc biệt, khi mắc COVID-19 thì bệnh dễ diến tiến nặng hơn. Do đó, nếu có triệu chứng hô hấp thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.

Tuấn Anh

  10:16 ngày 25/04/2023

Thưa bác sĩ, tôi thường nghe về khái niệm xét nghiệm PAP nhưng chưa rõ nó có vai trò gì? Mục đích của xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV có giống nhau không?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

PAP'Smer là xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung còn HPV là một loại virus gây viêm và ung thư cổ tử cung.

Ánh Hồng

  10:16 ngày 25/04/2023

Mũi vắc-xin COVID-19 thứ 3 có tăng khả năng bảo vệ không? Tôi đã tiêm đủ 3 mũi nay có cần tiêm thêm mũi thứ 4?

TS - BS Ngũ Duy Nghĩa

Sau khi tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phòng COVID-19 đã có hiệu quả ngăn ngừa bệnh trở nặng, giảm nguy cơ nhập viện. Với mũi tăng cường vẫn đang được khuyến cáo tiêm cho nhóm nguy cơ cao như: người già, người có bệnh lý nền....

Thùy Chi

  10:16 ngày 25/04/2023

Mẹ tôi có bệnh nền lupus ban đỏ, từng tiêm 3 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 rồi. Vừa rồi mẹ tôi bị COVID-19 lần 2, vậy có nên tiêm thêm mũi 4 không?

Ths - BS Nguyễn Công Khanh

Mẹ bạn là người có bệnh lý nền  thuộc nhóm nguy cơ cao được khuyến cáo tiêm vắc-xin COVID-19 mũi tăng cường. Bạn có thể đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn đầy đủ.

Diệu Duyên

  10:16 ngày 25/04/2023

Nhiều người cho rằng thời tiết TP HCM đang nắng nóng cực độ nên khó có vi trùng, virus, vi khuẩn sống nổi, do đó COVID-19 không đáng lo.

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Chúng ta không nên chủ quan. Bởi thời gian gần đây, thời tiết nóng nhưng số ca COVID-19 có tăng nhẹ. Do đó, bạn vẫn nên tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.

Trần Kiều Nhi

  10:23 ngày 25/04/2023

Tôi đã bị Delta 1 lần và bị Omicron 2 lần, lần sau cùng là cách đây gần nửa năm. Tôi năm nay 40 tuổi. Các lần bị trước đều tương đối nhẹ và 2 lần Omicron là bị sau khi tiêm 3 mũi. Xin cho hỏi như vậy tôi có dễ mắc các loại XBB mới hay không?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Bạn vẫn có nguy cơ lây nhiễm biến chủng mới loại XBB. Bạn đã tiêm 3 mũi vắc-xin nếu hơn 6 tháng thì tiếp tục tiêm mũi 4 và tuân thủ 2K để tránh nhiễm bệnh.

Xuân Lệ

  10:23 ngày 25/04/2023

Con tôi 7 tuổi đã mắc COVID-19 3 lần và thường là rất nhẹ hoặc không triệu chứng (người nhà bị nên test thử thì ra). Nay tôi nghe nói các chủng XBB.1.5, XBB.1.16… có thể gây tái nhiễm cao. Tôi thì không lo lắng bệnh nặng, nhưng nếu bị COVID-19 nhiều lần mà nhẹ thì có ảnh hưởng gì về sau không thưa bác sĩ?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Trẻ em thường khi mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, trẻ bị mắc nhiều lần thì nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện (bơi lội), ngủ đủ giấc và luôn đảm bảo 2K, đồng thời cho trẻ tiêm vắc-xin theo khuyến cáo.

Trần Mai Chi

  10:23 ngày 25/04/2023

Tôi nghe nói các chủng XBB mới gia tăng về mức độ lây lan. Nhà tôi tất cả đều từng là F0 Omicron vài lần, trong đó đợt cuối cùng là cuối năm 2022. Như vậy chúng tôi có an toàn hơn mọi người hay không, có dễ bị tái nhiễm hay không?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Đối với biến chủng COVID mới, mức độ lây nhiễm của mọi người như nhau nên bạn vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Do đó, để đảm bảo không bị tái nhiễm luôn tuân thủ 2K và tiêm đủ các mũi vắc-xin 3, 4.

Kiều Thanh

  10:23 ngày 25/04/2023

Vì sao vắc xin cúm có hạn sử dụng ngắn như vậy ạ? Tiêm vắc xin có hạn sử dụng cận date thì có bị làm sao không?

BS Lê Thị Trúc Phương

Mỗi năm, tổ chức y tế thế giới sẽ có 2 đợt thống kê để xác định chủng virus cúm lưu hành vào khoảng tháng 2 cho cúm Nam bán cầu và tháng 8-9 cho cúm Bắc bán cầu. Các nhà sản xuất vắc-xin sẽ dựa vào chủng cúm lưu hành để sản xuất vắc-xin phù hợp với chủng cúm của năm đó. Do đó, vắc-xin cúm cần phải tiêm nhắc lại hằng năm để cập nhật chủng cúm phù hợp của năm đó.

Vắc-xin cúm có hạn sử dụng 1 năm, tuy nhiên từ khi sản xuất đến khi đến được người sử dụng cần phải có thời gian kiểm định, thường mất khoảng 6 tháng. Vì vậy, người dân thường thắc mắc vì sao hạn sử dụng còn ngắn. Tuy nhiên việc tiêm vắc-xin này hoàn toàn đảm bảo được tính an toàn và hiệu quả phòng ngừa chủng cúm của năm mới.

Ví dụ: Khách hàng tiêm cúm vào tháng 4, trên thông tin kê toa ghi date là tháng 7-2023 thì được hiểu là hạn dùng đến ngày 31-7-2023. Do đó, kể cả khi khách hàng tiêm vào ngày 31-7- 2023 cũng được bảo vệ phòng ngừa chủng cúm của năm 2023.

 

Văn Hùng

  10:23 ngày 25/04/2023

Vắc xin COVID-19 có hiệu quả với các biến thể mới không? Và vắc-xin hiệu quả trong bao lâu ?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Cho đến hiện tại, vắc-xin COVID-19 vẫn có hiệu quả với một số biến chủng. Thường sau 6 tháng, nồng độ kháng thể bắt đầu suy giảm nên mũi chích lần cuối sau 6 tháng thì nên tiêm mũi nhắc lại kế tiếp để đảm bảo đủ kháng thể bảo vệ.

Lệ Thủy

  10:25 ngày 25/04/2023

Trong bối cảnh ca nhiễm COVID-19 tăng, chúng tôi đăng ký đi du lịch với Công ty du lịch Vietravel, nhưng nếu nhiễm bệnh thì có được chính sách bảo hiểm nào không?

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh

Hiện nay, khi du khách đăng ký tại Vietravel sẽ nhận được sự tư vấn kỹ lưỡng về bảo hiểm du lịch đi kèm trong tour. Đối với du khách chẳng may nhiễm COVID-19 trong quá trình đi tour, chúng tôi sẽ có quá trình xử lý, cách ly riêng cũng như hỗ trợ tối đa cho du khách về dịch vụ cũng như tặng gói bảo hiểm để khách hàng an tâm trải nghiệm chuyến du lịch cùng gia đình với mức lên đến 60 triệu đồng/người đối với tour trong nước; tối đa 50.000 USD/người đối với tour nước ngoài.

Quy trình xử lý và cách ly

Bước 1: Tách biệt (cách ly) với đoàn và tiến hành chăm sóc y tế ngay khi phát hiện ca bệnh trong đoàn.

Bước 2: Hỗ trợ khai báo với cơ quan chức năng địa phương.

Bước 3: Đoàn vẫn sẽ tiếp tục triển khai theo lịch trình, tuy nhiên cần hợp tác để Kiểm tra – theo dõi sức khỏe các nhóm khách còn lại cùng tổ phục vụ (tài xế, hướng dẫn viên, phụ xế) và đảm bảo tuân thủ 2K.

Bước 4: Xử lý hồ sơ theo quy tắc bảo hiểm.

Hồng Vân

  10:30 ngày 25/04/2023

Mẹ tôi bị tăng huyết áp, đã tiêm 3 mũi vắc-xin phòng COVID-19, mũi 3 tiêm vào tháng 8 năm ngoái. Vậy tôi có nên đăng ký cho bà tiêm thêm mũi nhắc lại? Biểu hiện mắc COVID-19 giai đoạn này có khác gì so với giai đoạn trước không?

TS - BS Ngũ Duy Nghĩa

Đối với người mắc bệnh nền thì theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như tại Việt Nam cần tiêm tổng số 4 mũi. Mũi 4 nên cách mũi cuối cùng từ 6-12 tháng. Bạn nên cho mẹ tiêm mũi thứ 4 để phòng bệnh hiệu quả hơn.

Hùng Nguyễn

  10:31 ngày 25/04/2023

Làm sao phân biệt được cơ thể bị nhiễm COVID-19 với cảm cúm thông thường trong tình hình hiện tại ai cũng đã tiêm 3-4 mũi vắc-xin và cũng từng có khả năng nhiễm COVID-19 trước đây?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Với tình hình hiện tại, dịch tễ về COVID-19 không rõ ràng, do đó, khi có triệu chứng đường hô hấp (sốt nhẹ, đau họng, ho...) nếu nghi ngờ bạn nên test nhanh để kiểm tra.

Trần Thị Trang

  10:31 ngày 25/04/2023

Vừa rồi TP HCM thông báo kết quả giải trình tự gien cho thấy các biến chủng mới như XBB.1.5, XBB.1.16… Các chủng mới này có thể gây bệnh nặng hay không, nếu so với Delta của năm 2021 và Omicron bình thường thì như thế nào?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Mức độ lây nhiễm của các biến chủng mới cũng tương tự như biến chủng lần trước và cao hơn. Tuy nhiên, so với biến chủng Delta mức độ lây thấp hơn nhưng bệnh nặng hơn.

Biến chủng mới trên cơ địa đặc biệt như lớn tuổi, có bệnh nền, cơ địa đặc biệt thì bệnh vẫn có thể diễn tiến nặng.

Thanh Khoa

  10:40 ngày 25/04/2023

Tôi nghe nói có loại vắc xin cúm Bắc bán cầu và Nam bán cầu, vậy ở Việt Nam tiêm loại vắc xin nào? Vì tôi thường xuyên di chuyển nhiều nước, có nên tiêm cả hai loại vắc xin? Nhà tôi có em bé 2 tuổi và 14 tuổi, nên tiêm loại vắc xin nào?

BS Lê Thị Trúc Phương

Việt Nam hiện nay (tùy theo thời điểm) có cả cúm Bắc và Nam bán cầu. Do cúm mùa ở Việt Nam lưu hành quanh năm nên khuyến cáo tiêm cúm là bất cứ thời điểm nào trong năm, không phân biệt cúm Bắc và Nam bán cầu. Tuy nhiên, ở các nước có mùa cúm rõ rệt sẽ có khuyến cáo tiêm ngừa cúm trước thời gian bắt đầu mùa cúm. Tùy theo quốc gia mà bạn di chuyển đến mà tiêm loại vắc-xin phù hợp. Điều này sẽ được bác sĩ tư vấn rõ hơn trước khi tiêm.

Do không đề cập đến lịch sử tiêm chủng trước đây nên việc tiêm vắc-xin ngừa cúm sẽ tùy thuộc theo độ tuổi mà có khuyến cáo khác nhau. Đối với bé 2 tuổi, nếu chưa tiêm ngừa cúm trước đây bạn có thể cho bé tiêm 2 mũi cơ bản cách nhau 1 tháng và tiêm nhắc định kì mỗi năm 1 lần. Đối với bé 14 tuổi, lịch tiêm là 1 mũi cơ bản và tiêm nhắc lại hằng năm.

Vắc-xin hiện đang sử dụng tại Việt Nam là loại vắc-xin bất hoạt sản xuất trên tế bào phôi gà ngừa được các chủng hiện đang lưu hành như vắc-xin Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu Quadrivalent (Hà Lan), Ivacflu-s (Việt Nam)

Bạn có thể đưa gia đình đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn cụ thể.

 

1. Bạn đọc Hồ Thành Long (40 tuổi, ngụ TP Thủ Đức)

  10:40 ngày 25/04/2023

Nếu đã chích vắc-xin hơn 6 tháng mà bị nhiễm biến thể phụ của Omicron thì có bị ảnh hưởng nặng đến sức khỏe không, thưa bác sĩ?

TS - BS Ngũ Duy Nghĩa

Hiện nay nước ta có nhiều biến thể phụ của Omicron đang lưu hành. So với các biến chủng khác thì đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.

 

Thanh Phúc

  10:40 ngày 25/04/2023

Thưa bác sĩ, Bác sĩ tư vấn tiêm vắc xin Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà phải tiêm ở các cột mốc từ 4 - 7 tuổi; từ 9 - 15 tuổi. Tại sao lại phải tiêm ở những cột mốc này? Tôi 50 tuổi thì có tiêm vắc xin Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà được hay không? Tiêm cùng một buổi tiêm với vắc xin cúm được không ạ?

BS Lê Thị Trúc Phương

Khi nhắc đến vắc-xin ngừa ho gà mọi người thường nghĩ đến vắc-xin chỉ cho trẻ em, tuy nhiên người ta thấy rằng bệnh ho gà gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người lớn tuổi. Do đó, lịch tiêm ngừa vắc-xin ho gà là lịch tiêm "trọn đời"

Đối với trẻ em, vắc-xin ngừa ho gà được tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên, với lịch tiêm liều cơ bản và các liều nhắc. Tuy nhiên, đa số phụ huynh thường quên lịch tiêm nhắc lại của các mũi này dẫn đến miễn dịch không liên tục. Điều này khiến cho trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh nếu kháng thể của trẻ dưới ngưỡng bảo vệ.

Lịch tiêm nhắc sẽ bao gồm:

- Lứa tuổi 4-7 tuổi: Là mũi tiêm nhắc sau liều cơ bản lúc 2- 3- 4 tháng và liều nhắc lại lúc 16-18 tháng

- Lứa tuổi 9 - 15 tuổi: Là mũi nhắc sau liều tiêm lúc 4-7 tuổi, sau đó sẽ được nhắc lại định kì mỗi 10 năm 1 lần để miễn dịch kéo dài suốt đời.

- Đối với người lớn: Lúc nhỏ chưa được tiêm vắc-xin sẽ được tiêm các liều cơ bản và mũi tiêm nhắc lại mỗi 10 năm 1 lần để phòng tránh.

Do đó, anh đã 50 tuổi thì hoàn toàn vẫn có thể tiêm vắc-xin để phòng ngừa.

Minh Nghĩa

  10:40 ngày 25/04/2023

Tôi thấy một số người bị COVID-19 lần 3 triệu chứng rất mệt mỏi, nặng hơn 2 lần đầu. Có phải virus biến đổi độc lực rồi không?

Ths - BS Nguyễn Công Khanh

Có nhiều nguyên nhân gây mệt mỏi ở người đã từng mắc COVID-19. Một trong những nguyên nhân đó là triệu chứng của “hậu COVID-19”.

Bạn nên đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn về tình trạng bệnh của mình.

Xuân Độ

  10:40 ngày 25/04/2023

Sau khi nhiễm COVID-19 bao lâu thì có kháng thể?

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong

Có 2 loại kháng thể gồm kháng thể do tiêm ngừa vắc-xin và kháng thể do mắc bệnh.

Thường sau 6-7 ngày mắc bệnh thì cơ thể bắt đầu tạo ra kháng thể. Kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian (6 tháng).
Sau khi tiêm vắc-xin mũi 1 thì cơ thể tạo ra kháng thể nhưng tỉ lệ thấp, do đó cần tiêm mũi nhắc lại mũi 2, 3 để tăng nồng độ kháng thể. Sau 6 tháng kể từ tiêm mũi 3 thì nồng độ kháng thể sẽ suy giảm nên cần tiêm nhắc các mũi kế tiếp.

Lan Anh

  10:52 ngày 25/04/2023

Chào bác sĩ, chúng ta nghe nhiều virus SARS-CoV-2 biến chủng, virus hằng năm cũng biến chủng. Vậy vắc xin hằng năm có tác dụng phòng biến chủng mới không? Vắc xin đang lưu hành phòng được chủng cúm nào?

BS Lê Thị Trúc Phương

Vắc-xin cúm hằng năm có thể phòng ngừa các chủng mới của virus cúm vì vắc-xin cúm được sản xuất cập nhật mỗi năm một lần để phù hợp với chủng cúm đang lưu hành. Do đó, người dân cần tiêm vắc-xin cúm định kì hằng năm theo khuyến cáo.

Hiện nay, vắc-xin cúm đang lưu hành ngừa được 4 chủng cúm là 2 chủng cúm A H1N1 và H3N2 và 2 chủng cúm B Vitoria và Yamagata. Hiện hệ thống VNVC có đầy đủ vắc-xin ngừa cúm, bạn có thể đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn.

Nguyễn Tuyến

  10:52 ngày 25/04/2023

Thưa BS, con em có hẹn tiêm vắc xin cúm ngày 5/5 nhưng ngày 28/4 cả gia đình đã về quê ở Bình Định nghỉ lễ. Vậy em có thể cho bé tiêm sớm trước ngày 28/4 được không? Tiêm vắc xin trước lịch hẹn có ảnh hưởng gì không? Vì em sợ VNVC ở tỉnh xa không làm việc ngày lễ nên mới cho bé tiêm trước hẹn.

BS Lê Thị Trúc Phương

Bạn hoàn toàn có thể cho bé tiêm sớm được. Việc tiêm nhắc định kỳ vắc-xin cúm không bắt buộc phải tiêm đúng ngày, bạn có thể tiêm sớm miễn sao tiêm được vắc-xin cúm mới cập nhật của năm mới.

Hệ thống VNVC làm việc kể cả những ngày nghỉ lễ, bạn hoàn toàn có thể cho bé tiêm khi đang nghỉ lễ ở quê.

Nguyễn Huỳnh

  11:00 ngày 25/04/2023

Thưa BS, có bao nhiêu chủng cúm? Vì sao các dịch cúm thường chỉ nghe nói đến cúm A? Có phải cúm A thì dễ lây hơn không ạ? Vắc xin cúm hiện đang sử dụng phòng các chủng cúm nào?

BS Lê Thị Trúc Phương

Hiện nay, nói đến virus cúm gây bệnh ở người có 3 tuýp thường đề cập là A, B và C. Trong đó A và B là 2 chủng cúm gây các dịch bệnh nặng, nguy hiểm.

cúm A chiếm khoảng 90% các dịch bệnh nguy hiểm. Cúm B dù chiếm tỉ lệ thấp hơn nhưng mức độ nguy hiểm không thua kém cúm A. Cả 2 đều có nguy cơ lây lan trong cộng đồng thông qua đường hô hấp.

Hiện nay vắc-xin cúm đang sử dụng phòng ngừa được 4 chủng cúm phổ biến lưu hành trong cộng đồng là cúm A H1N1, H3N1 và cúm B Victoria, Yamagata.

Nguyễn Trung Trí

  11:00 ngày 25/04/2023

Ba tôi bị nhồi máu cơ tim nhưng may mắn được cứu sống cách đây nửa năm. Trước đó ông có tiêm 2 mũi vắc-xin và bị COVID-19 3 lần (gồm 1 lần Delta, khá nặng). Tôi định đưa ba đi tiêm nhưng không biết có được không vì rất lo tình trạng tim mạch của ông. Tôi nên làm gì?

BS Lê Thị Trúc Phương

Trong trường hợp này bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để xem tình trạng bệnh tim mạch của ông đã ổn định hay chưa. Ông hoàn toàn có thể tiêm được vắc-xin khi bệnh tim mạch đã ổn định.

Các bệnh tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng là các bệnh lý nền mà người bệnh cần phải tiêm ngừa các vắc-xin COVID-19, đặc biệt là các bệnh lý đường hô hấp vì nguy cơ mắc bệnh nặng, tỉ lệ nhập viện và tử vong cao hơn so với những người khỏe mạnh.

Ngoài vắc-xin ngừa COVID-19 ông có thể tiêm thêm các vắc-xin bệnh lý đường hô hấp như cúm, phế cầu, ho gà,...

Việt Anh

  11:00 ngày 25/04/2023

Vắc-xin có thể phòng ngừa những bệnh gì. Tôi có thể trì hoãn, không đưa con đi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng không?

BS Lê Thị Trúc Phương

Hiện nay, bệnh truyền nhiễm có rất nhiều, tuy nhiên chỉ có hơn 40 bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc-xin. Bạn nên cho bé tiêm vắc-xin để chủ động phòng tránh.

Để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh khi tiêm vắc-xin cần tuân thủ liều lượng và lịch tiêm khuyến cáo của bác sĩ. Trong trường hợp bạn trì hoãn lịch tiêm thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh do chưa đủ kháng thể bảo vệ. Do đó, trong trường hợp bất khả kháng phải trì hoãn lịch tiêm thì bạn nên đưa trẻ đi tiêm càng sớm càng tốt để kịp thời tạo kháng thể bảo vệ chống lại các bệnh truyền nhiễm này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo