Ngoài vấn đề các hộ nuôi cá bị thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, một vấn đề nghiêm trọng khác rất đáng báo động, đó là: Có tình trạng nhiều hộ dân vì tiếc của nên đã lén lút đem số cá chết ra các chợ bán. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng
Sáng 19- 12 chúng tôi đi thực tế một loạt chợ trên địa bàn TPHCM như chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), Xóm Chiếu (quận 4), chợ Tân Thuận, Tân Kiểng (quận 7), chợ Xóm Củi (quận 8), chợ Cầu Ông Lãnh- Cầu Muối (quận 1)... không xác định được đâu là cá chết hàng loạt tại quận 7, đâu là cá chết tự nhiên do không còn trường hợp nào bán cá chết số lượng lớn với những chủng loại ghi nhận được tại quận 7 trước đó. Tuy nhiên cũng không loại trừ vẫn còn các trường hợp bán lẻ, số lượng ít bởi theo nhiều tiểu thương tại chợ Tân Thuận, Tân Kiểng, chợ Xóm Củi ngày hôm qua các chợ này có nhiều người bán cá chết.
Cá chết chỉ 5.000 đồng/kg
Bà Tư Xính, một tiểu thương ở chợ Xóm Củi, cho biết các loại cá chết bình thường giá từ 15.000 đồng- 25.000 đồng/kg nhưng hôm qua do lượng cá chết ở quận 7 quá nhiều, người bán muốn tiêu thụ nhanh nên đại hạ giá bán từ 5.000 đồng- 12.000 đồng/kg tùy cá lớn nhỏ. Nhiều người thấy rẻ mua bỏ mối cho các quán ăn bình dân, các bếp ăn tập thể và cũng không ít người mua về kho ăn dần.
Một số tiểu thương bán cá ở chợ Tân Thuận còn khoe: “Hôm qua, ở đây có cả chục người bày bán cá chết giá rẻ bèo nhưng hôm nay hết rồi, giá cá đã trở lại bình thường”.
Nếu cá đã kho cũng nên đổ bỏ
Theo ông Đặng Ái Việt, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, sáng 19-12 chi cục đã tiến hành lấy 4 mẫu nước, 3 mẫu cá tại các hồ có cá chết ở quận 7 để phân tích xét nghiệm tìm nguyên nhân. Khả năng vài ngày nữa sẽ có kết quả. Ông Việt cho biết, dù chưa có kết luận cụ thể nhưng qua những thông tin thu thập được như cá chết hàng loạt trong thời gian rất ngắn, trước khi chết cá lại quẫy đạp nhiều... cho thấy không phải do dịch bệnh mà rất có thể là do tác động của con người. Chẳng hạn như cá bị thuốc, bị nhiễm hóa chất, ô nhiễm chất thải công nghiệp... Mức độ gây hại cho sức khỏe người ăn loại cá này nhiều hay ít tùy thuộc vào loại thuốc, loại hóa chất cũng như hàm lượng... Song xét về căn bản, trừ một vài loại thuốc như Saponin, Rotenon vốn có nguồn gốc thực vật có thể diệt cá nhưng không gây hại cho người (người ta dùng diệt cá tạp để nuôi tôm), còn lại hầu hết đều có thể gây độc cho người với những mức độ khác nhau. Vì vậy tuyệt đối không nên ăn loại cá này kể cả cá đã kho chín cũng nên đổ bỏ.
Bác sĩ Trần Văn Ký, Phó Khoa Vệ sinh Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cũng đặt vấn đề: Nếu cá chết do chất thải công nghiệp, nhiễm hóa chất, cá bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu... là cá bị nhiễm các chất kim loại nặng. Người ăn phải loại cá bị nhiễm độc này sẽ tích tụ các chất kim loại nặng trong cơ thể dễ gây bệnh ung thư về sau. Trường hợp hàm lượng vượt quá mức cho phép sẽ bị ngộ độc cấp tính, có thể gây tử vong.
Cá nhiễm độc, dù móc ruột, phơi khô... vẫn gây độc
Chúng tôi cũng đã tiếp xúc với bác sĩ Trần Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Trường Đại học Y Dược TPHCM, và được ông cho biết: “Vì chưa xác định được cá chết do nhiễm độc chất gì nên không thể kết luận nếu ăn phải cá này cơ thể sẽ có những triệu chứng gì. Tuy nhiên, nếu là cá chết do nhiễm độc chất thì dù có được móc hết ruột hay phơi khô thì độc chất vẫn không thể tan hết. Chất độc đã ngắm vào thịt cá và làm người sử dụng sẽ bị nhiễm độc. Mức độ nhiễm độc và biến chứng còn tùy thuộc vào việc ăn phải thịt cá này nhiều hay ít. Nhưng ít hay nhiều thì việc ăn phải thịt cá này cũng rất nguy hiểm. Tốt hơn hết không nên sử dụng cá đã nhiễm độc, đặc biệt là cá nhiễm độc hàng loạt được dùng chế biến thức ăn hay dùng vào việc gì khác”.
Có khả năng cá chết vì ngộ độc?
Trưa 19-12, chúng tôi trở lại Công viên Đại Dương, phường Tân Qui, quận 7, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất 27.000 m2 và lượng cá chết lên đến khoảng trên dưới 10 tấn. Nhân viên của khu Công viên Đại Dương vẫn đang tiến hành mổ cá để phơi. Trên bờ, cá xay nhuyễn, thịt cá được lóc ra phơi hàng dãy, cạnh đó vẫn còn một số cá chết trương sình chưa kịp chuyển đi. Không khí nồng nặc mùi ôi thối của cá chết. Xung quanh ao, nhân viên Công viên Đại Dương đang tiến hành rắc vôi. Ông Lê Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Hải Thanh - Công viên Đại Dương, cho biết: “Trong ao, sinh vật duy nhất còn sống là tép và ốc bươu vàng. Các loại cá từ cá trôi ở tầng nước đáy, cá điêu hồng ở tầng giữa, cá mè tầng mặt nước... đều bị chết”. Về số cá đang được xẻ phơi khô, ông Dũng cho biết nếu sau này khi kết quả xét nghiệm không phải do ngộ độc, số cá khô sẽ được chế biến làm bột thức ăn cho cá.
Ghi nhận tại các hộ có cá bị chết khác, chúng tôi được biết do có số lượng cá nuôi ít nên một số hộ đã tìm cách bán được số cá trên. Riêng hộ ông Hà Văn Lắm - khu phố 3, phường Tân Qui, quận 7 - đã chôn số cá chết.
Trao đổi với chúng tôi về kết quả điều tra ban đầu, thiếu tá Lý Văn Ngộ, Phó Trưởng Công an quận 7, nói: “Khả năng cá chết do ô nhiễm nguồn nước cũng như dịch bệnh có thể loại trừ. Nếu xảy ra dịch bệnh hoặc ô nhiễm thì cá sẽ chết từ từ, không thể chết hàng loạt và nhanh chóng như vậy. Rất có khả năng là do cá bị ngộ độc. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác phải chờ kết quả giám định. Do vụ việc này chưa từng xảy ra bao giờ nên các ngành chức năng của quận vẫn còn đang tìm hướng giải quyết. Khó xác định là có tư thù cá nhân gì không, do những hộ dân này chỉ xác định ranh ao bằng tấm lưới nên tạo thành ao liên hoàn và nếu có việc tư thù sẽ dẫn đến hậu quả như thực tế”.
Được biết, cùng ngày Công an TP đã cử đội nghiệp vụ đến hiện trường để tìm hiểu sự việc.
Về việc thu gom cá chết, thiếu tá Ngộ cho biết, mặc dù Công an phường Tân Qui đã thông báo các hộ không được bán số cá chết, thế nhưng lượng cá chết cũng đã bị phân tán, không thể kiểm soát được.
Ngọc Hậu
Bình luận (0)