Hoạt động này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám chữa và giúp quản lý tốt quỹ BHYT tốt hơn.
Quản lý nguồn quỹ hiệu quả hơn
BHXH Việt Nam cho biết hiện cơ quan này đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc (dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và trên dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) trong khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Hiện công tác thí điểm cho người tham gia BHYT làm thủ tục KCB BHYT bằng công nghệ quét dấu vân tay, xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chíp đang được triển khai tại 5 cơ sở KCB BHYT của TP. Hà Nội và tỉnh Quảng Bình.
Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thế Mạnh thị sát việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay trên thẻ căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở y tế
Mới đây, đoàn công tác của BHXH Việt Nam do Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh làm Trưởng đoàn đã đến thăm và thị sát việc triển khai ứng dụng công nghệ này tại Bệnh viện đa khoa An Việt (Hà Nội). Cùng ngày, đoàn công tác cũng có buổi làm việc với BHXH quận Đống Đa, Hà Nội về việc triển khai thí điểm tiếp nhận hồ sơ tích hợp xác thực sinh trắc vân tay tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của BHXH quận.
Là một trong những đơn vị được triển khai thí điểm, Bệnh viện Đa khoa An Việt (Hà Nội) hiện đang tích cực thực hiện tiếp đón, quản lý người bệnh BHYT đến KCB với thủ tục đăng ký theo công nghệ sinh trắc xác thực vân tay trên thẻ CCCD gắn chíp. Đánh giá cao các ưu điểm của ứng dụng này đem lại khi mà hầu hết người dân đều đã sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa An Việt cho biết, việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay trên thẻ CCCD gắn chíp trong KCB BHYT đem đến nhiều thuận lợi cho người bệnh, nhân viên y tế và cán bộ giám định BHYT tại bệnh viện. Ứng dụng công nghệ này giúp giảm đáng kể thời gian, thủ tục đăng ký KCB, tạo sự tiện lợi tối đa cho người bệnh, mặt khác còn giúp nhân viên y tế xác thực chính xác bệnh nhân thông qua nhận diện vân tay của người bệnh; người bệnh không thể mượn thẻ của người khác để đi KCB, nhờ đó Quỹ BHYT được quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Ứng dụng Sinh trắc vân tay khi đi khám chữa bệnh BHYT đem lại nhiều thuận lợi cho người dân
"Trước đây, khi người dân chỉ sử dụng thẻ BHYT giấy trong KCB, nhân viên y tế gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các trường hợp thẻ bị cũ, mờ thông tin nên mất rất nhiều thời gian cho việc so sánh, đối chiếu với thông tin, hình ảnh trong chứng minh thư nhân dân của người bệnh. Thủ tục KCB trước gồm nhiều bước, song nay nhờ có việc ứng dụng công nghệ này vào KCB BHYT đã giúp đơn giản, tiết kiệm thời gian 3-4 lần so với trước"- PGS An chia sẻ.
Tiện ích cả "đôi bên"
Không những ứng dụng sinh trắc vân tay trong khám chữa bệnh, hiện BHXH Việt Nam còn triển khai thí điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chế độ BHXH, BHYT tích hợp xác thực sinh trắc vân tay. Viên chức tại bộ phận một cửa có thể xác định danh tính và an tâm giải quyết các quyền lợi liên quan cho người tham gia. Đồng thời, việc tích hợp xác thực sinh trắc vân tay trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cũng giúp cơ quan BHXH giảm thời gian trong khâu tiếp nhận hồ sơ, đảm bảo kiểm soát được thông tin người nộp hồ sơ, nâng cao chất lượng phục vụ cũng như giải quyết hồ sơ cho người dân.
Thực tế trong thời gian qua, đã có trường hợp làm giả giấy tờ tùy thân một cách tinh vi để lạm dụng, trục lợi các chế độ BHXH, BHYT. Viên chức cơ quan BHXH gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, đối chiếu thông tin người nộp hồ sơ hưởng các chế độ BHXH, BHYT và giải quyết chính sách cho người tham gia. Với việc tích hợp xác thực sinh trắc vân tay vào khâu tiếp nhận hồ sơ giúp viên chức phụ trách khâu tiếp nhận hồ sơ có thể xác định chính xác thông tin người nộp hồ sơ một cách nhanh chóng, đảm bảo khâu giải quyết các quyền lợi liên quan đúng - đủ theo quy định, không làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng và hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, Quỹ BHYT.
Bình luận (0)