Tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình 2.000 ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày. Bộ Y tế nhận định số ca mắc có xu hướng gia tăng trở lại.
Số ca mắc có xu hướng tăng
Thời gian gần đây, nhiều địa phương liên tục thông báo phát hiện thêm các ca nhiễm biến thể BA.5, BA.4 và BA.2.12.1 của chủng Omicron. Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron với khả năng lây nhanh.
Ca nhiễm biến thể BA.5 đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 6-2022. Từ đó đến nay, Việt Nam liên tục ghi nhận thêm các ca biến thể mới BA.4, BA.2.12.1.
Ngày 17-8, Bộ Y tế thông tin biến thể BA.2.74 đã xâm nhập Việt Nam. Ca bệnh mắc biến thể phụ BA.2.74 đầu tiên ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) vào ngày 8-8. Như vậy, đến nay nước ta đã xuất hiện 4 biến thể phụ của chủng Omicron, gồm: BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1.
Theo các nhà khoa học trên thế giới, BA.2.74 là dòng phụ của biến thể BA.2 và BA.2 là dòng phụ của biến thể Omicron. Đây còn được gọi là các dòng phụ thế hệ thứ hai. Các công bố mới đây cho biết BA.2.74 là một trong 3 biến thể phụ mới phát sinh từ Omicron "tàng hình" BA.2 - dễ lây nhiễm hơn phiên bản gốc. Biến thể phụ mới được cảnh báo có khả năng lây lan nhanh hơn và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày qua, cả nước có gần 14.500 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, ngày đỉnh điểm có số ca mắc lên gần 3.000 - cao nhất trong hơn 3 tháng qua. Số bệnh nhân nặng cũng tăng theo với 226 bệnh nhân đang điều trị. Trong 6 ngày qua, cả nước ghi nhận 7 ca tử vong - cao nhất trong nhiều tháng qua.
Bộ Y tế cho biết tại nhiều tỉnh, thành phía Nam, các biến thể phụ BA.4, BA.5 đang chiếm ưu thế được ghi nhận tại TP HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre... và một số tỉnh, thành khác ở phía Bắc như Hải Dương, Thái Bình, Cao Bằng và Nghệ An...
Một khảo sát được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM thực hiện ở bệnh nhân mắc Covid-19 trong tuần cuối tháng 7-2022 cho thấy số ca nhiễm biến thể BA.5 chiếm ưu thế với 80% tổng số ca bệnh. Các biến thể khác như BA.2, BA.4, BA.2.12.1 chiếm tỉ lệ nhỏ. Trước sự xuất hiện của hàng loạt biến thể mới và số ca nhiễm bất ngờ tăng cao, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã có văn bản khẩn đề nghị các địa phương theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch.
Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại một cơ sở y tế trong thời điểm dịch bùng phát mạnh
Vắc-xin vẫn là vũ khí hữu hiệu
Về khả năng đáp ứng của vắc-xin ngừa Covid-19 hiện nay trước sự thay đổi của biến thể Omicron, một số chuyên gia cho biết đa số biến chủng hay biến chủng phụ mới xuất hiện thời gian gần đây thường có hiện tượng tránh né kháng thể, dù là kháng thể do tiêm chủng vắc-xin hay bị mắc bệnh.
Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bản chất của virus SARS-CoV-2 là luôn tiến hóa và sẽ xuất hiện các biến thể mới. Tuy nhiên, với các biến thể phụ hiện nay của Omicron, vắc-xin vẫn có tác dụng phòng bệnh. Đây là lý do Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm các mũi nhắc lại, mũi tăng cường.
GS-TS Phan Trọng Lân lưu ý: "Thông thường, sau mắc hoặc khi hoàn tất các mũi tiêm cơ bản vắc-xin ngừa Covid-19 từ 4-6 tháng thì miễn dịch sẽ giảm. Đặc biệt, người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi thì miễn dịch sẽ giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần tiêm mũi nhắc lại đúng lịch, đúng liều để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập".
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế, cho biết tác dụng của vắc-xin ngừa Covid-19 suy giảm theo thời gian. Một số nhóm người chưa tiêm đủ liều vắc-xin có thể làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Vì vậy, việc tiêm chủng nhắc lại là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt. Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định các vắc-xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả biến thể của virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế cho biết hiện cả nước đã tiêm gần 251,7 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19. Trong đó, nhóm từ 18 tuổi trở lên có tỉ lệ tiêm mũi 3 đạt gần 75%, nhóm từ 12 - 18 tuổi là 44,2%. Nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi có tỉ lệ tiêm vắc-xin được đánh giá là khá thấp. Đến thời điểm này chỉ còn 14 ngày nữa để hoàn thành mục tiêu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trước khi vào năm học mới nhưng nhiều tỉnh, thành vẫn tiêm rất chậm cả 2 mũi, có địa phương tiêm mũi 2 chưa đạt 15%. Theo PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, nhiều người lo ngại phản ứng phụ đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 không những giúp trẻ tránh bị hội chứng suy đa cơ quan (MIS-C) mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ bị MIS-C.
Với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, theo nghiên cứu từ Mỹ, ước tính hiệu quả của 2 liều vắc-xin Pfizer chống lại MIS-C là 91%. Đặc biệt, với trẻ béo phì, có bệnh nền, bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch... mà không tiêm vắc-xin thì khi mắc Covid-19 sẽ dễ chuyển biến nặng như suy hô hấp, sốc, nhiễm trùng bội nhiễm..., thậm chí tử vong.
Hai kịch bản chống dịch Covid-19
Bộ Y tế vừa lên kịch bản ứng phó dịch Covid-19 do biến thể mới làm gia tăng ca tử vong, trong đó đưa ra 2 tình huống ứng phó dịch Covid-19 năm 2022 - 2023. Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng. Các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch khiến ca nặng hoặc tử vong tăng, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Theo đó, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số ca mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: giám sát phát hiện; kiểm soát ra vào vùng có dịch; cách ly, theo dõi sức khỏe...
Bình luận (0)