Ung thư cổ tử cung thường gặp nhất ở phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi. Khi người bệnh nhiễm các type Human Papilloma Virus (HPV) có nguy cơ cao, tồn tại dai dẳng đã được khẳng định là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung.
Biểu hiện của ung thư cổ tử cung
Có nhiều yếu tố tạo thuận lợi cho tiến triển ung thư cổ tử cung từ nhiễm HPV (virus u nhú ở người): Sinh nhiều lần, tuổi bắt đầu quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, hút thuốc lá… Ung thư cổ tử cung có liên quan với suy giảm miễn dịch, tần suất gia tăng ở những bệnh nhân ghép tạng và những người nhiễm HIV/AIDS.
Giai đoạn tiền ung thư thường không có triệu chứng. Khi có các dấu hiệu khác thường như huyết trắng dai dẳng, có mùi hôi hoặc có lẫn một chút máu, chảy máu bất thường trong âm đạo (chảy máu bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, ra máu âm đạo trong suốt thời gian dài, ra máu âm đạo sau thời kỳ mãn kinh), vùng xương chậu thường xuyên có cảm giác đau, cảm giác đau khi quan hệ tình dục, bạn cần phải đi khám phụ khoa ngay. Đây là những dấu hiệu cảnh báo giúp bạn phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh. Khi bệnh nặng, có chảy dịch nhiều lẫn máu từ âm đạo kèm với đau nhức vùng lưng, vùng chậu hoặc ở chân.
HPV lây qua đường tình dục
HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục, lây khi tiếp xúc qua da. 80% phụ nữ đã từng có quan hệ tình dục sẽ bị mắc HPV vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Phần lớn mọi người bị nhiễm đều không có bất kỳ dấu hiệu nào. HPV có thể tự biến mất mà không gây ra bất cứ vấn đề sức khỏe nào. Một tỉ lệ nhỏ trong số đó sẽ là nguyên nhân gây ung thư. Nhiễm dai dẳng là nguyên nhân tổn thương tiền ung thư hay ung thư.
Có thể giảm nguy cơ bị nhiễm HPV bằng cách sống chung thủy một vợ một chồng, hạn chế số bạn tình. Những vùng bao cao su không che kín được vẫn có thể bị nhiễm virus.
Hiện nay đã có vắc-xin ngừa những type HPV gây bệnh phổ biến nhất và việc chủng ngừa song song với khám tầm soát định kỳ sẽ giúp chị em phòng ngừa bệnh này tốt nhất. Có 2 loại vắc-xin đã được công nhận có tác dụng ngăn ngừa HPV và đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Vắc-xin được cấp phép để tiêm ngừa cho trẻ gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi. Tốt nhất nên tiêm vắc-xin trước khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Những phụ nữ đã được tiêm vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung vẫn cần khám và tầm soát ung thư cổ tử cung đều đặn.
Việc khám phụ khoa và thực hiện tầm soát bằng phết tế bào cổ tử cung (pap smear) ít nhất mỗi năm một lần là rất cần thiết đối với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục. Phương pháp này giúp kiểm tra và phát hiện sớm các thay đổi ở tế bào để có thể chữa trị các tổn thương lành tính ở cổ tử cung hoặc ung thư ở các giai đoạn đầu để có thể chữa trị trước khi bệnh tiến triển quá nặng. Tình huống tử vong do ung thư cổ tử cung sẽ là rất hiếm nếu bệnh được phát hiện sớm.
Các phương pháp phát hiện ung thư cổ tử cung
Phết tế bào cổ tử cung là xét nghiệm được dùng rộng rãi để tầm soát ung thư cổ tử cung. Một thủ thuật nhỏ lấy các tế bào từ bề mặt cổ tử cung, sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Các tế bào hình dạng bất ổn hoặc các tế bào ung thư sẽ dễ dàng được phát hiện. Các chị em phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên làm xét nghiệm này mỗi năm một lần. Khi cần, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung, khoét chóp cổ tử cung, cắt đoạn cổ tử cung để thử tế bào, nạo sinh thiết từng phần soi lòng tử cung hoặc chụp X-quang buồng tử cung.
Bình luận (0)