Ung thư dạ dày là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Mỗi năm, nước ta có khoảng hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Đây là con số rất đáng báo động. Bệnh được dự báo có xu hướng gia tăng và trẻ hóa.
Bệnh thường gặp nhất ở Việt Nam
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện K Phạm Văn Bình, dẫn thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết năm 2018, ước tính trên thế giới có hơn 1.033.000 ca ung thư dạ dày mắc mới và số ca tử vong là khoảng 800.000 ca. Xu hướng ngày càng trẻ hóa là thực tế đáng ngại của ung thư dạ dày. "Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân đến khám với dấu hiệu đau vùng thượng vị một cách mơ hồ, đau có thể lan ra sau lưng kèm cảm giác nóng rát, mệt mỏi, chán ăn. Trong trường hợp bệnh ung thư tiến triển hơn, người bệnh có thể thấy những dấu hiệu rõ hơn như: bệnh nhân có khối u lớn, gây hẹp một phần dạ dày, cảm thấy đau, buồn nôn, thể trạng toàn thân thiếu máu, gầy sút. Đấy là những biểu hiện bệnh tiến triển của ung thư giai đoạn muộn hơn" - bác sĩ Bình nói.
Một ca phẫu thuật điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện Kảnh: Hà Trần
Theo bác sĩ Bình, trong các yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày đầu tiên là các yếu tố nguy cơ về nhiễm khuẩn (vi khuẩn helicobacter pylori - HP), ước tính trên thế giới có khoảng 70% dân số thế giới mắc vi khuẩn HP này. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HP cũng bị ung thư dạ dày. Tiếp đến, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư càng lớn, từ 40-50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người trẻ. Tuy nhiên, ung thư dạ dày nói riêng và ung thư nói chung có xu hướng trẻ hóa. Thứ 3 là chế độ ăn uống: Ăn nhiều chất cay, nhiều đồ ăn nướng, ăn nhiều thịt, ít chất xơ, ít vận động cũng là một trong những nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Yếu tố thứ 4 theo bác sĩ Bình là có yếu tố gia đình. "Trong gia đình có người mắc ung thư dạ dày thì nhóm người trong gia đình này có tỉ lệ mắc ung thư cao hơn. Một số nghiên cứu gần đây chứng minh nguy cơ mắc bệnh này có liên quan đến đột biến gien" - ông nói. Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm loét dạ dày lành tính lâu năm, có thể tác động bởi biến đổi về mặt sinh lý trong dạ dày thay đổi, gây nên ung thư dạ dày...
Nội soi để phát hiện sớm ung thư dạ dày
Từ thực tế điều trị, bác sĩ Bình cho biết việc tiến hành sàng lọc và phát hiện sớm ung thư dạ dày mang lại hiệu quả tích cực bởi phát hiện càng sớm, khả năng điều trị thành công rất cao. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay, tỉ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn khá cao, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn kém về kinh phí và hiệu quả điều trị. "Hiện nay, các phương pháp nội soi dạ dày có thể giúp phát hiện sớm các bất thường trong dạ dày. Nếu phát hiện ra tổn thương, bác sĩ sẽ sinh thiết để chẩn đoán sớm ung thư" - bác sĩ Bình lưu ý.
Do vậy, người dân không nên bỏ qua các dấu hiệu như: đầy tức bụng, chán ăn, sút cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi. Nếu như sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày; nôn ra máu, ợ chua, đầy bụng sau khi ăn, đi ngoài phân màu bất thường thì rất có thể cảnh báo bạn đã mắc ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu như thấy những dấu hiệu trên cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.
Bình luận (0)