Bệnh ung thư đại trực tràng (ĐTT) gặp ngày càng nhiều ở Việt Nam, chiếm hàng thứ hai trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa, ít hơn ung thư gan nhưng nhiều hơn ung thư dạ dày. Hiện ung thư ĐTT không còn là bệnh nan y nữa mà có thể chữa hết hoàn toàn nếu được phát hiện ở những giai đoạn sớm.
Một ca phẫu thuật điều trị ung thư đại trực tràng. Ảnh: ĐẠI CƯỜNG
Những người nào dễ mắc bệnh ung thư ĐTT? Bệnh ung thư ĐTT có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, có hơn 90% các trường hợp phát bệnh ở tuổi trên 40. Sau đó, cứ mỗi 10 năm thì nguy cơ mắc bệnh tăng lên gấp đôi. Điều này có nghĩa là tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
Ngoài yếu tố tuổi cao, những người sau đây cũng dễ mắc bệnh hơn những người khác: Người có anh chị em hoặc cha mẹ mắc bệnh ung thư hay polyp ĐTT, người bị bệnh viêm loét ĐTT, người bệnh đa polyp đại tràng, người bị bệnh ung thư vú hay tử cung.
Triệu chứng của ung thư ĐTT là gì? Các triệu chứng thường gặp của ung thư ĐTT là đi tiêu ra máu và thay đổi thói quen đi vệ sinh. Đau bụng và sút cân là những triệu chứng muộn của bệnh. Đáng tiếc là các polyp hay ung thư ở giai đoạn sớm thường không gây triệu chứng gì khó chịu. Do vậy, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho những người trên 50 tuổi nên bao gồm cả tầm soát ung thư ĐTT.
Có nhiều phương cách tầm soát ung thư ĐTT, như: bác sĩ thăm khám trực tràng bằng ngón tay, xét nghiệm phân để tìm máu, nội soi đại tràng chậu hông hay nội soi đại tràng, chụp hình đại tràng cản quang. Bác sĩ sẽ thảo luận và lựa chọn phương cách thích hợp cho bệnh nhân.
Điều trị ung thư ĐTT như thế nào? Hầu hết các trường hợp ung thư ĐTT phải được phẫu thuật cắt đoạn ĐTT kèm theo khối u để điều trị bệnh. Tùy theo vị trí, giai đoạn u và sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ lựa chọn kỹ thuật mổ mở (vết thương lớn 20 – 25 cm ở thành bụng) hay phẫu thuật nội soi (với vết mổ 1 cm, hình ảnh được truyền ra màn hình bên ngoài). Chiếu xạ hay truyền hóa chất có thể được sử dụng thêm vào trong quá trình điều trị, tùy theo giai đoạn và vị trí u.
Điều trị ung thư ĐTT trong giai đoạn mới phát triển của bệnh cho tỉ lệ thành công từ 80% – 90%. Tuy nhiên, tỉ lệ này giảm xuống còn 50% nếu phát hiện trong giai đoạn muộn hơn. Nhờ kỹ thuật nội soi và các máy khâu nối tự động, bệnh nhân mổ ung thư ĐTT ít khi phải mang hậu môn nhân tạo (dưới 5%).
Có thể ngăn ngừa ung thư ĐTT? Ung thư ĐTT hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng cách loại trừ các polyp ĐTT hay các sang thương tiền ung thư, kỹ thuật này được thực hiện dễ dàng trong lúc nội soi ĐTT.
Chế độ ăn ít béo, đạm, nhiều chất xơ, luyện tập thể dục đều đặn cũng giúp ngăn ngừa ung thư ĐTT phát triển. Cảnh giác đến sự thay đổi thói quen đại tiện. Khi táo bón kéo dài, tiêu chảy nhiều ngày, táo bón xen lẫn tiêu chảy, tiêu phân đàm máu... phải đến bác sĩ khám ngay.
Nội soi đại tràng thực hiện tầm soát ung thư cho những bệnh nhân trên 50 tuổi và những người có nguy cơ bị bệnh cao (những người có người thân bị bệnh ung thư ĐTT phải được soi từ năm 40 tuổi).
Ung thư ĐTT là một bệnh có thể phòng ngừa và điều trị rất hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để tránh việc điều trị khó khăn, tốn kém và ít hiệu quả.
Từ những polyp lành tính
Hầu hết ung thư ĐTT có nguồn gốc phát triển từ những polyp lành tính. Các sang thương tiền ung thư này xuất hiện ở niêm mạc ĐTT, nhiều nhất là ở những người trung niên, polyp có thể lớn lên và chuyển thành ung thư. Vì vậy, loại bỏ các polyp này là một phương cách để ngăn ngừa ung thư ĐTT. |
Bình luận (0)