Nhiều nguyên nhân gây nên ung thư gan
“Chồng tôi đang khỏe mạnh, trước nay không có bệnh gì hết, đi siêu âm mới biết bị ung thư gan”. Ít ai ngờ là mầm bệnh đã có từ lâu rồi, nhiễm trùng gan mạn tính hay là viêm gan. Nhiễm rồi thì mầm bệnh còn trong người. Đáng sợ nhất là bị nhiễm virus viêm gan B (HBV) hoặc C (HCV).
Viêm gan siêu vi là một đại dịch với mối đe dọa chết người: xơ gan và ung thư gan. Nước ta nằm trong vùng dịch viêm gan này. Phỏng định có 10%-20% dân số nhiễm HBV mạn, cả nước có khoảng 7-14 triệu người nhiễm HBV mạn tính. Chưa kể HCV chưa tính được. Dịch viêm gan rõ ràng đưa đến dịch ung thư gan. Số liệu ghi nhận mới nhất ở Hà Nội và TPHCM đều cho thấy ung thư gan ở đàn ông là loại thường gặp nhất suýt soát ung thư phổi. Ở phụ nữ, ung thư gan chỉ sau ung thư vú và cổ tử cung. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết cứ 100 người bị ung thư tế bào gan thì 80 người là do HBV và 20 người là do HCV. Các virus này có thể lây lan từ người này sang người khác qua đường máu (truyền máu, tiêm chích kim dơ) hoặc do quan hệ tình dục. Trẻ sơ sinh cũng có thể bị lây từ mẹ.
Có người không hề biết mình đã bị viêm gan nên khi bị phát hiện ung thư cảm thấy như trên trời rơi xuống. Ung thư gan và xơ gan phát triển âm thầm sau nhiều năm nhiễm virus. Rất nhiều người không thấy triệu chứng viêm gan nhưng xét nghiệm máu qua khám sức khỏe định kỳ mới biết được. Xơ gan là bệnh do các tế bào gan bị thương tổn rồi mô xơ lần lần thay thế khiến gan bị chai đi. Virus, ký sinh trùng, thuốc hay hóa chất có thể gây ra xơ gan, nguyên nhân chính lại là uống rượu quá độ. Nhiễm chất độc aflatoxin do ăn các loại nấm mốc ở các loại như đậu phộng, bắp... cũng gây ung thư gan.
Đừng để trời kêu ai nấy dạ
Ung thư gan rất khó trị. Hai yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc khi điều trị là kích thước của khối bướu ung thư và gan có bị xơ hay không. Dựa trên mức độ lan rộng, bác sĩ xem ung thư còn mổ được không. Bệnh còn ở thời kỳ sớm và phần gan lành còn tốt thì có thể mổ được và trị tốt. Hiện nay, chỉ có một số ít người bệnh được phát hiện sớm ung thư gan nhờ đó có thể mổ lấy trọn khối bướu và cơ may trị tốt khá lớn. Qua ngưỡng sống còn 5 năm thì cơ may khỏi bệnh rất lớn. Đáng buồn là tỉ lệ này không tới 10%. Đa số người bệnh ung thư gan lại bị xơ gan, tự nó cũng là căn bệnh chết người. May thay, ung thư gan là căn bệnh có thể phòng ngừa được!
Đừng đổ thừa “trời kêu ai nấy dạ”. Phải tránh xa HBV/HCV như tránh xa HIV-AIDS. Nếu không thì “bụng làm dạ chịu”. Phải xử lý đúng cách với viêm gan siêu vi. Cách ngừa viêm gan hiệu quả nhất là chủng ngừa HBV, vắc-xin giúp tránh nguy cơ nhiễm bệnh khoảng 90% cho trẻ em và người lớn. Ai cũng tiêm chủng HBV được, trẻ con, người lớn, người có tuổi. Trẻ em nên được tiêm chủng thật sớm, từ lúc mới sinh cho đến 1 tuổi. Tránh quan hệ tình dục không an toàn. Khi cần tiêm thuốc phải chắc là dùng kim vô trùng. Coi chừng khi xăm thẩm mỹ chân mày... hay xăm hình trên da, xỏ lỗ tai, lỗ mũi để đeo bông.
Rất mừng là hiện nay đã có vài loại thuốc trị hiệu quả HBV. Phải triệt để theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Còn đối với HCV thì việc điều trị rất khó khăn, hiện chưa có vắc-xin ngừa HCV, nhưng cũng có vài loại thuốc đang được dùng thử.
Nên biết “sáng say chiều xỉn” là nguồn cơn rõ ràng của chứng xơ gan, tự nó là bất trị, mà còn dẫn đến ung thư gan. Đàn ông bị ung thư gan nhiều gấp 3-4 lần phụ nữ. Cùng bị phơi nhiễm virus viêm gan B và C, nhưng giới mày râu uống rượu nhiều, lại dùng thức nhắm gì cũng được.
Nên rà tìm để biết bệnh khi còn sớm
Ung thư gan rất đáng sợ vì đây là căn bệnh thầm lặng, ở thời kỳ sớm thường không có triệu chứng gì cả. Bị viêm gan HBV hoặc HCV, trong gia đình có người bị ung thư gan, ai thấy mình có nguy cơ cao, nên nhờ bác sĩ tư vấn rà tìm. Làm siêu âm không tốn kém nhiều, không có hại, giúp phát hiện ung thư gan. Lấy máu thử tìm AFP (Alpha-FetoProtein), loại protein thấy ở máu của thai phôi, nhưng biến mất sau sinh. Nếu trong máu có AFP quá ngưỡng thì có thể nghi ngờ ung thư gan (hoặc ung thư khác). Xét nghiệm AFP giúp rà tìm ở người có nguy cơ cao. Nên nhớ có khi ung thư gan đã lớn mà lượng AFP thấy bình thường, ngược lại AFP bất thường cũng có thể gặp ở nhiều bệnh không ung thư.
Hiện nay có nhiều tiến bộ về định bệnh. Cắt lớp điện toán (CT gan) giúp bác sĩ thấy rõ được có bướu hay không, trong hay ngoài gan, loại gì. Cộng hưởng từ MRI dùng sóng điện từ để thu được hình ảnh, MRI không có hại, có thể định được bướu lành hoặc ác tính. Xét nghiệm thấy nghi ngờ ung thư thì phải làm sinh thiết mới biết chính xác căn bệnh.
Bình luận (0)