Theo UICC, hiện nay mỗi năm thế giới phát hiện hơn 160.000 trường hợp ca mới về ung thư trẻ em, gây tử vong cho 90.000 trẻ. Đáng buồn là 80% trẻ em bị ung thư lại ở những nước đang phát triển và hơn 50% số này phải tử vong.
Lễ phát động diễn ra trang trọng tại Viện Bảo tàng Jacquemart-André, trên đại lộ Haussman, quận 8. Mở đầu, TS Franco Cavalli, Chủ tịch UICC, khẳng định: “Chúng ta phải đi đến cùng trong việc hạ thấp tỉ lệ trẻ em tử vong vì ung thư trên toàn thế giới. Ở những nước đang phát triển, chính phủ không có nhiều kinh phí để nâng cao kiến thức của người dân về bệnh, vì thế chiến dịch này ra đời nhằm cho mọi người dân biết rằng ung thư trẻ em có thể được chữa lành”.
Vì điều này mà vào giữa năm qua, UICC và Sanofi-Aventis đã đề nghị 10 quốc gia đang phát triển là Bangladesh, Ai Cập, Honduras, Morocco, Philippines, Senegal, Tanzania, Ukraine, Venezuella và Việt Nam gửi dự án nghiên cứu và phòng chống ung thư trẻ em. Từ 58 dự án gửi đến, Ban Tổ chức đã chọn ra 14 dự án để tài trợ, mỗi dự án sẽ được nhận tối đa 50.000 euro/năm, kéo dài 3 năm. Tại Việt Nam, dự án của Bệnh viện (BV) K Hà Nội được chọn và nhận số tiền tài trợ 30.000 euro cho năm đầu tiên. Nếu hiệu quả, kinh phí cho năm tới sẽ tăng lên. Phát biểu tại buổi lễ, TS Trần Văn Thuấn, Phó Khoa Nội BV K Hà Nội, cho biết: “Qua dự án của chúng tôi, cộng đồng sẽ được tuyên truyền về cách nhận biết những dấu hiệu ung thư trẻ em để có thể phát hiện chúng từ giai đoạn sớm nhất. Dự án còn nhắm đến việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ung thư ở trẻ em”.
Một khảo sát chưa đầy đủ của BV Ung Bướu TPHCM và BV K Hà Nội cho thấy ung thư trẻ em chiếm khoảng 10% tổng số người bệnh ung thư.
Những bệnh thường gặp nhất là bạch cầu cấp, Hogdkin, U Wilms và sarcom phần mềm... Tuy nhiên, theo TS Thuấn, ung thư trẻ em không phải là vô phương cứu chữa, vì 1/3 trường hợp có thể dự phòng, 1/3 có thể được chữa khỏi nhờ sàng lọc phát hiện bệnh sớm kết hợp với điều trị kịp thời.
Bác sĩ Trần Chánh Khương, Trưởng Khoa Ung Bướu nhi BV Ung Bướu TPHCM, cho biết ung thư trẻ em có thể nhận biết sớm bằng 7 dấu hiệu là: 1) Trẻ xanh xao và mệt mỏi vô cớ, 2) Có một khối u, hạch hoặc chỗ sưng bất thường, 3) Đau một khớp xương bất thường hoặc đi khập khiễng, 4) Nhức đầu tăng dần, có kèm nôn ói vào buổi sáng, 5) Mắt nhìn kém bất chợt hoặc có đốm trắng ở tròng đen mắt, 6) Sụt cân, bụng to và sờ thấy bướu 7) Sốt cao kéo dài và có vết bầm hoặc chảy máu ở răng, mũi.
Theo bác sĩ Khương, tuy chiếm tỉ lệ nhỏ, nhưng ung thư trẻ em có tác động mạnh mẽ, lâu dài đến bản thân trẻ, gia đình và cộng đồng. UICC nhận định trong khi ở những nước đang phát triển hơn 50% trẻ em bị ung thư tử vong, thì ở những nước phát triển, con số này chỉ chưa đến 20%.
Bình luận (0)