Rượu sâm banh (nồng độ 11%) có thể uống khoảng 150-200 ml. Rượu màu có mùi (nồng độ 17-20%) uống khoảng 50 ml. Rượu trắng nặng (nồng độ 35-40%) chỉ nên uống khoảng 25 ml.
Theo giáo sư Dụ, ngày càng nhiều người ngộ độc do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng. Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm trước, trong và sau Tết, số bệnh nhân ngộ độc bia rượu đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc lại tăng vọt, chiếm gần 50% tổng số bệnh nhân ngộ độc rượu của cả năm.
Triệu chứng ngộ độc thường là ngủ say li bì, không biết gì. Có người nằm cả ngày, gia đình tưởng ngủ không gọi dậy, đến khi lay mãi không tỉnh mới hoảng hồn mang vào bệnh viện thì đã muộn.
Loại rượu gây ngộ độc nhiều nhất là sản phẩm do dân tự nấu, tự pha chế, vì có nồng độ methanol và ethyl glycol cao. Hai chất hóa học độc hại này thường dùng trong công nghiệp như chế biến sơn, đánh bóng đồ gỗ. Các vụ ngộ độc rượu có nồng độ methanol cao thường rơi vào người sống ở nông thôn do giá rẻ, chỉ khoảng 5.000 đồng/lít. Nhiều cơ sở mua rượu này về pha chế và đóng vào các chai dán mác ngoại.
Theo bà Dụ, người sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang có dấu hiệu trẻ hóa. Ngộ độc rượu cấp cứu tại Trung tâm Chống độc chủ yếu trong độ tuổi lao động (20-50). Dịp Tết năm ngoái, trung tâm tiếp nhận những bệnh nhân nhỏ tuổi ngộ độc rượu.
Ngộ độc rượu ở trẻ em nặng nề hơn người lớn rất nhiều bởi gan, hệ thống miễn dịch và bộ não của trẻ chưa phát triển đủ để ứng phó với nồng độ rượu cao.
Bình luận (0)