Khoảng 12 giờ ngày 27-3, bà ngọai của bé L.Q.H lấy một gói “thuốc” bột màu xám trong tủ thuốc gia đình cho bé H. uống để… trị ho, sổ mũi. Hai giờ sau, bé H. than mệt, tím môi và tay chân. H. được bà đưa ngay đến bệnh viện huyện, rồi được chuyển đến bệnh viện đa khoa khu vực. Các bác sĩ nghi ngờ H. bị methemoglobine máu, do không có thuốc giải độc, bệnh viện tức tốc chuyển bé lên BVNĐ 1 vào giữa khuya 27-3.
Bé L.Q.H bình phục trong niềm vui của bà ngoại và các y bác sĩ BVNĐ 1 |
Tại Khoa Hồi sức cấp cứu BVNĐ1, cá bác sĩ tiến hành cấp cứu tích cực, tiêm ngay thuốc giải độc vào mạch máu, đồng thời cho H. uống than hoạt tính để hấp thu bớt độc chất trong ruột. Nhờ thế, sau 24 giờ điều trị, tình trạng ngộ độc của bé H. cải thiện dần và hết tím tái.
BS Tiến cho biết: Qua trao đổi với người nhà của H. thì được biết thứ “thuốc” để trong tủ thuốc gia đình mà bà ngoại của bé tưởng là thuốc tán chính là thuốc súng (chlorates) mà mẹ cháu xin được để… xức ghẻ!
Nhân trường hợp này, BS TIến lưu ý phụ huynh không dùng “thuốc súng” để trị ghẻ ngứa vì hiện đã có rất nhiều thuốc trị ghẻ ngứa rất hiệu quả và an toàn. Phụ huynh cũng cần cẩn trọng trong việc dùng thuốc cho trẻ: phải đọc kỹ nhãn thuốc, liều dùng hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ; không được cho trẻ uống thuốc khi không biết rõ đó là thuốc gì, nguồn gốc ở đâu. ..
Methemoglobine là gì? Đó là sản phẩm của Hemoglobine (một thành phần quan trọng của hồng cầu) bị oxy hóa, trong đó sắt (Fe++) hóa trị 2 trong hemoglobine được chuyển thành sắt (Fe+++) hóa trị 3. Hemoglobine có khả năng chuyên chở oxy đến mô cơ thể nên làm da niêm có màu hồng trong khi Methemoglobin không có khả năng vận chuyển oxy nên làm da niêm tím tái. Bình thường trong hồng cầu vẫn hình thành methemoglobine nhưng không tồn tại lâu vì cơ thể có hệ thống men khử methemoglobine thành hemoglobine. Tuy nhiên, có một số tác nhân oxy hóa mạnh có thể biến đổi hemoglobine thành methemoglobine, ở mức quá khả năng bù trừ của cơ thể, làm tăng methemoglobine trong máu, khiến bệnh nhân bị tím tái và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời Các tác nhân này có thể kể là: Chlorates - thuốc súng, Aniline - phẩm nhuộm, Trinitrotoluene - thuốc nổ, thuốc Nitroglycerine, Sulfonamide, Primaquine, Chloroquine, Lidocain, Prilocain – EMLA, Benzocain – gây tê tại chỗ, Nitrate bạc xức phỏng, thức ăn nước uống có nhiều nitrate như củ dền, cà rốt, bắp cải, củ cải đường, nước cải bẹ xanh, nước giếng... . BS Nguyễn Minh Tiến |
Bình luận (0)