Thời buổi này đi mua rượu may nhờ, rủi chịu. Kinh nghiệm phân tích rượu bao nhiêu năm cũng không cho tôi sự bén nhạy hơn vì bây giờ rượu giả được làm tinh vi lắm!”. PGS-TS Nguyễn Phương Tùng, Viện Khoa học vật liệu, người rất rành về quy trình chưng cất rượu, cũng lắc đầu ngao ngán trước thị trường rượu thật giả khó biết hiện nay.
Đụng đâu, giả đó!
Theo thống kê của Chi cục Quản lý Thị trường TPHCM, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2007, các đoàn kiểm tra đã thu hồi hơn 2.000 chai không tem, nhãn mác thuộc các hãng rượu Tây như Hennessy, Whisky... tuồn về từ các tỉnh thành, biên giới miền Trung. Sau đó, chỉ trong tháng 10, Chi cục Quản lý Thị trường TPHCM còn bắt được 3.117 chai rượu Tây không phép, 47 chai rượu Tây nhiều loại vi phạm chứng từ và 47 chai rượu giả. Tháng 11, dù không phải là đợt kiểm tra rượu chính thức nhưng đoàn kiểm tra liên ngành quản lý thị trường của TPHCM cũng bắt được 82 chai Cognac, Whisky, Rémy Martin, Hennessy các loại làm giả tem hoặc không có tem. Ông Nguyễn Quang Phúc, cán bộ đơn vị này, cho biết: “Thực chất của những lần bắt rượu giả này là... đi kiểm tra thứ khác nên thấy thì bắt luôn. Mà lần nào cũng vậy, cứ đụng vào rượu thì thế nào cũng có “hàng dính”.
Từ tháng 9 đến nay, đoàn thanh tra của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cũng đã bắt và niêm phong tổng cộng 19 thùng các loại và 93 chai rượu mang nhãn mác Black khi kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất rượu tại TPHCM. Nhận định về thực tế này, ông Phạm Hữu Cát, Chi cục Quản lý Chất lượng hàng hóa miền Nam, nói: “Hầu như loại rượu nào cũng bị làm giả, từ rượu rẻ tiền như rượu chuối hột đến các hãng rượu ngoại nổi tiếng”. Ông Cát nghi ngờ rằng các loại rượu không tem, rượu lậu cũng đều là... hàng giả được tuồn từ các nước khác sang hoặc được sản xuất trong nước.
Cồn + hương liệu + màu
Theo nhiều nhà phân tích, quy trình sản xuất rượu Tây hay rượu ta giả rất đơn giản. Chúng chỉ bao gồm pha chế, trộn các thứ như cồn, đường, hương liệu, màu mà một số phụ gia khác với những nồng độ riêng để tạo các loại rượu khác nhau. Kẻ làm giả “tử tế hơn” thì sẽ dùng rượu trắng rẻ tiền để pha hoặc dùng cồn thực phẩm. Nhưng đa phần đều sử dụng cồn công nghiệp để pha chế vì giá rẻ. TS Phạm Thành Quân, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết: “Để tạo mùi đặc trưng và tinh vi như những chai rượu ngoại xịn, “các ảo thuật gia” rượu Tây thường dùng phương pháp “bình cũ, rượu mới”, hút hết rượu thật đi và giữ hương vị lại, hoặc cho một ít rượu thật trộn vào thứ rượu giả để “dậy mùi”.
Nhiều nhà chuyên môn tiết lộ, “hút rượu” đã trở thành một công nghệ ngầm trong giới làm rượu giả. Sử dụng một cái khoan có đầu mũi bằng kim cương, đặt đúng vị trí của chai rượu, gắn xi lanh vào và hút. Tuy nhiên, cách làm này không thể đại trà được vì số lượng rượu thật không đủ nhiều. Vì thế, rượu Tây giả (hàng lậu làm từ nước ngoài) có riêng một nhà máy nhại các kiểu dáng chai, nhãn mác và các nhà sản xuất trong nước sẽ mua lại thứ đó để dùng làm giả.
Có thể tử vong tại chỗ
“Phân tích một số loại rượu mua ngẫu nhiên trên thị trường, chúng tôi mới biết chúng chứa rất nhiều chất độc hại, toàn pha chế từ cồn công nghiệp”- một cán bộ thuộc Phòng Thí nghiệm hóa phân tích Trường ĐH Bách khoa TPHCM tiết lộ. Phân tích này được tiến hành trên 7 loại rượu ngoại và một số loại rượu mơ, rượu nho, rượu cam, Rhum của Việt Nam. Điều đáng lo là ngoài vượt chỉ tiêu về hàm lượng acid, ester, aldehyd, methanol, nhiều mẫu kiểm tra đều tồn tại chất furfurol (ở mức cao khoảng 0,65 đến 0,66 mg/lít), một chất cực độc không cho phép có trong rượu.
Nói về các chất độc hại có trong rượu, TS Nguyễn Thị Hạnh, Phòng Vi sinh ứng dụng Phân viện Sinh học nhiệt đới, cho biết: “Rượu mạnh có thể hòa tan nhiều kim loại nặng, ở nhiệt độ cao, tốc độ hòa tan lại càng nhanh, rất dễ gây tử vong”. Đối với những loại rượu giả được làm từ cồn công nghiệp, chứa nhiều methanol, furfurol thì độ độc hại của nó cũng nguy hiểm không kém. “Mấy chất này có nguy cơ làm cho người mù lòa. Hóa chất furfurol làm tê liệt hệ tiêu hóa, hô hấp, thần kinh, nhẹ thì dẫn đến một số bệnh chết người như: ung thư, tim mạch, gan, thậm chí là cả dị tật thai nhi..., cấp tính sẽ làm chết người tại chỗ”. Với kiểu làm giả rượu như hiện nay, theo TS Hạnh, không có gì là khó hiểu khi ngày càng gia tăng những cái chết thương tâm vì rượu.
90% rượu nhiễm tạp chất độc hại Rượu là một loại thức uống đặc biệt, yêu cầu có một độ tinh khiết cao, vì thế phải tuân thủ quy trình chưng cất đặc biệt. Nhưng theo PGS-TS Nguyễn Phương Tùng, 90% rượu trên thị trường đều tự chưng cất, lẫn nhiều tạp chất độc hại khác như aldehyd, methanol, furfurol... Các loại rượu giả đa số đều dùng cồn công nghiệp nên hàm lượng tạp chất trên sẽ khó kể hết. Triệu chứng đầu tiên của nhiễm độc các chất này là đau đầu, mất thăng bằng, nóng ran... M.D |
Bình luận (0)