Khối bã thức ăn lớn được tìm thấy trong dạ dày nam thanh niên - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết các bác sĩ tại đây vừa tiếp nhận bệnh nhân nam T.N.L. (20 tuổi, ở huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, nôn, bụng chướng.
Theo người nhà bệnh nhân, trước đó gần 3 tuần, anh L. xuất hiện các cơn đau bụng nhưng gần 1 tuần qua, tình trạng đau xuất hiện nhiều, kèm theo những cơn đau trở nên dữ dội. Gia đình đã đưa vào bệnh viện tuyến huyện để điều trị nhưng không đỡ nên được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Người nhà nam bệnh nhân cũng cho biết thêm anh L. có thói quen ăn uống không khoa học, thường xuyên uống trà sữa thay cơm.
Tại đây, qua thăm khám và chụp chiếu ổ bụng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có hình ảnh tắc ruột, các quai ruột giãn to và được chẩn đoán bị tắc ruột do bã thức ăn. Tiến hành mổ dạ dày, mở ruột, các bác sĩ đã lấy 2 khối bã thức ăn khá lớn trong dạ dày và ruột non của bệnh nhân.
Thói quen ăn uống không khoa học, thường xuyên uống trà sữa có thể là nguyên nhân gây tắc ruột
Bác sĩ Trần Thanh Tùng, Phó Trưởng Đơn vị ngoại - trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết với trường hợp bệnh nhân này, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc cao, hoại tử ruột, suy đa tạng và gây nguy hại đến tính mạng.
Giới chuyên môn cũng khuyến cáo không nên uống trà sữa khi quá đói hoặc quá no. Khi nạp trà sữa trong tình trạng dạ dày rỗng có thể sẽ dẫn đến tình trạng cồn cào bụng hay axit trào ngược, dễ gây mệt mỏi. Ngoài ra, khi bụng đói, axit dịch vị tiết ra nhiều dễ bị rối loạn tiêu hóa. Còn nếu uống trà sữa sau bữa ăn no có thể khiến cơ thể đầy bụng, khó tiêu, gây cảm giác khó chịu. Với người nghiền trà sữa, các bác sĩ khuyên nên uống sau khi ăn khoảng 1-2 giờ.
Bình luận (0)