.Phóng viên: Thưa bác sĩ, nhiều ý kiến hoài nghi rằng ngay cả các vắc-xin Covid-19 được cho là đang thử nghiệm thành công nhất trên thế giới vẫn cho một tỉ lệ mắc bệnh nhất định sau tiêm chủng. Liệu vắc-xin có thể giúp chấm dứt sự lây lan hay chỉ có thể kỳ vọng rằng nó giúp người đã tiêm không bị bệnh quá nặng, như một số nhà sản xuất tuyên bố?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động.(Ảnh: TẤN THẠNH)
- Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH: Mục tiêu của vắc-xin là giúp người ta không bị bệnh. Nhưng khó có vắc-xin nào đạt được sự tuyệt đối. Vẫn có một tỉ lệ tiêm rồi vẫn mắc bệnh: do cơ địa, liều lượng. Tuy nhiên, về giá trị cộng đồng, nếu tỉ lệ bao phủ của vắc-xin tốt thì sẽ giảm số người bệnh trong cộng đồng, từ đó chặn được chuỗi lây, giảm nguồn lây, người đáp ứng miễn dịch kém vẫn được bảo vệ.
Nguyên tắc của một virus lây từ người sang người là từ từ sẽ gây bệnh nhẹ lại, vì như vậy thì bản thân virus mới có cơ hội sinh sôi, bệnh nhẹ thì mới có cơ hội phát tán nhiều. Nếu virus nguy hiểm đến mức ai bệnh cũng chết, chúng sẽ khó lòng tìm vật chủ mới. Với SARS-CoV-2 cũng vậy, chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi nó sẽ dần thuần hóa và trở thành một virus corona bình thường, chỉ nguy hiểm với đối tượng có nguy cơ.
Nhưng với tình hình hiện nay, phải sản xuất ra vắc-xin gấp rút bởi đây là một virus mới, trong khi miễn dịch cộng đồng hiện rất thấp. Bệnh lây lan sẽ rất nhanh, người thuộc đối tượng nguy cơ mắc bệnh nặng đồng loạt sẽ cực kỳ nhiều nếu không có các biện pháp phòng chống như hiện nay. Khi đó hệ thống y tế sẽ quá tải và chính sự quá tải này dẫn đến nhiều ca tử vong, người bệnh nhẹ cũng có thể thành bệnh nặng… do không được chăm sóc đầy đủ. Điều này đã thấy ở các nước. Vì vậy cần có vắc-xin, khẩu trang, các biện pháp giãn cách… để làm chậm tốc độ lây lan. Mà các biện pháp cách ly nghiêm ngặt thì lại ảnh hưởng đến kinh tế, do đó cần có vắc-xin để từng bước nới lỏng các biện pháp ngăn chặn khác, nhằm khôi phục kinh tế.
.Các thống kê cho thấy tình trạng người nhiễm virus nhưng không có bất cứ triệu chứng bệnh nào ngày càng nhiều. Điều này có đáng lo ngại?
- Trong các loại bệnh do nhiễm virus, bệnh nhân thường chia làm nhiều nhóm. Nhóm thứ nhất, không có triệu chứng nói trên, gọi là "người lành mang trùng": họ không thực sự là bệnh nhân nhưng mang mầm bệnh và vẫn có thể phát tán, dù ít. Nhóm thứ hai là những người bệnh nhẹ, những người này cũng có nguy cơ lây bệnh cho người khác mà không biết, bởi họ có thể tưởng mình chỉ bị cảm. Nhóm thứ ba là người bệnh khá nặng, có các triệu chứng đặc hiệu như sốt cao, đau nhức mình mẩy… Nhóm thứ tư là nhóm bệnh rất nặng, có biến chứng, thường gặp ở các đối tượng nguy cơ (cao tuổi, sức khỏe yếu, có bệnh nền…).
"Người lành mang trùng" nhiều không phải là không tốt, bởi đó là dấu hiệu cho thấy virus đang thuần dần với con người. Tuy nhiên, nếu người đó phát tán mầm bệnh cho đối tượng nguy cơ thì sẽ xuất hiện ca bệnh nặng. Do đó mới cần có vắc-xin và những người được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên trong cộng đồng nên là các đối tượng nguy cơ, sau đó bao phủ dần.
.Như vậy, cho dù có một vắc-xin thực sự đã thành công và được sản xuất, vẫn chưa là dấu chấm hết của đại dịch?
- Một vắc-xin cần có thời gian nhất định để phát huy tác dụng bảo vệ, và một cộng đồng vẫn cần có thời gian nhất định để đạt được độ bao phủ vắc-xin cần thiết. Nên cho dù có vắc-xin thành công thì cũng phải kết hợp với các biện pháp phòng vệ cá nhân: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách… Song song với việc tỉ lệ được tiêm chủng tăng dần, có thể giảm dần các biện pháp giãn cách để khôi phục kinh tế, đó là điều quan trọng nhất.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-11
Vắc-xin Covid-19 "made in Vietnam" khi nào có?
Bộ Y tế cho biết trong số hơn 200 nhà phát triển vắc-xin Covid-19 trên toàn thế giới cho đến nay, có 38 vắc-xin đã đến khâu thử nghiệm trên người, khoảng 1/4 trong số này đang thử nghiệm trên nhóm lớn người tình nguyện.
Tại Việt Nam, hiện đang phát triển 4 vắc-xin Covid-19 của 4 nhà sản xuất là Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN. Trong số này hiện có 2 đơn vị đã đang chuẩn bị các bước cho việc thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên người. Dự kiến tháng 12-2020, sau khâu thẩm định hồ sơ chuẩn bị hoàn tất, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN và Học viện Quân y sẽ thử nghiệm vắc-xin Covid-19 giai đoạn 1 trên người tình nguyện. Nếu vắc-xin của Việt Nam được tiêm thử nghiệm trên người, đây sẽ là sản phẩm thứ 39 trên thế giới bước vào giai đoạn tiêm thử trên người.
TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) - cho biết theo lộ trình, nhanh nhất đến cuối năm 2021, Việt Nam mới sản xuất được vắc-xin thương mại. Bộ Y tế đang xem xét hồ sơ, sau khi thẩm định, hồ sơ đạt yêu cầu sẽ được phê chuẩn cho thử nghiệm trên người, khi đó sẽ chính thức thông báo tuyển chọn tình nguyện tiêm ngừa.
Ngoài NANOGEN, Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đang hoàn thiện hồ sơ tiền lâm sàng vắc-xin Covid-19 để có thể thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm 2021. Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) mới đây cũng đã tiêm thử nghiệm tiền lâm sàng vắc-xin Covid-19 trên khỉ sau khi đã thử nghiệm trên khỉ và chuột.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước tăng cường các hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc-xin. Mục tiêu là cuối năm 2021 sẽ hoàn thành tất cả các khâu thử nghiệm đối với vắc-xin Covid-19. Quá trình nghiên cứu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo đảm an toàn cho người tình nguyện.
Ngọc Dung
Bình luận (0)