Sau khi phải hoãn tiêm chủng do hỗn loạn lại địa chỉ 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội), Bộ Y tế đã cho phép mở tiêm ở 161 điểm trên cả nước hôm 28-12. Tại Hà Nội, TP HCM - 2 thành phố có nhiều điểm tiêm chủng nhất - số lượng vắc-xin vẫn quá ít, không đáp ứng nổi nhu cầu của người dân.
Không dám tiêm vì sợ hỗn loạn
Ngày 28-12, theo kế hoạch, đồng loạt 74 điểm tiêm chủng ở TP HCM sẽ tiến hành tiêm Pentaxim song người dân vẫn khổ sở chạy khắp nơi tìm mũi vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 này để phòng bệnh cho con.
Anh Nguyễn Đức Toàn (ngụ quận 12, TP HCM) cho biết vợ chồng anh mang con đến 3 nơi để đăng ký chích ngừa Pentaxim nhưng đành thất vọng ra về. “Trên website thấy nói Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng quận 12 có chích nhưng chúng tôi đưa con đến thì họ bảo chưa có vắc-xin, lên Viện Pasteur thì họ cũng bảo chưa tiêm. Qua TTYT dự phòng TP HCM thì nơi này đã phát hết số, nhân viên y tế thông báo muốn tiêm phải chờ đợt 2” - anh Toàn bức xúc.
Tại TTYT dự phòng TP HCM, mới mờ sáng đã có rất nhiều người chờ nhận số thứ tự đăng ký chủng ngừa Pentaxim. Đến 8 giờ cùng ngày, trung tâm đã thông báo phát hết số.
Tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), lúc 10 giờ cùng ngày, nhiều người vẫn kéo đến đăng ký nhưng đành bỏ cuộc vì BV chưa nhận được đợt vắc-xin thứ hai. TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho hay kể từ sau đợt đầu được cung cấp 150 liều đã chích hết hôm 26-12, giờ chưa biết bao giờ vắc-xin sẽ về.
Còn ở BV Từ Dũ, theo dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc BV, nơi đây đã nhận được 500 liều vắc-xin dịch vụ nhưng vẫn chưa triển khai tiêm bởi số lượng quá ít so với nhu cầu người dân. “BV rất lo, nếu triển khai tiêm không có kế hoạch sẽ dễ diễn ra tình trạng hỗn loạn, tranh giành để được tiêm” - bà Thủy lo lắng.
Trong khi đó, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương (TP HCM), cho biết sáng 28-12, BV đã triển khai ngay việc chích vắc-xin dịch vụ với 300 liều vừa nhận được. Tuy nhiên, mới 7 giờ 30 phút, BV đã hết số.
Theo Bộ Y tế, trong tuần tới, một lượng lớn vắc-xin dịch vụ sẽ về đến các BV. “Vì vậy, các bậc cha mẹ nên bình tĩnh chờ đợi, đừng vội đưa con đi chen lấn tìm cách tiêm sớm bởi như vậy rất tội cho các bé” - BS Tuyết khuyên.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TTYT dự phòng TP HCM, thừa nhận trung tâm đang lệ thuộc nhà phân phối vì phải đợi số liều vắc-xin dịch vụ đưa về. Trung tâm đã đăng ký 2.000 liều nhưng nhận được chưa tới 1.000 liều. Số vắc-xin tại trung tâm hiện chỉ còn đủ để phục vụ trong 2 ngày tới với 300 liều. Về việc khi nào có thêm vắc-xin thì ông Dũng không dám khẳng định.
Còn theo lãnh đạo Viện Pasteur TP HCM, hiện nơi này chưa tiêm Pentaxim vì sợ người dân đổ dồn đến, gây ảnh hưởng đến việc chích ngừa các loại vắc-xin khác.
Tại Đà Nẵng, BS Tôn Thất Thạnh, Giám đốc TTYT dự phòng TP, khẳng định sau Tết Dương lịch, trung tâm mới triển khai tiêm vắc-xin Pentaxim cho trẻ. Đây là điểm tiêm vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 duy nhất ở Đà Nẵng.
Đăng ký tiêm chủng qua website, tổng đài 1080
Trước tình trạng người dân khổ sở chờ chích vắc-xin dịch vụ cho con, chiều 28-12, Sở Y tế TP HCM đã họp khẩn với lãnh đạo 76 cơ sở tiêm chủng để tìm giải pháp.
Theo TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, từ ngày 29-12, việc tiêm vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 sẽ thực hiện qua tổng đài 1080. Người dân có nhu cầu, đăng ký qua tổng đài 1080 các thông tin liên quan (tên tuổi bé, cha mẹ, ngày giờ tiêm, địa chỉ…). Sau đó, các điện thoại viên sẽ lưu thông tin và điều phối, đăng ký, giới thiệu các bậc cha mẹ đến nơi tiêm chủng gần nhất, thuận tiện nhất. Cơ sở tiêm chủng chỉ nhận đăng ký danh sách qua tổng đài để người dân khỏi bỏ công sức đến chờ như những ngày qua.
BS Thượng yêu cầu các cơ sở tiêm chủng phải bảo đảm an toàn cho trẻ và tránh cảnh chen lấn như vừa qua. Sở Y tế TP HCM cũng đề nghị các cơ sở đăng ký tiêm chủng qua tổng đài 1080 phải đủ năng lực 1 ngày tiêm được bao nhiêu trẻ cụ thể, không để chen lấn khi triển khai. Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế phải nắm danh sách cơ sở tiêm chủng, trường hợp cơ sở nào không đủ vắc-xin phục vụ, người dân sẽ được chuyển đến cơ sở khác ở địa bàn lân cận.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT dự phòng TP, cho biết sau khi nhận 3.200 liều Pentaxim, trung tâm đã phối hợp với một đơn vị viễn thông xây dựng phần mềm điện tử đăng ký tiêm trực tuyến tại địa chỉ: http://ytdphanoi.gov.vn. Hệ thống đăng ký trực tuyến sẽ hoạt động từ 9 giờ ngày 29-12. Trong đợt này, trung tâm tổ chức tiêm chủng vắc-xin Pentaxim cho trẻ có ngày sinh từ 30-12-2012 đến 30-10-2015. Trung tâm đã làm việc với Viễn thông Hà Nội để tránh sự cố tắc nghẽn khi người dân đăng ký qua mạng.
Tại điểm đăng ký tiêm vắc-xin Pentaxim số 131 Lò Đúc, Hà Nội (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), hệ thống phần mềm điện tử cũng chính thức hoạt động từ 9 giờ ngày 29-12. Người dân có nhu cầu đăng ký tiêm Pentaxim có thể truy cập các địa chỉ: https://ticketbox.vn/event/tiem-vaccine-pentaxim-56349/28259; https://facebook.com/ytdp131loduc; https://www.yteduphong.com.vn và https://www.nihe.org.vn.
Điểm tiêm chủng 131 Lò Đúc nhận được 1.600 liều Pentaxim trong đợt này, mỗi buổi sẽ tiêm khoảng 100 mũi. Khi cho trẻ đi tiêm, cha hoặc mẹ cần mang theo CMND (hay hộ chiếu) của mình để đăng ký phiếu, bản sao giấy khai sinh/giấy chứng sinh của trẻ.
Trong khi đó, Phòng Tiêm chủng Polyvac - nơi xảy ra cảnh hỗn loạn vừa qua - mới chỉ thông báo sẽ tổ chức đăng ký tiêm vắc-xin qua internet mà chưa có phương án đăng ký cụ thể.
Liên quan đến việc tiêm vắc-xin dịch vụ, Zalo chính thức của Bộ Y tế hôm 28-12 đã ra thông báo hướng dẫn cụ thể cách tra cứu điểm tiêm chủng. Đây là giải pháp nhằm tránh tình trạng quá tải do nhiều người cùng đến một địa điểm tiêm chủng. Để tra cứu, người dân chỉ cần chọn chức năng nhắn tin cho Bộ Y tế, sau đó chọn “Điểm tiêm chủng”. Hệ thống sẽ tự trả về danh sách các địa điểm gần nơi ở kèm địa chỉ và số điện thoại để người dân tiện liên hệ.
Hướng tới 1 hệ thống vắc-xin
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương hôm 28-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Việt Nam hiện là nước duy nhất trên thế giới có 2 hệ thống tiêm chủng vắc-xin mở rộng và tiêm chủng vắc-xin dịch vụ. Đây là hệ quả từ thời bao cấp. Ngành y tế đã báo cáo vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng có tác dụng phòng bệnh tốt hơn vắc-xin dịch vụ Pentaxim. Các ca tử vong sau tiêm Quinvaxem hầu hết ở vùng miền núi, vùng sâu; còn ở Hà Nội và TP HCM không có. Quinvaxem gây phản ứng nhiều hơn nhưng phản ứng đó không gắn với chết người mà nguyên nhân tử vong là do quá trình vận chuyển vắc-xin, sàng lọc trước khi tiêm và xử lý sau khi tiêm nếu có sự cố.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế làm rõ cho người dân hiểu rằng ngay cả việc tiêm vắc-xin dịch vụ Pentaxim cũng có thể xảy ra tử vong. Theo Phó Thủ tướng, đến năm 2020, phải tiến tới thống nhất sử dụng một hệ thống vắc-xin. Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xây dựng nghị định để xem xét giá tiêm vắc-xin dịch vụ, đưa vắc-xin về đúng giá, tính đúng, tính đủ.
P.Nhung
Khủng hoảng niềm tin
Câu chuyện vắc-xin sẽ còn tiếp tục nóng khi các cơ sở dịch vụ trên cả nước bắt đầu triển khai chích ngừa cho trẻ. Bộ Y tế không đánh giá đúng mức độ “khao khát”, “ngóng đợi” của người dân, cũng không định lượng được nhu cầu thực tế về vắc-xin dịch vụ. Vụ việc chen lấn, xô đẩy hỗn loạn đến giờ chỉ xảy ra ở 1 điểm tiêm. Tuy nhiên, kể cả khi tung ra thị trường thêm 15.000 liều vắc-xin cùng lúc thì cũng không giải tỏa được “cơn khát” của 30.000-40.000 trẻ đang cần tiêm và hàng trăm ngàn người nhà đang sốt ruột.
Người dân đang mất niềm tin với Quinvaxem bởi những chuyện lùm xùm liên quan đến loại vắc-xin này. Từ thực tế con cái đang khỏe mạnh, sau tiêm lại gặp tai biến tử vong, họ không cho rằng đó là ngẫu nhiên. Giữa cái họ quan sát với giải thích của Bộ Y tế không trùng nhau nên cách lý giải của Bộ Y tế không được người dân chấp nhận. Cũng có ý kiến cho rằng “cơn sốt” vắc-xin dịch vụ là do tâm lý đám đông. Tuy nhiên, tâm lý đám đông là nghe theo thông tin một chiều, không có kiểm chứng, một cách mù quáng và trong thời điểm nhất thời. Trong khi đó, “cơn sốt” vắc-xin dịch vụ đã kéo dài rất lâu.
Vấn đề chối bỏ Quinvaxem, tìm vắc-xin dịch vụ là ở những người có điều kiện, đã diễn ra trong nhiều năm, từ 2012 đến nay. Và mỗi lần có vụ tai biến sau tiêm Quinvaxem, dư luận lại nháo nhác, ồn ào. Cho nên, “cơn sốt” này là rất thật và rất nóng. Trong khi chưa giải quyết được nghi ngại về Quinvaxem, lại có thông tin vắc-xin dịch vụ thiếu trong thời gian tới thì việc đổ xô tiếp cận vắc-xin dịch vụ như vừa qua là chuyện đương nhiên. Đây là khủng hoảng niềm tin, thể hiện sự bất an của người dân khi con em họ không có vắc-xin bảo vệ.
TS Trần Tuấn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng)
Bình luận (0)