Ngày 5-9, Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP HCM) tổ chức tổng kết chương trình "Vắc-xin tinh thần" sau 1 năm triển khai.
Lắng nghe, chia sẻ, chữa lành
Một năm trước, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở TP HCM. Không chỉ gây khó khăn về kinh tế, đời sống, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhiều người, không chỉ về thể chất mà cả tinh thần. Qua nghiên cứu, đại dịch làm tăng tỉ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần như trầm cảm, căng thẳng, rối loạn lo âu... Người già, phụ nữ, trẻ em, người có trình độ học vấn thấp là những đối tượng dễ bị tác động. Trong bối cảnh đó, Trường ĐH KHXH-NV đã triển khai chương trình "Vắc-xin tinh thần" với những buổi tham vấn tâm lý từ nhẹ đến nặng cho những người bị ảnh hưởng.
Trong năm qua, chương trình đã tiếp nhận hàng ngàn ca tư vấn tâm lý, điều trị chuyên sâu. Các giảng viên tình nguyện tham gia còn mở rộng các dự án như: Xóm trọ online, Chăm sóc sức khỏe tinh thần trong đại dịch.
Đại diện Báo Người Lao Động (thứ 2 từ trái qua) cùng các đơn vị đồng hành chương trình “Vắc-xin tinh thần” nhận kỷ niệm chương của Trường ĐH KHXH-NV TP HCM Ảnh: QUỐC THẮNG
Nhận thấy chương trình mang lại nhiều hiệu quả tích cực, Trường ĐH KHXH-NV còn tổ chức nhiều buổi hội thảo trực tuyến về sức khỏe tinh thần kết nối chuyên gia với người dân như: "Vắc-xin tinh thần" cho học sinh sinh viên, Học tập chủ động trong tình hình dịch Covid-19, Chăm sóc sức khỏe tâm - tinh thần cho người dân sau đại dịch, Chăm sóc sức khỏe cho phụ huynh có con nhỏ sau đại dịch… Mỗi buổi hội thảo đã thu hút hơn 200-400 người đăng ký tham dự trực tuyến, 1.000-1.500 người xem trực tiếp trên phiên bản trực tuyến.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông vận động nâng cao sức khỏe tinh thần cũng được chú trọng thông qua báo chí. "Vắc-xin tinh thần" đã phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM (VOH) thực hiện chương trình radio "Tâm an vượt qua đại dịch"; đồng thời phối hợp với Báo Người Lao Động, Báo Khoa học và Đời sống đăng tải bài viết hằng tuần về kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần, trả lời thắc mắc của bạn đọc.
Là một trong những tình nguyện viên tham gia chương trình, TS Lê Thị Mai Liên, Khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH-NV, cho biết dịch Covid-19 khiến cuộc sống đảo lộn làm nhiều người rơi vào khủng hoảng. Chương trình "Vắc-xin tinh thần" chia sẻ với họ cách thức giúp tinh thần bình tĩnh hơn, học cách suy nghĩ tích cực, điều chỉnh giấc ngủ và thói quen sinh hoạt và từ đó lấy lại được tinh thần. "Cũng có người gặp khủng hoảng nghiêm trọng khi gia đình bị mất người thân. Những người này cần nhiều thời gian hơn để phục hồi. Nhưng về cơ bản, "Vắc-xin tinh thần" đã nâng đỡ tinh thần để họ nói ra, chữa lành từng bước" - TS Liên chia sẻ.
Sứ mệnh chưa dừng lại
Tại lễ tổng kết, chương trình "Vắc-xin tinh thần" đã tri ân những đóng góp tích cực của các cá nhân, tập thể, các tình nguyện viên. PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV, cho biết đội ngũ thực hiện chương trình không nghĩ có thể đạt được những hiệu quả tích cực như vậy trong bối cảnh dịch bệnh đầy bất an. Thông qua chương trình, nhà trường muốn thực hiện sứ mệnh trong nghiên cứu lĩnh vực tâm thần, đóng góp xây dựng chính sách vĩ mô nhằm nâng cao sức khỏe tinh thần cho người dân.
"Thầy cô giáo, cộng tác viên vào các bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân, đôi lúc xuống tinh thần. Mình làm tư vấn tâm lý cho nhiều người nhưng cũng cần được xoa dịu, giải tỏa, nâng đỡ tinh thần vì phải đối mặt với quá nhiều năng lượng tiêu cực nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng" - TS Phương Lan nói về sự khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình.
TS Phương Lan cho hay giai đoạn 1 đã kết thúc, chương trình "Vắc-xin tinh thần" sẽ chuyển qua giai đoạn mới, chuyên nghiệp hơn với sự ra mắt của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần để chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn cho người dân.
TS tâm lý Lê Minh Công được bổ nhiệm giữ vị trí Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần. Nói rõ hơn về sứ mệnh, mục tiêu của trung tâm, TS Minh Công cho biết trung tâm có sứ mệnh nâng cao vị thế của Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP HCM) thông qua các thành tựu nghiên cứu khoa học có giá trị học thuật và thực tiễn trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần; đồng thời hướng đến các dịch vụ, dự án có chất lượng cao nhằm nâng cao sức khỏe tinh thần của cộng đồng.
"Trung tâm được mở ra với mục tiêu đóng góp vào việc xây dựng chính sách và các giải pháp vĩ mô trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần; thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước đến hợp tác. Trung tâm cũng sẽ hệ thống hóa nguồn dữ liệu liên quan đến vấn đề sức khỏe tinh thần để phục vụ cho việc nghiên cứu và ứng dụng" - TS Minh Công nói.
Hệ sinh thái hỗ trợ sức khỏe tinh thần
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan cho hay hiện nay TP HCM đã có hệ sinh thái hỗ trợ sức khỏe tinh thần tại Trường ĐH KHXH-NV như phòng tư vấn tâm lý ở ký túc xá. Ngoài ra, ĐHQG TP HCM cũng có đề án chăm sóc sức khỏe tinh thần cho 70.000 sinh viên của các trường trong hệ thống.
Bình luận (0)